Làm sếp có thật sự là sướng, làm nhân viên có thật sự là khổ?

Vừa rồi, tôi lại tiễn thêm một lính của mình ra đi. Nói là sự ra đi đó giống như cứa vào lòng thì hơi quá, nhưng không sao, cuộc chia ly nào chả phải đau lòng. 

Đối với tôi, những nhân viên có tư chất, tài năng,
chịu thương chịu khó, phấn đấu và nỗ lực hơn cả trách nhiệm của mình, 
tôi sẽ chăm bón cho họ nảy mầm và phát triển

Nhưng có cuộc chia ly khiến bạn hối tiếc, có những cuộc chia ly bạn ước rằng tại sao lại không thể từ bỏ đi từ sớm. Chỉ là cảm thấy hơi mất lòng một chút khi phải tự tay mình đào thải một người đã từng gắn bó với tổ chức thể thôi. Còn người ra đi, tôi không biết rằng họ nghĩ gì về tổ chức, còn nghĩ cá nhân một chút thì là vì tôi, người đành tâm cắt bỏ đi con đường thu nhập hiện tại của họ?

Trên đời này, có thể sẽ phải có sếp này sếp nọ, nhưng không phải ai trong vị trí của sếp cũng sẽ là những người bảo thủ, nắm trong tay quyền lực và chỉ biết hét vào mặt của nhân viên của mình. Nếu sếp không thể quản lý và kiểm soát được nhân viên của mình thì không thể điều hành được một tổ chức như vậy. Nếu sếp sa thải nhân viên cũng chỉ vì ghét, vì không thích, vì bất đồng với nhân viên thì anh ta cũng nên tự sa thải mình và dẹp luôn tổ chức mình đang lãnh đạo đi. Trên thương trường, điều hành theo cảm xúc mà không khéo léo luôn luôn khiến bạn trở thành kẻ thua cuộc. Tôi muốn bạn tin rằng, khi một người đứng đầu tổ chức sa thải bạn, thứ bạn nên dằn vặt không phải là tại sao sếp lại đối xử với bạn chẳng bằng ai, mà bạn nên nhìn nhận vào bản thân mình. Có một sự thật, tôi muốn khẳng định luôn rằng, bất cứ doanh nghiệp nào tồn tại thì mục đích của nó cũng là lợi nhuận. Và mọi gốc rễ đẻ ra sự đánh mất lợi nhuận đều sẽ được giải quyết triệt để. Tôi không thể cố gắng gìn giữ một cái gốc rễ không đủ khả năng tạo ra lợi nhuận cho mình. Dù thật sự làm công việc sa thải người khác chưa bao giờ là chuyện dễ dàng.

Đối với tôi, vốn quý giá nhất của doanh nghiệp mình chính là con người mà phải là con người phù hợp với doanh nghiệp của tôi. Người ở đây phải là người có năng lực, có đầu óc, có sự cố gắng và nhìn vào những thất bại của bản thân để phát triển hơn chứ không phải là trì hoãn và đùn đẩy. Nếu doanh nghiệp của tôi, tồn tại những người kém cộng với thái độ vô phép, thì đó hoàn toàn là lỗi của tôi đã không biết tuyển dụng đúng người. Chỉ ước rằng người ta mau chóng nộp đơn xin thôi việc ngay thôi. Vì phải đào tạo lại là cả một quá trình. Nhưng một khi hành động thì phải dám đối mặt và chịu trách nhiệm vì những hành động đó, giải quyết những hậu quả mà nó mang lại.

Thế nhưng đâu phải nhân viên nào cũng nhận ra được điều đó. Quan trọng không phải là tôi không có một óc quản trị nhân tài của mình mà quan trọng là nhân viên họ không ý thức được rằng làm việc đạt hiệu suất cao là như thế nào thay vì cứ làm hết những việc được giao và không chủ động. Họ xem rằng, để làm việc hơn nữa thì không phải là trách nhiệm mà họ cần phải thực hiện. Việc họ chỉ nhận được mức lương như vậy là xứng đáng với những gì mà họ đang làm. Nhưng đối với con mắt của một người lãnh đạo, tôi luôn đánh giá cao những người làm việc chủ động và những người đó luôn không bao giờ có thời gian trống. Họ làm việc A, việc B, việc C, thậm chí nếu họ không đủ thời gian để làm thì họ sẽ giao việc cho người khác. Còn người kém năng lực thì sao? Họ vẫn phải đợi tôi nhắc việc, họ vẫn phải đợi tôi hỏi xem việc A thế nào và việc B thế nào…Có ai nhắc mới nhớ rồi lôi ra làm, không thì thôi, trì hoãn tồn đọng ngày qua ngày, nên không có ngày nào là đạt hiệu quả cả. Cứ thế, không những tôi là người quản lý phải mất thời gian để tổng hợp mà ngay cả nhân viên cũng cảm thấy rằng mình làm việc không hiệu quả, công việc luôn luôn bị áp lực và năng lực luôn luôn bị hạn chế. Dẫn đến những người thiếu năng lực họ luôn cảm thấy mình bị áp lực đè nặng và luôn luôn muốn đổi công việc hay than trách tổ chức chèn ép nhân vên để xem như là một hướng giải thoát. Nhưng họ thật sự thiếu tài, họ mới đổ lỗi cho hoàn cảnh thế thôi.

Một trong những vấn đề khác, đó là có rất nhiều nhân viên họ lại cảm thấy rằng mình không được tôn trọng và đánh giá cao như những nhân viên khác. Sự thật tôi muốn họ nhìn nhận, đánh giá bản thân và nổ lực cố gắng cho sự phát triển đó. Không phải ai cũng có thể đảm nhận cùng một công việc nếu như họ sỡ hữu những cái đầu tư duy khác nhau cả. Đối với tôi, những nhân viên có tư chất, tài năng, chịu thương chịu khó, phấn đấu và nỗ lực hơn cả trách nhiệm của mình, tôi sẽ chăm bón cho họ nảy mầm và phát triển. Đối vối những nhân viên chỉ ngoan, hiền thì chỉ giao việc bình thường, khả năng người ta không thể vượt mức kì vọng. Muốn họ đạt kết quả tốt chỉ có thể để họ làm những việc trong tầm, sau đó nâng mức độ thời gian thực hiện và cuối cùng là nâng mức độ của tính chất công việc, để họ phát triển từ từ và nhận ra hiệu quả công việc sau những nổ lực của mình. Thế nhưng, có rất nhiều nhân viên lại không nhận định được điều đó, đôi khi họ bỏ cuộc cho quá trình đó ngay từ khi nó vừa mới bắt đầu. Họ xem nhà lãnh đạo như tôi là không có tầm nhìn, họ giận dỗi và cảm thấy rằng mình bi xem thường và rồi họ tự tạo ra ác cảm với tôi. Nói gì làm nấy, không nói cũng chẳng làm, làm xong trách nhiệm rồi thì thôi, cũng chẳng có ý thức rằng phát triển hay đề nghị ý kiến để cho sự đi lên của doanh nghiệp. Họ thụ động lại càng thụ động. Mà khoảng cách đó, thật ra chưa bao giờ tôi muốn nó xa đến vậy. Cái thực tế là họ mặc định tôi như thế thì cho dù tôi có như thế nào thì cũng sẽ là người luôn bất công và dùng quyền của mình để múa võ.

Tôi chỉ muốn mỗi nhân viên cần phải tự đánh giá và tự xét mình. Khả năng không có nhiều thì không nên tạo ra cho mình quá nhiều suy nghĩ sai chiều, cứ làm tốt trách nhiệm mà mình được giao để tránh gây ra cảm giác stress công việc ảnh hưởng rất nhiều đến những người xung quanh và ngay cả bạn thân mình. Nói như vậy, không có nghĩa là cứ ôm khư khư hoài một trách nhiệm như vậy. Làm việc mà không có sự cố gắng thì hỏi làm sao tôi có thể giữ lại được. Làm lãnh đạo, tôi chưa bao giờ thấy sướng trong trường hợp này, nếu có ai đó cảm thấy ở vị trí cao là sướng thì có lẽ họ đã quá quen với cảm giác thất vọng và hụt hẫng, quen đến mức mất cảm giác.

Điều tôi cảm thấy sướng nhất đối với vai trò lãnh đạo của mình đó chính là việc nhân viên yêu cầu tôi giao công việc cho họ làm. Nói giống như là tôi đang được được bớt đi một phần công việc của mình vậy. Nhưng thật sự ra, hành động đó của nhân viên chứng tỏ rằng họ đang rất hào hứng với công việc hiện tại và họ muốn thể hiện, cống hiến điều gì đó cho tổ chức mà tôi là người lãnh đạo tổ chức đó. Không có cái sướng nào bằng cái sướng này. Có những cái sướng của người lãnh đạo ai cũng ghen tị đó là việc ăn trên ngồi trước, được tôn trọng, được kính nể, được lương cao, mặt tiền, có mối quan hệ sâu rộng, lại được ăn ngon mặc sướng, điều hành, sai khiến bất cứ những người nào mà họ muốn, thích thưởng ai thì thưởng, phạt ai thì phạt. Tuy nhiên, điều đó lại vô cùng công bằng, tôi không bao giờ phủ nhận độ sướng đó của mình.

Tuy nhiên, làm việc gì cũng phải có căn cứ chứ không phải là lạm dụng quyền để chỉ việc. Đôi khi tôi cũng muốn vứt đi cái vai trò nặng nề này xuống làm vị trí của nhân viên như các anh, các chị nhưng sự thật là một khi đã gánh trên vai trách nhiệm, nó rất khó để buông bỏ. Ở một thế vô cùng chủ động, nắm quyền và muốn làm bất cứ điều gì mình muốn, nhưng tôi cũng muốn nhân viên của mình hiểu rằng, cuộc đời này công bằng hơn những gì mà họ nghĩ. Người lãnh đạo phải thật sự là người lãnh đạo. Người lãnh đạo có trách nhiệm dẫn dắt cả một tổ chức, tìm kiếm món mồi, món hàng ngon và dẫn dắt “bầy đàn” của mình đến cùng san sẻ. Khi có kẻ thù, người lãnh đạo sẽ hướng dẫn cả bầy đàn cùng n hau tìm cách chống trả, phòng vệ hay bí quá sẽ chạy trốn mà vẫn đảm bảo những yêu cầu vật chất cần được đảm bảo. Người lãnh đạo có nhiệm vụ, có trách nhiệm rất lớn, rất khổ, nhưng lại cũng có quyền lợi rất lớn. Công việc nào cũng có cái giá xứng đáng để chi trả cho nó cả. Người lãnh đạo phải khác nhân viên là vậy. trách nhiệm càng lớn thì quyền lợi càng lớn. Không ai có thể hiểu hết được cảm giác của người khác nếu như họ không thể tự mình đặt vào vị trí của họ. Thế thôi.

Cứ sau mỗi đợt phải tiễn ai đó ra khỏi công ty, tôi lại phải một lần nữa nhìn nhận lại mình, xem rằng họ có thật sự phải rời khỏi công ty hay không. Nhưng ngay từ ban đầu, hăm hở, hứa hẹn giây phút đặt bút kí hợp đồng dài hạn với công ty rồi, thì phải đặt trách nhiệm của mình vào trong đó, đừng để cái nhiệt huyết của ngày phỏng vấn nó bị lụi tàn dần theo thời gian. Còn nếu đã khổng đủ lửa để cháy cùng công ty thì tôi cũng không thiết tha muốn giữ lại để thêm những đống tro tàn. Nhân viên cũng vậy, áp lực đôi khi là do lãnh đạo chúng tôi tạo ra, nhưng đôi khi cũng nên nhìn nhận lại cá nhân của mình, vì sao áp lực đó lại đè nặng xuống đầu của mình như vậy, vì sao có kẻ lại leo lên đến vị trí cao như thế còn mình thì vẫn ở mãi cái ghế này, là vì bị sếp ghét bỏ hay sao? Làm tốt thì hãy hét vào mặt chúng tôi đòi quyền hợp pháp, tăng lương tăng thưởng. Làm xấu thì tự kiểm điểm. Không có một công ty nào, lãnh đạo nào lại dễ dàng từ bỏ một nhân tài chỉ vì họ đòi quyền lợi xứng đáng với khả năng mà họ cống hiến cả. Như vậy là sếp ngu, lãnh đạo ngu, tổ chức ngu!

Chia sẻ từ độc giả Yến Trinh
0 Nhận xét