Bắt con tép thả con tôm.

Vụ cầu thủ bóng chày nổi tiếng của Mỹ OJ Simpson được cho là giết vợ rành rành nhưng cuối cùng được xử trắng án là một ví dụ điển hình của vai trò luật sư trong một vụ tố tụng. Không có đội ngũ luật sư hàng đầu này thì chắc chắn OJ Simpson khó thoát khỏi bản án tử hình nặng nề.


Trong vụ này, các luật sư không trực tiếp chứng minh OJ Simpson vô tội mà chỉ chứng minh rằng bộ phận công tố chưa có đủ bằng chứng 100% là OJ Simpson có tội. Có một vài chi tiết, trong đó chi tiết cái găng tay của hung thủ mà cảnh sát thu được từ hiện trường là quan trọng nhất. Vì nếu OJ Simpson đúng là hung thủ thì anh phải đeo vừa cái găng tay đó, đằng này - ngay trước mặt quan toà - anh ta đã không mang nó vào được (như ai cũng biết, nếu muốn mang găng tay vào thì người mang găng phải rất hợp tác thì mới mang được và nếu bạn là OJ Simpson thì bạn có cố gắng mang găng trong trường hợp này hay không?).

Luật là luật. Chừng nào còn 1/100 xác suất nghi ngờ chưa rõ ràng thì luật của Mỹ là không thể kết tội OJ Simpson được, đồng nghĩa với vô tội.

Cái hay là những trường hợp được xử tương tự như vậy - nghĩa là vì còn một khoản xám chưa xác định hoàn toàn thì chưa kết tội được - đã xảy ra rất nhiều tại Mỹ xuyên suốt bao nhiêu năm nay nhưng người ta chưa bao giờ muốn thay đổi luật này. Vì cái lợi của luật này vẫn còn lớn hơn rất nhiều so với những thiệt hại cho xã hội nếu xoá bỏ nó.

Nên hơn ai hết người Mỹ, quốc hội Mỹ không muốn thay đổi điều luật về “reasonable doubt” (tạm dịch sự nghi ngờ hợp lý). Thà bắt sót tội phạm còn hơn bắt lầm, bắt oan, bắt sai tội phạm. Thử hỏi sức mạnh của bên công tố sẽ lớn đến chừng nào nếu chưa chứng minh được 100% mà đã có thể kết tội người dân?

Cho nên thà nghĩ đến chuyện lớn để chấp nhận những chuyện nhỏ hơn, những trường hợp lách qua khe luật, những trường hợp không hoàn hảo. Thà “thả con tép nhưng mà bắt được con tôm”. Cái được vẫn lớn hơn cái mất.

Rồi nghĩ đến Việt Nam, có người muốn thay đổi luật và bắt buộc luật sư phải tố giác thân chủ nếu biết thân chủ có tội.

Trường hợp này thì ngược lại, giống như đi “bắt con tép mà lại thả con tôm”. Vì lợi ích của nguyên tắc bảo mật thông tin có giá trị hơn những thiệt hại cho xã hội của nó. Nên chưa có một quốc gia nào trên thế giới bắt luật sư phải tố cáo thân chủ là vậy, trong đó bao gồm luôn Trung Quốc, nước có thế chế chính trị gần nhất với Việt Nam.

Bài chia sẻ từ facebook Lý Quí Trung
0 Nhận xét