Cách sắp xếp công việc của người hiệu quả cao!

Sau khi liệt kê một danh sách các công việc cần làm để hoàn thành mục tiêu sẽ đến bước sắp xếp công việc theo trình tự để hoàn thành. Việc liệt kê danh sách công việc là một kỹ năng, bài này tôi chưa đề cập đến loại kỹ năng rất quan trọng này, ở đây tôi chỉ nói đến thứ tự ưu tiên sắp xếp đầu việc như thế nào là hiệu quả.

- Nhóm 1: Nhiều người sẽ chọn việc quan trọng và khẩn cấp làm trước, việc quan trọng ít khẩn cấp tiếp theo, tiếp đến mới đến việc ít quan trọng hơn..., tức là theo trục tọa độ quan trọng và khẩn cấp thường được học.

- Nhóm 2: Có người sẽ sắp xếp là việc dễ dàng hoàn thành nhanh là làm trước, đây là kiểu tư duy làm đề thi là "bài nào dễ làm trước", và cứ theo tuần tự đó mà làm (thực ra trong thi cử thì bài nào nhiều điểm, dễ đạt là làm trước mới chuẩn).

Theo bạn với 2 cách sắp xếp công việc trên thì nhóm nào làm việc hiệu quả hơn?

Sẽ có nhiều người chọn nhóm một là hiệu quả, nhưng thực tế trong công việc thì phần lớn là làm theo nhóm hai đấy, không tin cứ thử ngẫm lại xem.

Tôi thì chia sẻ thêm một nhóm thứ ba, mà theo tôi là hiệu quả nhất. Người nhóm 3 sau khi liệt kê danh sách công việc sẽ đánh giá mức độ quan trọng ảnh hưởng đến toàn cục, tức nhóm này có cách hành xử giống nhóm một, điểm khác biệt ở đây là trong các công việc được đánh giá là quan trọng thì họ sẽ tiếp tục đánh giá xem công việc nào "khó nhất" mà "nếu không hoàn thành nó thì gần như các việc làm khác là vô nghĩa", lưu ý là việc khó nhất và ảnh hưởng toàn diện nhé. Họ sẽ tập trung cho công việc quan trọng và khó nhất để hoàn thành ngay từ đầu.

+ Nếu hoàn thành được cái điểm ấy thì tất cả việc phía sau trở nên dễ dàng hơn.

+ Nếu cái việc quan trọng và khó nhất ấy không thể hoàn thành bằng mọi tư duy, nguồn lực, sự trăn trở, thời gian... thì họ có ngay kết quả là thất bại với danh sách đầu việc này. Tức tạo ra được thất bại nhanh hơn người khác (fail fast) mà không dây dưa tốn kém quá nhiều nguồn lực khi đã làm các việc dễ dàng ở đằng trước. Nhờ thất bại nhanh như vậy mà họ có thời gian suy xét lại "đề bài của công việc" và có thể "thay đổi lại đề bài từ rất sớm", thay vì cách truyền thống là đến giai đoạn cuối mới xác định "đề bài đang làm là vô nghiệm".

Tôi là tuýp người chọn cách làm việc ở nhóm 3 và thích những ai xử lý công việc ở nhóm 3. Còn bạn thì sao!?

Ảnh dưới: nếu cái màn hình bán hàng này không "ngon lành" thì mọi tính năng khác như quản lý kho hàng (nhập - xuất - tồn), quản lý thu chi công nợ... đều trở nên vô nghĩa với phần mềm bán hàng miễn phí mà chúng tôi dành tặng cộng đồng, hoàn thành xong nó thì mới tính cái khác.

Màn hình tính tiền của phần mềm quản lý bán hàng miễn phí DanTriSoft dành tặng cộng đồng

Cao Trung Hiếu | Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình
TP HCM ngày 29/09/2021

0 Nhận xét