Một chút kỷ niệm thời trẻ trâu.

Một chút kỷ niệm thời trẻ trâu.

Mấy hôm nay xem lại bộ phim Tiếu ngạo giang hồ của nhà văn Kim Dung, chợt kỷ niệm một thời trẻ trâu lại ùa về, một thời mà tôi đã “luyện chưởng” bằng cách đọc Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Lộc đỉnh ký, Tiếu ngạo giang hồ.

Đó là thời gian tôi học lớp 11 và 12, tôi mê tít thò lò các tác phẩm của Kim Dung, đến nằm mơ tôi vẫn thấy các anh hùng hào kiệt trong các bộ truyện. Nào là Quách Tĩnh khù khờ chịu khó và Hoàng Dung thông minh và láu cá, Dương Quá tài năng và Tiểu Long Nữ xinh đẹp, Lệnh Hồ Sung ngang tàng, nghĩa khí và Nhậm Doanh Doanh chung tình, Vi Tiểu Bảo ma quái, linh hoạt …


Có người bảo thời đó mày học trường chuyên, luyện như luyện gà thì lấy đâu thời gian để đọc sách “luyện chưởng”. 

Nhưng tôi có một bí mật để “luyện chưởng” đấy!

Với môn chuyên năm lớp 11 chúng tôi đã học xong chương trình lớp 12, do đó thời gian hè 11 và năm 12 tôi hơi bị rảnh nhé. Thêm nữa, tôi cũng chẳng nằm trong đội tuyển để thi giải gì cho nên lại càng rảnh rang hơn.

Và có một điều nữa, nó là kỷ niệm vì sao tôi có thêm thời gian rảnh. Lớp chúng tôi có 25 thành viên, thì có một nhóm 4 đứa hơi khác người một chút, thích bày trò thế là thường xuyên được (bị) thầy chủ nhiệm cho ra khỏi lớp mà “xám hối”. Thường thì chúng tôi kiếm góc nào đó học, chán quá thì tôi lấy bộ Kim Dung ra mà “luyện chưởng”. Đó cũng là những kỷ niệm đáng nhớ nhất thời THPT. Giờ ngẫm lại mà cứ cười khan. Dù ham chơi, năm đó lớp tôi đỗ 100% đại học ngay nguyện vọng 1 đó.

Thời đó tôi mê tít truyện Kim Dung mà không biết vì sao. Sau này, lớn hơn một chút, đọc nhiều hơn và trải nghiệm nhiều hơn, mới thấy trong truyện của Kim Dung đã có chữ ĐẠO trong đó. Nhà văn Kim Dung đã lồng vào truyện tinh thần của chữ ĐẠO qua các nhân vật, đó là lý do tại sao đọc mà không thấy chán.

Ví như, chính với tà không nhất định phải rành mạch, đôi khi chính giáo làm trò bỉ ổi vô liêm sỉ hơn cả tà giáo và tà giáo cũng trượng phu chẳng khác chính giáo, nó được thể hiện rất rõ qua tác phẩm Tiếu ngạo giang hồ. Do đó, chính hay tà cũng tại TÂM mà ra.

Và điều tôi thấy vô cùng thú vị là cái kết “truyền thống” của truyện kiếm hiệp Kim Dung. Nhân vật chính thường vất vả, kiên trì khổ luyện mới đạt thành tựu võ công, chí khí thì ngút trời mới chinh phục được anh hùng thiên hạ. Và khi trở thành minh chủ võ lâm thì đều có cái chung là chuyển giao quyền lực ấy cho người phù hợp hơn, sau đó chu du thiên hạ cùng người yêu thương. Hình ảnh ấy đẹp vô cùng. Đó phải chăng là pháp buông xả của nhà Phật mà thành.

Ngẫm thấy cuộc sống hiện tại,
- Con người ta phần đa là bon chen vì lợi và danh mà quên đi cái tình con người.
- Còn người ta có mấy ai dám buông xả, sống yêu thương, sống vì cộng đồng.

Do đó, truyện Kim Dung vẫn luôn đẹp trong con mắt của người yêu kiếm hiệp vậy khi con người ta vẫn mong muốn tìm cái thiện tránh cái ác.

Cao Trung Hiếu
HCM, ngày 26/01/2016

0 Nhận xét