Học đi đôi với hành


Động lực để nâng cao dân trí trước hết là nâng cao chất lượng cuộc sống mỗi cá nhân, mỗi gia đình, tiếp đến là góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, độc lập, tự do. Mỗi người dân Việt Nam đều lấy động lực đó phấn đấu thì công cuộc đổi mới và phát triển sẽ diễn ra mạnh mẽ vô cùng thỏa khát vọng “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Học cái gì cũng là câu hỏi lớn?

Nền giáo dục Việt Nam được quốc tế đánh giá là quá lạc hậu, chưa theo kịp nhu cầu xã hội. Chương trình giáo dục nặng về tính lý thuyết, hàn lâm thiếu tính thực tiễn. Dù chính phủ có nhiều cải tiến nhưng vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng xã hội. Ngoài ra, chương trình giáo dục chịu ảnh hưởng nhiều ở Nho giáo, chạy theo thành tích, học vì bằng cấp khiến tạo ra nhiều cử nhân, tiến sĩ “dỏm”, “dư thầy thiếu thợ”.

Thiết nghĩ, học phải đi đôi với hành, kiến thức chỉ có ý nghĩa khi nó được áp dụng hiệu quả vào cuộc sống. Nói như người Do Thái “đừng trở thành con lừa thồ sách”, đọc nhiều mà không ứng dụng kiến thức vào cuộc sống thực tại thì có khác nào con lừa thồ sách. Do đó hãy học những môn mà xã hội cần như toán học, hóa học, vật lý học, điện tử, công nghệ thông tin, sinh học, kinh tế học, văn học, lịch sử, ngoại ngữ … Hãy nghiên cứu và học hỏi các kiến thức từ các nước phát triển, từ những mô hình thành công để đút kết kinh nghiệm, từ đó sáng tạo những phương pháp mới giúp đạt hiệu quả cao hơn, như thuật ngữ “biết đứng trên vai của người khổng lồ”. “Người khổng lồ” là những nền văn hóa, kinh tế, khoa học kỹ thuật phát triển hơn Việt Nam.

Học phải đi đôi với hành
Phải biết cách chọn lọc và đừng quá tin vào nền học vấn nặng bản chất phong kiến trong nho giáo với đạo Khổng là đại diện. Đạo Khổng chủ trương xây dựng xã hội tốt đẹp bằng việc sắp đặt trên dưới, địa vị rõ ràng, tuân thủ tuyệt đối theo sự sắp xếp đó. Khuyết điểm của nó là hạn chế sáng tạo, hạn chế tính dám nghĩ dám làm, không dám bày tỏ những chính kiến (minh họa điều này mời đọc bài: Sự im lặng của 700 hiệu trưởng Hà Nội), không dám sáng tạo vì sợ sai, sợ thất bại. Xã hội kém năng động, con người trở nên ù lì. Con người có tư tưởng ỉ lại, trông chờ mệnh lệnh từ trên và thực hiện theo đúng quy định cho dù nó có bất hợp lý.

“Học đi đôi với hành”
, học để thích ứng với cuộc sống, học để phát triển cá nhân, học để góp phần xây dựng dân tộc hùng cường.


Với mục tiêu học pháp luật để sử dụng trong cuộc sống tôi có viết chuỗi bài về pháp luật tại đây, từ luật giao thông, luật dân sự, pháp luật trong kinh doanh …, tôi cũng chọn lọc những video để minh họa thêm sinh động, bạn đọc có thể xem tại Pháp luật và đời sống, thông tin sẽ liên tục được cập nhật để phù hợp với cuộc sống thường ngày.
HCM ngày 13/02/2015
Cao Trung Hiếu

0 Nhận xét