Tại sao xã hội ngày càng ăn xổi hơn, khôn lỏi hơn!?

Tôi vừa làm phần mềm tính tiền cho chủ quán để kịp khai trương, nghe tâm sự của chị chủ quán mà cảm thấy đồng cảm lắm. 


Chị bảo, chị thuê mặt bằng, có 15 ngày để setup nên thuê thợ làm gấp rút, vì chi phí thuê vị trí đẹp này không rẻ. Chị cũng tin tưởng lời giới thiệu của đội thợ này thợ kia nhưng giờ là chị bắt đầu trả giá, chị bảo lỗi cũng một phần là quá tin tưởng rồi chẳng có kiểm tra kỹ, tiền thì thanh toán ngay rồi giờ có vấn đề đội thợ đã một đi không trở lại.

Chị chỉ cho tôi xem cái giấy dán tường trong các phòng VIP, nhìn lướt qua thì trông thật cũng OK đấy nhưng khi nhìn gần lại thì bao nhiêu lỗi cơ bản sờ sờ ra đó. Dân nghiệp dư như tôi nhìn qua đã thấy thật là tệ quá, làm thế này thì sao dám nhận tiền của người thuê cơ chứ. Chị nói, để thư thư rồi cũng phải cho gỡ ra rồi dán lại, lần sau phải tìm đội thợ tốt hơn và phải kiểm tra thật kỹ.

Rồi còn cái mái che mưa nữa cơ chứ, chị bảo họ vừa bàn giao xong, thanh toán cũng xong thì hôm qua có trận mưa nhỏ lại phát hiện ra lỗi khi sử dụng. Mái che bị nghiêng, kết cấu yếu, nước mưa thì có chỗ bị dột cho đấu nối không kỹ. Chị nói thêm "mưa lớn không biết nó thế nào nữa nhưng cũng phải cho khai trương cho đúng dự định rồi sai đâu sẽ cho sửa dần ở đó".

Nỗi đau của chị tôi cũng từng trải qua nhiều lần tương tự nên đồng cảm được, vì tin tưởng mà mất lòng tin, vì mất lòng tin nên tôi ngày càng trở nên kỹ tính hơn, chi tiết hơn để phòng ngừa các rủi ro. Và bạn biết đấy, việc mất mát vì niềm tin xã hội đi xuống là vô cùng to lớn, mất niềm tin khiến mọi giao dịch chậm lại và tốn kém, mất niềm tin nên phải xây dựng một quy trình để kiểm soát khiến tốn kém sức lực, thời gian và tiền bạc, mất niềm tin khiến cuộc sống ngột ngạt hơn vì sợ tiếp tục bị ăn cú lừa, mất niềm tin khiến thấp thỏm lo âu...

Nguyên nhân nào khiến cho con người ta ngày càng ăn xổi hơn, khôn lỏi hơn, mà nói thẳng là "lưu manh" hơn, thì theo tôi có mấy lý do:
- Một, là giá trị đạo đức xã hội ngày càng xuống thấp, những giá trị như nhân - lễ - nghĩ - trí - tín, chí công vô tư, kính trên - nhường dưới... ngày càng trở nên hiếm ở đất nước mình. Còn nguyên nhân vì sao ư, có lẽ đó là một giai thoại dài về lịch sử, văn hóa, kinh tế và giáo dục.
- Hai, đó là lối sống quá trọng vật chất, trọng của cải và phần lớn là chấp nhận "làm giàu bất chấp" chỉ để giàu có, còn hậu quả ra sao thì mặc kệ. Ví dụ của người chị ở trên là những đội thợ đã kiếm tiền bất chấp, miễn là lấy được tiền còn hậu quả ra sao thì khách hàng cứ từ từ mà nhận, họ đã cao chạy xa bay và họ lại kiếm được đơn hàng khác rồi. Hay như lãnh đạo nhiều địa phương nhờ "buôn chổi đót, chạy xe ôm và thậm chí là nuôi heo" mà có cơ ngơi biệt phủ hàng triệu đô, họ nói dối không ngại mồm. Rồi còn giám đốc bệnh viên sẵn sàng kê khống giá mua vài chục tỉ đồng để bỏ túi riêng, mặc kệ người bệnh thêm gánh nặng. Thậm chí những đại án tham nhũng được phát hiện thì là mất mát hàng chục nghìn tỉ đồng.... Kể làm sao cho hết được vì hiện tượng này đã quá phổ biến.
- Ba, pháp luật tỏ ra ngày càng yếu thế và dân gian gọi "Công Lý" chỉ là cái tên của diễn viên hài nổi tiếng. Nguyên tắc của pháp luật là "bất vị thân", ai ai cũng bình đẳng với pháp luật, nhưng thực tiễn diễn ra thì nó thật là "nhiều tiếng cười nấc" mà báo chí cũng hay đưa tin, công lý lắm lúc là làm trò cười cho nhân gian.

Còn giải pháp ư? Chỉ có thể là "khai dân trí" nhưng tiếc thay bộ giáo dục của ta mấy mươi năm qua đã và đang làm chiến lược phát triển con người xã hội chủ nghĩa rồi hiện tượng là tình trạng như hiện nay đấy. Dự đoán giá trị đạo đức xã hội sẽ ngày càng "tối đen" hơn, có thể là như đêm đen chị Dậu "Chị vùng chạy ra ngoài giữa lúc trời tối đen như mực, đen như cái tiền đồ của chị vậy!"


Vì vậy, cách tốt nhất là mỗi chúng ta hãy tự khai trí cho chính mình và chờ đợi... một phong trào "cải lương" nào đó như cụ Phan Chu Trinh đã từng thực hiện cách đây hơn trăm năm trước!

www.CaoTrungHieu.com | Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình
TP HCM ngày 06/09/2020
0 Nhận xét