Người trẻ còn thiếu văn hóa nghỉ việc?

Mới đây, một chàng giám đốc trẻ tại Hà Nội đã đăng một câu chuyện trên trang cá nhân của mình về văn hóa nghỉ việc của người trẻ hiện nay. Câu chuyện đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.

Các bạn nên mạnh dạn liên hệ với nhà tuyển dụng để nói rõ nguyên nhân nghỉ việc.
ẢNH: SHUTTERSTOCK

Nhiều người trẻ chưa biết cách xin nghỉ việc

Chủ nhân của câu chuyện này là anh Trần Trung Hiếu, giám đốc của một công ty tại Hà Nội. Trong dòng trạng thái của mình, anh viết: “Trong công ty, tôi đã từng gặp trường hợp mới nhận việc, sáng đi làm vui vẻ, chiều tự nhiên mất hút, gọi hỏi mới nói là chỗ khác mới offer em tốt hơn nên em qua luôn, em hẹn anh lần khác nhé, sợ chưa. Hay gần đây nhất có bạn hôm trước làm, hôm sau nghỉ, không chào hỏi tạm biệt ai cả, hoặc có bạn thậm chí sau block cả Facebook của mọi người trong công ty (chắc vì ngại), không hiểu các bạn nghĩ gì,…

Đồng cảm với dòng trạng thái này, thành viên Thuyên Đặng bình luận: “Làm việc với các bạn trẻ, đôi khi thấy các bạn rất hồn nhiên. Nghỉ việc một cách rất tự nhiên và bất ngờ. Về hành vi thì biểu hiện đó còn thể hiện sự thiếu trách nhiệm khá lớn. Nhưng cũng khó trách các bạn, tuổi trẻ, trải nghiệm còn hạn chế nên đôi khi hành xử chưa thực sự trưởng thành. Cũng mong cho các bạn sau này sẽ hiểu và trưởng thành hơn trong những công việc tương lai”.

Hãy biến mình thành người chuyên nghiệp

Khi chia sẻ với nhiều bạn trẻ về câu chuyện này, chúng tôi nhận được nhiều phản hồi tương tự.

Trương Minh Thái (cựu sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng) cho biết: “Trước khi đến với công việc hôm nay thì mình đã nghỉ việc ở 2 công ty. Công ty đầu tiên thì mình làm được hơn một tuần, còn công ty thứ hai thì được một ngày. Vì thấy công việc không phù hợp nên mình nghỉ mà cũng vì nghỉ sớm quá nên mình ngại và cũng không báo cho ai biết”.

Tương tự, Nguyễn Thị Thương (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế) cho rằng không dám đối mặt để nói với quản lý là mình nghỉ vì mới vào chưa được lâu. “Mặc dù, mình biết làm thế là không đúng, cũng cắn rứt lắm vì mấy ngày sau chị quản lý cứ gọi cho mình rồi còn nhắn tin hỏi 'em bị bệnh hay gặp vấn đề gì à?'. Nhưng thấy chị hỏi vậy mình càng ngại và thấy có lỗi hơn nên lại chọn cách im luôn”.

Về vấn đề này, anh Trần Trung Hiếu khuyên: “Hãy biến mình thành người chuyên nghiệp. Sự chuyên nghiệp đến từ những điều nhỏ nhất, đến từ sự tử tế, không phải là cái gì quá to tát. Xin nghỉ chỉ là kết thúc công việc tại một nơi, nhưng còn đó là cả những mối quan hệ, đừng để vì 'chưa biết cách xin nghỉ' làm sau này cũng ngại khi nhìn mặt nhau”.

Là một người có nhiều kinh nghiệm trong tuyển dụng nhân sự, anh Cao Trung Hiếu (sáng lập và điều hành Dân Trí Soft) nhìn nhận: “Nếu các bạn trẻ nói là vì ngại thì càng khẳng định bạn là người còn non nớt trong việc giao tiếp. Bởi lẽ, hành động nghỉ ngang mà không thông báo sẽ làm nhà tuyển dụng bị 'tổn thương' hơn nhiều so với việc bạn thẳng thắn nói ra sự thật...”.

“Các bạn nên thành thật, mạnh dạn liên hệ với nhà tuyển dụng để nói rõ nguyên nhân nghỉ việc, thà mất lòng trước được lòng sau, một lời xin lỗi đúng lúc còn hơn vạn lần trốn tránh. Và hơn nữa, đây sẽ là một bài học kinh nghiệm về việc chọn lựa doanh nghiệp để ứng tuyển, các bạn cần có suy nghĩ chính chắn hơn để tránh lặp lại sai lầm cho những lần tiếp theo mà nhà tuyển dụng và cả bạn đều tổn thương và tốn kém”, anh Cao Trung Hiếu khuyên.

Nữ Vương
Link gốc: https://thanhnien.vn/gioi-tre/nguoi-tre-con-thieu-van-hoa-nghi-viec-942276.html




Bài chia sẻ gốc:

Phóng viên: Nhiều bạn trẻ hiện nay thiếu "văn hóa" nghỉ việc như là sáng mới đi làm, chiều đã nghỉ hay hôm nay đi làm, ngày mai lại nghỉ... nghỉ đùng đùng như vậy mà không hề có thông báo gì với người quản lý hay sếp. Cứ thích là nghỉ, tìm được việc phù hợp hơn là nghỉ. Vậy bản thân anh, anh nghĩ gì về vấn đề này ạ? 

Và nhiều bạn trẻ nói là vì ngại, vì mới đi làm thấy không hợp công việc nên mới nghỉ, mà mới đi làm lại nghỉ nên ngại không dám nói với sếp. Vậy anh có lời khuyên gì cho các bạn trẻ khi mới đi làm như thế này không?

Trả lời:

Quản trị nhân sự vẫn luôn là đề tài nóng, gắn liền với thực tiễn hàng ngày của bất kỳ nhà quản lý hay người doanh chủ nào. Hơn thế nữa với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ đang chiếm hơn 95% doanh nghiệp tại Việt Nam thì việc thu hút và tuyển dụng được nhân sự lại càng khó khăn hơn nhiều lần. Do đó, khi công ty có ứng viên quan tâm ứng tuyển và nhất là ứng viên phù hợp vào nhận việc thì đó là điều tuyệt vời của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tại Dân Trí Soft, chúng tôi có chiến lược và chính sách tuyển dụng và đãi ngộ nhân sự để cùng nhau làm việc lâu dài.

Về vấn đề nhiều bạn trẻ hiện nay thiếu "văn hóa" nghỉ việc như là sáng mới đi làm, chiều đã nghỉ hay hôm nay đi làm, ngày mai lại nghỉ...  kể cả không hề có thông báo gì với người quản lý hay sếp thường rơi vào đối tượng là sinh viên mới ra trường hoặc chỉ mới đi làm một - hai năm, còn với người có kinh nghiệm làm việc thì rất hiếm khi có hiện tượng này. Nói như vậy để chúng ta hiểu rằng nhận thức giữa người chưa có kinh nghiệm thực tiễn và người có kinh nghiệm trong công việc là khác nhau khá xa, ví dụ một thống kê của Navigos (thuộc Vietnamwork) thì sinh viên mới ra trường đưa ra yêu cầu mức lương còn cao hơn người có kinh nghiệm làm việc từ 5 - 7 năm. Cái lỗi nhận thức này đến từ nhiều phía, từ chính các bạn trẻ khi không cập nhật thông tin việc làm thường ảo tưởng về giá trị của tấm bằng đại học giá trị bản thân, lỗi đến từ nhà trường và giảng viên khi không hoặc thiếu cung cấp các dữ liệu về thị trường lao động khốc liệt, lỗi đến từ gia đình khi bố mẹ vẫn chăm lo đầy đủ con cái suốt quá trình học đại học và có thể nhiều năm sau khi tốt nghiệp mà thất nghiệp làm con cái có tính ỉ lại. Thêm nữa, ngay chính người doanh chủ, nhà quản lý cũng cần nâng cấp kiến thức, kỹ năng trong công tác nhân sự để ứng dụng cho phù hợp với tính hình thực tế của mỗi doanh nghiệp. Khi doanh chủ, nhà quản lý hiểu điều này sẽ tìm cho mình phương pháp lựa chọn nhân sự phù hợp.

Nếu các bạn trẻ nói “là vì ngại, vì mới đi làm thấy không hợp công việc nên mới nghỉ, mới đi làm mà nghỉ nên ngại không dám nói với sếp” thì càng khẳng định bạn ấy là người còn non nớt trong việc giao tiếp. Bởi lẽ, hành động nghỉ ngang mà không thông báo sẽ làm nhà tuyển dụng bị “tổn thương” hơn nhiều so với việc bạn thẳng thắng nói ra sự thật. Và chắc chắn rằng thông tin của nhân sự này sẽ được đưa vào “danh sách đen” và có thể các nhà tuyển dụng sẽ chia sẻ thông tin này với nhau, khi đó cơ hội việc làm cơ hội thăng tiến của bạn sinh viên đó sẽ khó khăn, vì trái đất này “rất tròn” đấy. Lời khuyên của tôi là các bạn nên thành thật, mạnh dạn liên hệ với nhà tuyển dụng để nói rõ nguyên nhân, thà mất lòng trước được lòng sau, một lời xin lỗi đúng lúc còn hơn vạn lần trốn tránh. Và hơn nữa, đây sẽ là một bài học kinh nghiệm về việc chọn lựa doanh nghiệp để ứng tuyển, lựa chọn doanh nghiệp để làm việc, các bạn cần có suy nghĩ chính chắn hơn để tránh lập lại sai lầm cho những lần tiếp theo mà nhà tuyển dụng và cả bạn đều tổn thương và tốn kém.

Cao Trung Hiếu | Sáng lập và điều hành Dân Trí Soft
"Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình"
1 Nhận xét