Lừa đảo bằng cách dựng chuyện từ thiện trên môi trường online!

Tôi có làm admin/mod vài group facebook lớn/nhỏ khác nhau nên tôi có góc nhìn khá rõ việc lừa đảo qua việc dựng chuyện từ thiện trên môi trường online rất là phổ biến. Mỗi ngày, các group tôi làm admin/mod nhận vài chục tin cần phê duyệt là những câu chuyện từ thiện rất đau thương, bi đát, lay động lòng người.

Khi đọc các tin từ thiện này tôi đều yêu cầu xác thực thông tin, bằng cách yêu cầu người đăng phải nhắn tin trực tiếp đến tôi. Và sự thật là 99,99999% là những tài khoản đó không dám nhắn tin gì cả, điều đó khẳng định rằng các tin từ thiện là những việc lừa dối mà nói thẳng là lừa đảo và tôi thường block thẳng tay những nick đăng tin đó. Vẫn có những tin đăng về khó khăn thật và cái chung là dù khó khăn thì người đăng cũng rất tử tế, tôi xác nhận tin thật thì mới duyệt vào bài vào group.

Vì vậy, qua vụ việc gây chấn động tâm lý nhân dân là "bệnh viện không còn máy oxy nên bác sĩ rút dây thở của bố mẹ để nhường sự sống cho sản phụ sinh đôi" của đội ngũ lừa đảo chuyên nghiệp, viết lời văn rất hay ho tôi đề nghị AN NINH MẠNG hãy truy bắt và phạt ở mức cao nhất của pháp luật. Trong giai đoạn này, việc gây chấn động tâm lý nhân dân thật là bỉ ổi, xấu xa, mong thay pháp luật làm đến nơi đến chốn.

Việc làm phước, làm từ thiện rất là tốt đẹp và thiết nghĩ điều tốt đẹp đó sẽ lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa khi ta dùng trí tuệ để suy xét các trường hợp. Việc tử tế bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo thì cũng một phần lỗi là trí tuệ của ta chưa sáng suốt vậy.

www.CaoTrungHieu.com | Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình
TP HCM ngày 10/08/2021


Nhóm của "bác sĩ Khoa" dựng chuyện lấy tiền người cả tin ra sao?

Nhóm của "bác sĩ Khoa" với người có tên Phong Lam thường dựng lên những câu chuyện lấy nước mắt cư dân mạng, từ đó kêu gọi quyên góp từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh mà nhóm này tự vẽ ra.

Hình ảnh của "bác sĩ Khoa" kute thực ra là bác sĩ Toh Wei Seong làm việc tại đại học NUHS bên Singapore
Câu chuyện về nhóm của Lam nuôi một bà cụ bán vé số không nơi nương tựa, sau khi chồng và con mắc bệnh ung thư qua đời, bà cụ sau đó cũng bị đột tử. Một Facebook trong nhóm đăng đàn kêu gọi ủng hộ, quyên góp tiền làm đám tang cho cụ. Dưới lời kêu gọi kèm theo số tài khoản của một người tên Nguyễn Thị Minh Thy. Rất nhiều người đã chuyển tiền ủng hộ sau lời kêu gọi đẫm nước mắt này.

Thậm chí, cả câu chuyện chính bản thân Lam bị ung thư máu từ nhỏ, câu chuyện về người anh trai bị bệnh mất từ lúc mới sinh ra, ước mơ làm bác sĩ và được ba hiến tuỷ để cứu sống mình và sau đó Lam sang Singapore theo đuổi giấc mơ bác sĩ như thế nào… đều được Lam tổng hợp cả mấy trang như một tấm gương vượt lên số phận gửi cho tất cả những người mà cô ta quen được.

Tin nhắn của Phong Lam và Nguyễn Thị Minh Thy với chị Nguyễn K.L ở TP.HCM để chuyển tiền hỗ trợ vào quỹ 82 (ảnh L.N)
"Trong bản tóm tắt cuộc đời dài cả chục trang giấy, mà Lam gửi cho tôi, Lam kể bố đã quyết tâm bán nhà đưa con gái sang Singapore chữa bệnh, làm đủ mọi nghề từ phụ hồ đến bán gà rán, hiến tuỷ cứu con gái nên bị liệt chân. Tất cả, nhằm mục đích kêu gọi từ thiện dưới cái danh nghĩa quỹ ung thư 82"- Chị T, một doanh nhân đã đưa ra lá thư dài chục trang giấy mà Lam đã gửi cho chị và cho biết, chị đã ủng hộ vào quỹ này 5 triệu đồng và kêu gọi bạn bè ủng hộ nữa.

Chiều 9/8, trao đổi với Tiền Phong, chị Nguyễn K.L, ở TP.HCM cho biết chị là nạn nhân của nhóm "bác sĩ Khoa". Theo chị L., vào đầu tháng 7/2020, chị đọc trên Facebook của một người bạn học cùng khoá thì phát hiện Phong Lam vào comment trên facebook của bạn mình. "Tôi vào Facebook Phong Lam xem thì thấy người này toàn viết những câu chuyện về cuộc đời mình, bố của mình bị ung thư. Sau đó, tôi có trao đổi với người này về một số bệnh tật"- chị L. kể lại. Cuối tháng 7/2020, Phong Lam nhắn cho chị L. chuẩn bị tổ chức trung thu cho các cháu mắc bệnh ung thư máu, và chị cùng nhóm "thiện nguyện 82" sẽ làm bánh bán để quyên tiền cho các em trị bệnh.

Thấy việc làm ý nghĩa nên chị L. ủng hộ 5 triệu đồng, kêu gọi các bạn bè ở TP.HCM ủng hộ người 1 triệu, người 2-3 triệu đồng. "Số tiền ủng hộ của nhóm tôi đều thông qua tài khoản có tên Nguyễn Thị Minh Thy ở Bến Tre. Đến tháng 8/2020, Thy còn gọi cho tôi để trình bày rằng nhóm đang tổ chức hoạt động nhưng thiếu 300 phần quà, tôi ủng hộ qua tài khoản của Thy 2 triệu đồng và nhiều người quen của tôi cũng ủng hộ"- chị L. kể lại.


Một bức thư dài 6 trang được Phong Lam gửi đến cho những người quen biết kể về hành trình cô điều trị ung thư và những người đang mắc căn bệnh này để sau đó kêu gọi hảo tâm

Theo chị Nguyễn K.L, đầu năm 2021, nhóm này còn kêu gọi nhiều người quyên góp vào các chương trình ung thư của "quỹ 82" nhưng sau khi tìm hiểu thấy có nhiều bất thường nên chị L. không tham gia.

Theo thông tin cùng số điện thoại của Phong Lam và Nguyễn Thị Minh Thy mà chị L. cung cấp cho phóng viên, chúng tôi liên lạc thì tất cả đã khoá máy, Facebook và Zalo đều không tồn tại.

Câu chuyện về "bác sĩ Trần Khoa" rút ống thở của mẹ để nhường sự sống cho sản phụ nguy kịch sắp sinh lan trên Facebook, cũng là một trong vô số những chiêu lừa đảo đó. Hình ảnh đại diện trên Facebook của "bác sĩ Khoa" là của một tiến sĩ chuyên về nha khoa của Singapore có tên là Toh Wei Seong làm việc tại đại học NUHS bên Singapore. Các thành viên mà "bác sĩ Khoa" sau khi đăng bài rồi tag các Facebook như Phong Lam, Thy Nguyễn… vào đều đã "biến mất".

Theo tìm hiểu của phóng viên, tất cả những Facebook trong nhóm đều có chung một đặc điểm, phần lớn là lấy hình của các giáo sư đầu ngành về y khoa của Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) hay Úc ghép vào.

Phong Lam hay Trần Khoa, không biết có ngoài đời thật hay không, hay chỉ có trong những mảnh đời được hư cấu nhằm mục đích lợi dụng lòng người của một nhóm lừa đảo. Duy chỉ có cái tên Facebook Thy Nguyễn là có thật, vì cái tên này có số tài khoản mang tên Nguyễn Thị Minh Thy, được công khai để "gom" tiền của các mạnh thường quân, người chơi mạng xã hội giàu lòng trắc ẩn.

Lâm Trần
Theo Tiền Phong

Sở TT&TT TP.HCM mời chủ Facebook Jang Kều, Huỳnh Mai An Đông, Ngân Hà Trần làm việc

Cơ quan chức năng đã mời các chủ tài khoản Facebook trên đến làm việc để làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ "Bác sĩ Trần Khoa rút ống thở của cha mẹ để cứu sản phụ".


Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền Thông (TT&TT) TP.HCM đã mời các chủ thể đăng ký sử dụng tài khoản Jang Kều, Huỳnh Mai An Đông, Ngân Hà Trần làm việc để làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ "Bác sĩ Trần Khoa rút ống thở của cha mẹ để cứu sản phụ".

Tuy nhiên, các chủ tài khoản này hiện đang ở tỉnh khác, không ở TP.HCM từ tháng 6/2021 nên không thể đến làm việc được. Các chủ tài khoản đề nghị được dời buổi làm việc sau thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở TP.HCM.

Bên cạnh đó, các chủ tài khoản này đã gửi văn bản giải trình về vụ việc trên cho Sở TT&TT TP.HCM.

Hiện các cơ quan chức năng TP.HCM vẫn đang tiếp tục phối hợp làm rõ việc tài khoản "Bác sĩ Trần Khoa" là giả mạo, nhưng vẫn tương tác, trao đổi thật trong một nhóm trên mạng xã hội có nội dung sai sự thật, có dấu hiệu vụ lợi.

Trước đó, tại cuộc họp báo sáng 10/8, ông Nguyễn Đức Thọ - Chánh Thanh tra Sở TT&TT TP.HCM nhận định nhóm "Bác sĩ Trần Khoa" được thành lập với sự tham gia của một số tài khoản giả nhưng hoàn toàn có sự tương tác thật. Nhóm này có hệ thống và "sống thực" trên mạng.

TỨ QUÝ
Theo NHỊP SỐNG VIỆT
0 Nhận xét