Quang & Metro

Hôm nay đã có nhân vật mới chiếm sóng rồi, nhưng vẫn có rất nhiều người hỏi mình về Lê Nguyễn Minh Quang, về Metro. Vậy nên viết thêm vài dòng.


Lê Nguyễn Minh Quang đã là “nhân vật vàng" của báo Tuổi Trẻ từ 30 năm nay rồi, các bài về anh từ 15 năm nay cũng có trên TTO, nên nếu muốn hiểu rõ, mời mọi người đọc báo nhé (tranh thủ quảng cáo báo nhà). Hôm nay mình muốn kể một câu chuyện nhỏ, một chi tiết nhỏ mà mình thấy ấn tượng, nghĩ rằng có thể nói lên điều gì đó về Quang.

Là những phòng họp nơi anh làm việc.

Hồi Quang làm ở Bachy Soletanche, trụ sở trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Một lần mình hẹn gặp. Đến nơi, cô thư ký gọi điện thông báo, và mình nghe cô nói qua điện thoại nội bộ: “Dạ, mời chị ấy qua Trần Hưng Đạo ha anh". Mình cảm thấy bực mình. “Gì mà Trần Hưng Đạo chứ, mình đã hẹn ở đây mà”. Cô ấy đặt máy xuống và quay sang: “Anh Quang mời chị vào phòng họp Trần Hưng Đạo".

Khi đó mình mới biết, những phòng họp trong công ty được anh đặt tên: Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lý Thường Kiệt. Ấy là một công ty của Pháp.

Quang sang Ban quản lý dự án đường sắt đô thị. Cuộc họp báo cáo đầu tiên anh mời mình. Vào cổng, các nhân viên đứng đón: “Mời vào phòng họp Bạch Đằng". Nhiều người đi cùng tỏ vẻ ngạc nhiên, nhưng mình thì đã biết rồi. Quang đã kịp đặt dấu nhanh vậy đó. Các phòng họp mang tên Bạch Đằng, Chi Lăng…

Vậy thì điều đó nói lên điều gì ở Quang? Mình nghĩ là cũng nhiều đấy, nhất là khi anh bị tố cáo là làm khó các nhà thầu mang quốc tịch Trung Quốc…

Câu chuyện tường vây dày 2m được chỉnh sửa thành 1,5m do Bachy thi công hôm nay, nhiều người đặt dấu hỏi, đặt cáo buộc. Thanh tra, kiểm toán đều đã xác minh, kết luận đầy đủ, người trong cuộc cũng đã lên tiếng giải thích, không cần nhắc lại. Chỉ nhớ một lần mình đã chất vấn Quang:

Hỏi: Bachy tham gia đấu thầu, chọn thầu như thế nào khi nguyên tắc của anh là không bao giờ “đi đêm", không bao giờ tiếp tay cho những tiêu cực?

Đáp: Nguyên tắc xuyên suốt của Bachy là phải có giải pháp kỹ thuật sáng tạo, vượt trội, nâng cao chất lượng, tiết kiệm nguyên vật liệu và thời gian thi công, giảm giá thành. Chúng tôi thuyết phục nhà đầu tư bằng năng lực của mình.

Câu chuyện tường vây này cũng là như thế. Cái sai của Quang là tiết kiệm không đúng chỗ, phải không?

Thế còn những sai phạm khổng lồ ở Metro là chỗ nào? Xin các bạn phóng viên điều tra hãy xuyên qua lớp hoả mù tường vây mà tập trung vào những điểm mấu chốt:

Điều chỉnh qui mô đầu tư nhà ga Bến Thành từ 2 tầng lên 4 tầng, điều chỉnh kết cấu hầm với kết cấu vòm sang kết cấu hộp kết hợp tường vây...

Quyết định điều chỉnh kiểu dáng dầm từ dầm Super T sang dầm chữ U của đoạn tuyến đi trên cao làm tăng giá trị công trình bất hợp lý lên 1.420 tỉ đồng…

Giá trị tổng mức đầu tư được lập có khoảng 60% giá trị chưa đảm bảo cơ sở để xác định giá trị tính toán… Một số giá thiết bị nhập khẩu tính toán trong dự toán cao hơn nhiều so với giá dự thầu của ba nhà thầu. Cụ thể: giá toa tầu cao gấp 1,5 lần, các trạm điện cao hơn trung bình 3,5 lần, hệ thống thu phí cao hơn 2,8 lần... Chi phí thiết kế và chế tạo máy khoan TBM, tính toán khấu hao toàn bộ giá thiết bị đào hầm TBM...
(trích Báo cáo Kiểm toán và xin lỗi không liệt kê nổi…)

Bổ sung thêm là khi đọc báo cáo, nhất thiết phải chú trọng các thời điểm ký kết, mốc thời gian để biết ai sai ai đúng. Quang chính thức nhận việc ở MAUR từ 27-6-2016.

Thế còn vì sao bỗng dưng mình muốn lên tiếng thay Quang? Vì anh quá đơn độc, và vì anh xứng đáng. Quang đã là nhân vật của mình mười mấy năm nay rồi. Không đứng bên cạnh anh ấy lúc này thì còn lúc nào nữa trong đời, anh nhỉ.

Sẽ còn tiếp tục.

Theo facebook Huong Quynh


Tường Vây (Diaphragm Wall ) - Metro

Trước khi về công tác tại Ban quản lý đường sắt đô thị Ban QLĐSĐT)(, tôi có dịp nghiên cứu hồ sơ thiết kế tường vây của đoạn đường Lê Lợi và nhận thấy có những bất hợp lý , dựa trên kiến thức và kinh nghiệm của 20 năm công tác trong lĩnh vực nền móng và công trình ngầm. Đó là tường vây của toàn bộ tuyến Metro số 1 có chiều dày tối là 1,5 m, ngay cả tại khu vực gần Nhà hát thành phố, khách sạn Rex và sát với các tòa nhà thương mại xung quanh. Thế nhưng tại gói thầu CP1a bỗng dưng xuất hiện một đoạn 170m từ đường Pasteur đến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, tường vây lại được thiết kế dày đến 2,0m. Điều này dẫn đến lãng phí ước tính khoảng 1 triệu USD (theo cách tính của đơn vị thi công trực tiếp). Tôi đã chủ động xin gặp lãnh đạo thành phố và nêu vấn đề này.

Khi tôi về làm việc tại Ban QLĐSĐT, cùng với anh em kỹ sư tâm huyết, chúng tôi đã kiên trì yêu cầu tư vấn Nhật Nippon Koei tính toán lại và sau 4 tháng làm việc quyết liệt, Tư vấn đã đề xuất lại tường vây dày 1,5 m như tường vây của toàn bộ tuyến métro. Ban QLĐSĐT cũng đã đề nghị Tư vấn thẩm tra Sao Việt do một nhóm các Phó giáo sư, Tiến sĩ Trường Đại học Xây Dựng thẩm tra và kết quả đạt yêu cầu. Sau đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã giao cho Sở Giao thông vận tải mời Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông Vận tải TEDI thuộc Bộ Giao thông Vận tải thẩm tra độc lập, kết quả cũng đạt yêu cầu. Như vậy, kết quả tính toán độc lập của 3 Công ty tư vấn Nhật và Việt nam đều cho kết quả ổn định.

Điều đáng nói là việc điều chỉnh thiết kế tường vây đã đem lại một khoản tiết kiệm tương đương 93 tỷ (4 triệu USD đô) và rút ngắn thời gian thi công so với Tường vây 2 mét được 5 tháng. Điều này đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm soát, đối chứng rất chặt chẽ và được khẳng định trong Báo cáo Kiểm toán số 725/KTNN-TH ký ngày 20/12/2018.

Theo facebook Le Nguyen Minh-Quang

0 Nhận xét