Cạm bẫy khi bạn đang ở trên đỉnh của thành công.

Đây là bài chia sẻ những trải nghiệm về cạm bẫy khi thành công của một doanh chủ trẻ Việt Nam.

Khi thành công, đặc biệt lúc vẫn còn trẻ tuổi, người ta rất dễ mắc phải những sai lầm dẫn đến mất mát tiền bạc, bạn bè và niềm tin của người thân. Cá nhân tôi từng là một người như vậy.

Từ thành công cũng mang một khái niệm rất tương đối. Lúc chưa vấp ngã, bạn nghĩ khác. Va chạm rồi, trả giá và trưởng thành rồi bạn sẽ nghĩ khác.

Năm 2012, nhắc đến bánh kem Chewy Junior người ta nghĩ ngay đến Mai Trường Giang và nhắc đến Mai Trường Giang, người ta nghĩ ngay đến bánh kem này. Tôi mang Chewy Junior từ Singapore về và cửa hàng đầu tiên ra mắt khách hàng vào ngày 17-9-2009 tại số 34 Trần Hưng Đạo, quận 1, TPHCM.

Sau ba năm phát triển, Chewy Junior xuất hiện ở Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng với tổng số 13 cửa hàng. Thời đó, khái niệm chuỗi cửa hàng chưa phổ biến như ngày này nên một người trẻ như tôi thu hút được nhiều sự chú ý của cả truyền thông và những người làm trong ngành.

Khi mình có danh, cộng với một số tiền kha khá trong tay, cảm giác hài lòng, tự tin xuất hiện và nó tạo cho mình niềm tin rằng mình đủ giỏi để có thể lấn sân sang những lĩnh vực khác. Đây là bước ngoặc đưa đến những ngả rẽ, có thể thành công, có thể thất bại, tùy vào năng lực của bạn.

Thời điểm cuối năm 2012 đầu 2013, khái niệm café take away trở nên phổ biến đi kèm sự xuất hiện của hai thương hiệu trẻ là Passio và The Urban Station. Tôi nhìn thấy cơ hội từ thị trường rất lớn, đủ chỗ để mình nhảy vào. Ngày 20-10-2013 quán café The Startup Coffee đầu tiên ra đời. Đến cuối năm, The Startup Coffee đã có 8 cửa hàng.

Cùng thời gian đó, tôi đưa thêm hai thương hiệu, một là bánh kẹp Crepe từ Mỹ và một là bánh Wonder Buns từ Singapore về Việt Nam. Tất cả hoạt động đều không sinh lời. Cuối năm 2014, tôi quyết định đóng cửa ba thương hiệu mới này.

Ở đây, có một số sai lầm tôi cho rằng khi nhìn lại, phân tích và chia sẻ sẽ có ích cho những người trẻ khi dấn thân khởi nghiệp ngày này.

Cẩn trọng khi chọn nhà đầu tư cá nhân

Trong câu chuyện phát triển chuỗi café The Startup Coffee, tôi không gặp nhiều khó khăn khi kêu gọi vốn đầu tư từ các cổ đông. Sở dĩ nói vậy vì thời điểm đó, tôi đã có uy tín nhất định trong giới khởi nghiệp. Những thành công ban đầu với chuỗi bánh kem Jewy Junior mang đến cho tôi một năng lượng mà tôi tin chính năng lượng này thuyết phục các nhà đầu tư không ngần ngại chung tay góp vốn đi cùng.

Tôi, lần đầu làm việc cùng các nhà đầu tư cá nhân. Họ, lần đầu bỏ vốn vào một startups. Cả hai đều thiếu kinh nghiệm trong mối quan hệ này. Ai đầu tư cũng mong đồng vốn sinh lời, lời càng nhiều càng tốt, lời càng nhanh càng tốt hơn. Mấu chốt nằm ở điểm này. Nhà đầu tư kỳ vọng startups của bạn sinh lời ngay năm hoạt động đầu tiên. Thực tế thì điều này là bất khả thi.

Sau năm đầu tiên, Startup Coffee lỗ và lỗ. Các nhà đầu tư từ chối góp vốn ở năm tiếp theo. Để duy trì hoạt động, tôi kéo dòng tiền từ Chewy Junior sang nuôi các dự án mới. Cuối năm 2014, ngay cả dòng tiền từ Chewy Junior cũng đã bị cạn. Việc gì đến phải đến, tôi thông báo với các cổ đông về quyết định đóng cửa The Startup Coffee và hai thương hiệu bánh còn lại.

Đây thật sự là thời điểm khó khăn. Các cổ đông bị sốc. Họ đặt câu hỏi tại sao một người từng thành công với bánh kem lại thất bại trong mảng café? Họ nghi ngờ tôi dùng tiền để làm việc khác. Biết sao được. Trước khi góp vốn đi chung, chúng tôi là bạn bè. Sau khi dự án kết thúc, mối quan hệ rạn nứt.
Rõ ràng, kinh doanh bánh kem khác hẳn với café. Dù cùng chung mảng ẩm thực nhưng mỗi lĩnh vực đòi hỏi những kỹ năng và kinh nghiệm khác nhau.

Tôi nghĩ mình có lỗi một phần khi không làm rõ kỳ vọng của nhà đầu tư cá nhân; không chỉ ra những rủi ro mà dự án có thể gặp phải. Thành thật mà nói, có những rủi ro mà dù cố gắng đến mấy, bạn cũng sẽ không thể nhìn ra khi cuộc đời chưa có đủ va chạm và trải nghiệm.

Qua sự cố nêu trên, có một số bài học có thể rút ra khi chọn nhà đầu tư cá nhân.

Thứ nhất, cần chọn những người thật sự có tiềm lực tài chính và sẵn sàng cho việc mất vốn nếu dự án thất bại. Tiềm lực ở đây được hiểu họ có dòng tiền nhàn rỗi và để đó 1 năm, 2 năm, 3 năm mà không quá bận tâm thu bạc cắt sau khi kết thúc năm tài chính.

Thứ hai, cần chọn những người có khả năng sát cánh cùng bạn trong quá trình vận hành thay vì chỉ biết chỉ trích và nghi ngờ khi kết quả kinh doanh không như mong đợi. Họ có thể là chuyên gia trong ngành ẩm thực mà bạn kinh doanh; hoặc là một chuyên gia tài chính giúp bạn nhìn ra những vấn đề về dòng tiền.

Con người là nền tảng của mọi dự án

Nghe có vẻ sáo rỗng khi nói rằng con người là nền tảng của mọi dự án. Tuy vậy, sai lầm này rất dễ xảy ra với người sáng lập.

Nói rõ hơn thế này. Khi phát triển nóng The Startup Coffee, tôi từng phải kéo người từ Chewy Junior sang. Rõ ràng, tôi bị động và nhân viên cũng bị động. Trong tình huống đó, chắc chắc họ không làm tốt công việc ở vị trí mới mà còn không thể hoàn thành công việc cũ. Cả hai đều dang dở.

Rồi, nếu man mắn, bạn có thể tuyển được người giỏi nhưng vì chạy theo chỉ tiêu về doanh số/cửa hàng, bạn không có thời gian để xây dựng sự gắn kết trong đội ngũ. Công ty không có một văn hóa rõ rệt. Nhân viên đến rồi đi.

Bạn có thể xây hệ thống rồi tìm người vận hành sau. Tuy vậy, sẽ tốt hơn nếu tìm đúng người trước khi mở rộng.

Đừng ở trên trời

Nhìn lại những quyết định trong giai đoạn 2012-2013, tôi thấy mình có nhiều sai lầm. Giá lúc đó, có ai đứng ra phản biện, khuyên bảo, có khi tôi đã không chịu phải những vấp ngã không đáng có.

Nhưng tiếp tục tự vấn chính mình, lúc đó, trong mối quan hệ của mình, tôi quan biết rất nhiều doanh nhân thành đạt và dạn dày kinh nghiệm thương trường, tại sao không ai cảnh báo mình? Có thể anh chị không có thời gian; có thể mình không đáng để anh chị quan tâm; cũng có thể anh chị cố tình để mình vấp ngã và trưởng thành.

Mọi thứ đều có thể và chúng ta không chắc đều gì. Nhưng có một điều chắc chắn là khi ta tự hài lòng với chiến thắng của bản thân, ta mất đi khả năng lắng nghe và cầu thị. Có thể chính ta không nhận ra nhưng những người từng trải họ thấy rất rõ. Tôi chỉ thật sự ngộ ra điều này khi gần đây, nghe một người chị thân thiết chia sẻ, chị nói “lúc mới gặp Giang, Giang ở trên trời không à.”

Vậy đó. Tôi từng ở trên trời theo cách nói của chị. Còn bạn, bạn đang ở đâu?

Chia sẻ của Mai Trường Giang.
Bài Viết bởi Em Nguyễn Đức Tâm, cám ơn Tâm đã soạn lại bài nhé!
0 Nhận xét