Bàn tay người Sài Gòn xưa nay luôn úp

Người xưa có câu "Của cho không bằng cách cho". Nhân vụ lùm xùm ầm ĩ về các nhân viên y tế cứu trợ vô Sài Gòn bữa qua, thấy bài này của bác "Nguyen Khanh" hay quá bèn bê về cho các mình đọc chơi, tút dài và rất hay.

Người Nam Bộ rất hiếu khách, hiếu khách thật sự chứ không phải kiểu mời lơi. Nhìn cái kiến trúc xây nhà là biết. Xuống dưới miền Tây sẽ thấy kiểu nhà chữ Đinh rất phổ biến. Ở nhà trên luôn được bố trí một bộ ván gõ quý, khách tới nhậu xỉn là ngủ luôn ở đây. Còn chủ nhà thì ngủ ở phòng ngủ bên trong hoặc ở gian nhà dưới. Điều này cho thấy sự hiếu khách đã trở thành bản sắc. 

Một đặc điểm tính cách khác của người miền Nam là chuộng võ hơn văn, không quan trọng bằng cấp mà trọng nhau ở khí tiết, tấm lòng. Chính vì quan niệm như vậy nên dân miền Nam ít có người đỗ đạt cao. Mãi đến năm 1826 mới có thí sinh Phan Thanh Giản đậu tiến sĩ đầu tiên của đất Nam Kỳ. Trong khi đó tiến sĩ ở miền Trung và Bắc thì đông thôi rồi luôn. 

Người miền Nam chưa bao giờ tranh khôn hơn nên đừng chửi họ ngu, cái “ngu” đó tồn tại mấy trăm năm, đưa họ vượt bao thăng trầm thời cuộc, người Nam bộ giúp đỡ người khác không cầu kì câu chữ, đó là khi bà chủ hàng cơm kêu thằng vé số ế tới “Đù má mày ngồi đó tao xúc dĩa cơm cho”, là khi ông vá xe treo bảng vá miễn phí cho người tàn tật mà suốt lúc vá còn chả thèm nhìn mặt khách để đợi câu cảm ơn… 

Nhiều ông chủ vốn là người gốc Bắc, gốc Trung vào Sài Gòn rồi tạo cơ nghiệp lớn, hay nhiều anh chị lao động nghèo vào Sài Gòn mưu sinh cũng “biến thành” người Sài Gòn lúc nào không hay… và một điều dễ thấy rằng suốt bao lâu nay, Sài Gòn luôn là địa phương liên tục có các chương trình, hoạt động hỗ trợ các địa phương khác khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ. Anh chị để ý mấy đoàn từ thiện miền Nam mắc cười lắm. Đôi khi trao quà cho người khác mà cả người tặng lẫn người nhận chỉ biết nhe răng cười hè hè. Yêu cầu phát biểu vài câu cũng chả biết nói gì, cứ đỏ mặt ấp úng rồi vỗ tay đi dìa

Anh Ba hay nói hình tượng rằng bàn tay người Sài Gòn hình như xưa nay luôn úp vì người Sài Gòn xưa nay thường cho chứ ít khi nhận của nơi khác cái gì. Từ việc hăng say lao động, tạo ra của cải vật chất đóng góp cho sự phát triển của đất nước cho tới việc cống hiến sức người, sức của cho những vùng khó khăn hơn… người Sài Gòn dường như chưa bao giờ thua kém.

Dịch bệnh lần này bùng phát ở Sài Gòn, số lượng ca lây nhiễm ngày nào cũng 3 con số và chưa hề có dấu hiệu ngừng lại. Đội ngũ các y bác sĩ, ngành chức năng và toàn thể người dân Sài Gòn vẫn đang gồng mình chống dịch bệnh. Sài Gòn như một anh tráng sĩ xưa nay vác gươm hành hiệp trượng nghĩa lại bỗng dưng ốm nặng. Nhưng tráng sĩ ấy chưa bao giờ kêu than nửa lời

Tình cảm của cả đất nước giờ đây hướng về Sài Gòn, yêu thương Sài Gòn và mong muốn bù đắp cho Sài Gòn những tổn thương do dịch bệnh gây ra nhằm chung tay với người Sài Gòn chặn chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng. Chủ trương tăng cường hỗ trợ các y, bác sĩ đến vùng dịch của Nhà nước luôn phù hợp với tinh thần đoàn kết của dân tộc. Khi dịch bệnh xảy ra, rất nhiều các y bác sĩ, tình nguyện viên lớp lớp lên đường với mục tiêu cao nhất là cùng địa phương dập tan điểm nóng. Và đoàn tình nguyện viên hơn 300 người từ Hải Dương vào thành phố Hồ Chí Minh lần này cũng vậy.

Hôm qua nay lên Facebook, Anh Ba thấy hình như có lộn xộn trong công tác phối hợp của đoàn và lực lượng chống dịch tại chỗ. Nếu thật sự như vậy thì đây là điều đáng tiếc. Nghe đâu các em trong đoàn hình như cũng đã từng có kinh nghiệm hỗ trợ Bắc Giang dập dịch thành công nhưng anh nhắc cho các em nhớ rằng biết rằng sự góp sức của các em ở Bắc Giang là rất tốt nhưng đó là thành quả của cả một tập thể từ trung ương và địa phương chứ không phải dịch thấy các em là dịch tự lui. 

Và như Anh Ba đã nói, của cho không bằng cách cho, Sài Gòn là một địa phương rất khác, văn hoá Sài Gòn còn khá xa lạ với nhiều em trong đoàn (thậm chí với nhiều em đây là lần đầu tiên được đi xa đến thế).

Sinh hoạt, làm việc, vui chơi với người Sài Gòn dễ mà khó. Muốn biết họ giận mình hay không đơn giản lắm. Người Sài Gòn giận hờn không giấu được. Ăn nhậu hay làm việc họ sẽ “né” em ra, giả dụ kẹt lắm phải ngồi chung bàn họ sẽ không bắt chuyện, không cụng ly... những lúc ấy đừng bao giờ nói dai với họ vì càng nói sẽ càng xa nhau. Muốn giảng hoà với người Sài Gòn hãy kiếm người lớn hơn mà họ nể trọng đứng ra hoà giải, nếu họ vừa ý thì em chân thành một tí họ sẽ chơi với em. Nếu không được thì thôi. Đừng cố vô ích. Không ai dễ tha thứ như Sài Gòn và cũng không ai giận dai hơn Sài Gòn.

Các em tình nguyện viên thương mến.

Các em nên nhớ trước khi các em đến Sài Gòn thì hàng nghìn các bạn sinh viên trạc tuổi các em ở Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Y dược Phạm Ngọc Thạch, khoa Y Đại học Quốc gia và nhiều trường khác đã sát cánh cùng các thầy, cô, các bác sĩ đàn anh suốt ngày đêm trong điều kiện sinh hoạt khó khăn, vất vả và họ chưa hề kêu ca gì hết. Tình cảm của người dân cả nước, tình cảm của các em tình nguyện viên là vô cùng đáng trân trọng. Nhưng hình như trong cách ứng xử và phát ngôn từ hôm qua đến giờ có nơi, có lúc các em chưa thực sự hoà đồng khiến có chút hiểu lầm dẫn tới giận nhau.

Đoàn kết là chất keo mạnh mẽ gắn kết đất nước mình vượt bao khó khăn thăng trầm của thời đại. Chiến dịch tình nguyện cũng chỉ mới bắt đầu, Anh Ba mong các thầy cô trong đoàn, các bạn trưởng đoàn  hãy nêu cao tinh thần, trách nhiệm, hướng dẫn cho các em tình nguyện viên trẻ trong cách ứng xử, phát ngôn lễ phép, chân thành, đúng mực với các anh chị tại địa phương. 

Chiến đấu, sinh hoạt với lực lượng y tế ở thành phố Hồ Chí Minh bằng chính trang thiết bị, điều kiện vật chất hiện có. Và quan trọng nhất, dù làm việc hay vui chơi với người Sài Gòn thì phải CHÂN THÀNH. Đừng có bất kỳ em nào mang tâm thế của người đi “hỗ trợ”, “cứu giúp” để tiếp xúc và làm việc, vì như thế là không tốt. Bàn tay người Sài Gòn xưa nay chưa từng biết ngửa xin ai điều gì hết. Tin lời Anh Ba đi.

Lực lượng y tế cơ hữu ở thành phố Hồ Chí Minh cũng là dân tứ xứ, người Hà Nội có, người Quảng Ngãi có, người Cà Mau có…. người mấy chục tỉnh thành đều có và tất nhiên có cả người Hải Dương mấy tuần qua đã vô cùng vất vả, những y bác sĩ là bạn bè, học viên cũ của Anh Ba làm việc không kể ngày đêm… với mục tiêu cao nhất là cứu thành phố an toàn trước dịch bệnh. 

Không ai phân biệt vùng miền, không ai phân biệt giọng nói của nhau… vì chúng ta đều là người Việt Nam, máu chảy trong huyết quản là máu Việt Nam. Vì thế không có chuyện người Sài Gòn chảnh choẹ và khước từ sự trợ giúp của đồng bào mình. 

Các em tình nguyện viên nếu có điều gì khiến anh chị phiền lòng, mong anh chị bảo ban, hướng dẫn hoặc khắt khe hơn là phản ảnh lại với cán bộ phụ trách đoàn để tìm hướng khắc phục. Quyết không cho sự tiêu cực lan rộng lúc này, lòng người chia ly thì còn nguy hiểm hơn dịch bệnh

Anh chị địa phương thương các em tình nguyện viên, tạo điều kiện cho các em, giúp các em hoà nhịp chiến đấu là giúp người dân và chính quyền thành phố. Người Sài Gòn mãi không bao giờ quên những công lao dù thầm lặng của các anh, các chị trong suốt thời gian qua.

Mọi luận điệu chia rẽ vùng miền, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc là vi phạm pháp luật, Anh Ba nhắc cho các cháu cào phím lưu ý đừng để sự việc đi quá xa.

Trong hoàn cảnh vô cùng nguy cấp này, dập dịch thành công là mệnh lệnh cao nhất, anh em có chút gì đó chưa hiểu nhau thì cùng ngồi lại giải bày, ai cũng mang tâm thế cao nhất là đưa đất nước sớm trở về những ngày bình thường mới. Giận dỗi, bực bội lúc này chỉ khiến mọi việc xấu hơn, khiến chúng ta xa nhau hơn mà thôi. 

Ngừng chia sẻ những đoạn chat bị cắt ghép, những bình luận trôi nổi trên không gian mạng có nội dung chửi bới, chê bai, thậm chí là xúc phạm nhau… đó là điều văn minh nhất các anh chị chơi Facebook có thể làm được lúc này. Giận ở đâu thì làm hoà ở đó, sai ở đâu thì ta sửa ở đó… rồi cùng nhau chung sức vì mục tiêu chung của chiến dịch. Muốn đem lại bình yên cho người khác thì trước hết trong lòng mình phải bình yên… Cảm ơn tất cả mọi người. 

Bàn tay Sài Gòn lần này hiếm hoi nếu có ngửa ra thì nhất định chỉ để nhận lấy những chân thành…😍😍

P/s: bộ sách Hạt Giống Tâm Hồn nên cho các cháu học sinh đọc, đọc càng sớm càng hữu ích, đọc càng nhiều lần càng thiết thực.



0 Nhận xét