Những dòng dịch chuyển đau lòng khi ĐẤT LÀNH thành ĐẤT LÁNH?

A

Không sống được thì phải về thôi, biết làm cách nào khác bây giờ?

Thành phố cứu trợ lương thực thực phẩm, nhưng liệu có giúp trả được tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, tiền sữa, tiền bỉm… hay không? Thành phố cũng khó để yêu cầu chủ phòng trọ giảm hay miễn tiền nhà vì chủ phòng trọ, đến lượt họ, cũng phải trả gốc trả lãi cho ngân hàng. Không trả thì ngân hàng siết hết tài sản thì làm sao?

Thành ra nửa tháng, một tháng thì còn cố gắng gồng gánh. Nhưng nếu dài hơn thì cả thành phố lẫn những người xa quê mất việc đều không chịu nổi. 

Tổ chức cho người dân về lại địa phương thì sao?

Có lẽ ngoài lý do dịch tễ thì mọi thứ đều ổn hơn. 

Thế tại sao không tổ chức để cho người dân về lại quê nhà? Và tìm cách khống dịch tễ. 

Các tỉnh chắc sẽ không vui lắm vì sẽ có thêm khá nhiều gánh nặng. Nhưng đó là điều cần làm. Người ly hương bao năm đi làm xa tích góp gửi về cho gia đình hoặc ít nhất là giảm gánh nặng an sinh xã hội cho địa phương. Lúc này là lúc địa phương nên chung sức gánh những hậu quả do Covid mang tới. Chia ra 40 - 50 địa phương thì ít ra vẫn nhẹ gánh hơn dồn lên vai vài tỉnh thành Sài - Đồng - Bình. 

Người dân định về quê trong sáng nay 15/08/2021 nhưng được CSGT nhắc quay đầu ẢNH: V.P - báo Thanh Niên

B

Có lẽ là bây giờ mà nói thì có phần hơi sớm, nhưng sau đại dịch chính phủ cần có chính sách quyết liệt để tái cấu trúc lại nền kinh tế.

Rất cần tạo điều kiện để lao động có thể tìm được việc làm phù hợp tại quê hương của mình. Tỷ lệ lao động xa quê, nếu có, giảm xuống còn 10-20% mà thôi. 

Muốn được vậy, cần:

a. Cải thiện môi trường kinh doanh tại địa phương để tạo sự dễ dàng và thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế. Có thể ưu tiên chính sách cho một số ngành nghề lĩnh vực khuyến khích của địa phương đó. 

b. Thực sự có chiến lược địa phương, chiến lược vùng đủ bền vững và kết nối chặt chẽ với đào tạo nghề nghiệp, phát triển hạ tầng, chuỗi cung ứng và công nghiệp phụ trợ. Hiện tại khẳng định rằng các chiến lược địa phương đa phần có cũng như không, hoặc chỉ mang tính nhiệm kỳ, nên chưa tạo được hiệu quả. 

c. Muốn thu hút được đầu tư thì phải tạo được mức độ hấp dẫn địa phương. Do vậy, các địa phương cần được phép có chính sách thuế khác nhau cho ngành nghề mà mình ưu tiên. Nhưng không nên để phá rào chính sách. Muốn vậy, có lẽ nên cân nhắc hệ thống thuế kép (thuế quốc gia, và thuế địa phương) giống như nhiều quốc gia đã áp dụng. Thuế quốc gia nộp hết về trung ương để sử dụng chung. Thuế địa phương sử dụng cho ngân sách địa phương. Địa phương vì vậy có thể giảm của ngành này, tăng của ngành khác miễn là đủ bảo đảm được ngân sách của địa phương mình. 

d. Phát triển hệ thống giao thông vận tải và hậu cần đủ để giảm chi phí lưu chuyển hàng hoá cho mỗi tấn hàng hoá. Hiện tại chi phí vận chuyển ở Việt Nam là quá cao (chưa nói đến các chi phí phi chính thức) do vậy các doanh nghiệp có xu hướng đặt nhà máy tại gần các vùng tiêu thụ chính. 

e. Nếu có thể thì quy hoạch lại, thậm chí thắt giáo dục cao đẳng và đại học lại. Có lẽ không nhiều nơi trên thế giới có nhiều trường đại học (trong cùng một thành phố), nhiều sinh viên (trong tỷ lệ dân số) như Hà Nội và Tp HCM. Sinh viên được đào tạo ra đa phần không có việc làm hoặc phải làm trái nghề. Rồi phải làm mọi cách để được ở lại các thành phố lớn. Điều này tạo ra sự lãng phí xã hội và sự thiếu hụt nhân lực cục bộ tại các địa phương. 

Nhiều lực lượng tuần tra phối hợp khuyên người dân quay lại nơi cư trú - ẢNH: V.P, báo Thanh Niên

C

Còn với Sài Gòn (và Đồng Nai - Bình Dương) thì sau đợt đại dịch này, chắc chắn cũng sẽ đối diện với 3 điều khủng khiếp:

1. Thiếu nhân lực nghiêm trọng cho các nhà máy khu công nghiệp. 

2. Một lượng doanh nghiệp rất lớn sẽ phá sản hoặc sụt giảm quy mô và doanh thu. Điều này tạo ra sự thất nghiệp và kéo theo nhiều hệ lụy xã hội. Câu chuyện về an sinh và an ninh xã hội sẽ cực kỳ nặng nề cho giai đoạn sau dịch. 

3. Sụt giảm nguồn thu nghiêm trọng trong khi lại tăng chi rất nhiều. Điều đó làm cho ngân sách thâm hụt mạnh ảnh hưởng trước tiên đến các hạng mục đầu tư. 

Những điều này có thể kéo lùi sự phát triển về mức 10-20 năm trước. Và nghiêm trọng hơn, quá trình này có thể làm sụt giảm vị thế kinh tế của thành phố trong tổng thể quốc gia và trong tổng thể các thành phố lớn khu vực Đông Nam Á. 

Tuy vậy, đây cũng là cơ hội để thành phố và các địa phương trong khu vực dịch chuyển cơ cấu kinh tế sang hướng ít thâm dụng lao động và có tính đề kháng cao hơn với các cuộc khủng hoảng mà tôi tin rằng trong tương lai sẽ còn xuất hiện nhiều hơn nữa. Mà thực ra không cần cuộc khủng hoảng này thì hơn 10 năm nay chúng ta cũng đã khá bế tắc và chông chênh khi đi tìm dư địa phát triển mới rồi. Không có đại dịch này thì vẫn phải xây dựng lại chiến lược phát triển mới cho thành phố. 

Cần bắt tay vào, ngay từ bây giờ cho các nghiên cứu, đánh giá, chuẩn bị chứ không thể “đợi đến ngày lấy chồng mới bắt đầu đi may áo cưới”. Lãnh đạo thành phố và rất nhiều ban ngành hiện đang chịu rất nhiều sức ép. Nhưng cũng có nhiều ban ngành giờ này khá rảnh rang. Hãy để họ chuẩn bị trước đi. 

——————

Gắn bó với Sài Gòn đã 26 năm, còn nếu với miền Đông Nam Bộ thì đã gần 40 năm, tôi luôn hiểu được vì sao nơi này luôn được coi là đất lành cho muôn phương. Với những giá trị nội tại, lịch sử và những triển vọng tương lai, tôi tin rằng Sài Gòn - Bình Dương - Đồng Nai rồi sẽ lại hồi phục. Thế nhưng đó sẽ là một chuyến đi dài với nhiều thách thức cần chúng ta tập trung và quyết liệt. 

Để rồi vùng ĐẤT bị xa LÁNH bây giờ lại sẽ là ĐẤT LÀNH của tương lai!

#StayStrongVietnam #saigon_under_covid

Theo anh Tran Bang Viet


0 Nhận xét