Nhà hát 1.500 tỷ

Tôi chưa có thời gian và điều kiện để tìm hiểu về dự án, không biết đủ nên không có ý kiến (ý kiến theo nghĩa là cần cho TP HCM hay không chứ không nói cá nhân mình cần hay không).


Nhưng có một điều tôi biết: trừ một số nhỏ, phần lớn người dân phản đối dù họ chưa có đầy đủ thông tin, chưa biết nhiều về việc này.

Nếu chưa biết đủ thông tin và chưa hiểu mà phản đối thì có phải họ đã sai? Không hẳn như vậy!

Vì sao nhiều người chưa biết đủ mà phản đối?

Vì họ phản đối không phải hẳn vì “cái nhà hát 1.500 tỷ”, mà vì chưa có đủ NIỀM TIN để ủng hộ. NIỀM TIN mới là gốc của việc phản đối. Niềm tin có được hay mất đi là do những việc làm từ xưa đến nay của các cơ quan. Đặc biệt, trong chuyện Nhà hát 1.500 tỷ này còn có vấn đề của Thủ Thiêm.

Truyền thông là một giải pháp rất cần cho những dự án và chủ trương như thế này. Song điều kiện cho một chương trình truyền thông hiệu quả lại là sự minh bạch. Vậy không truyền thông vì chưa nhận thức được sự quan trọng của truyền thông hay vì chúng ta không đủ khả năng minh bạch?

Không hẳn người dân đã cần một bản kế hoạch, không hẳn họ nghĩ là khi còn thiếu trường học, bệnh viện thì không nên có nhà hát to, không hẳn họ không biết 1.500 tỷ chỉ là một tỷ lệ rất nhỏ… Nếu chúng ta chưa “kiếm” đủ niềm tin thì ngay cả khi họ biết tất cả điều này… họ vẫn sẽ phản đối thôi.

Chuyện kinh doanh cũng xảy ra tương tự. Có công ty tiêu rất nhiều tiền cho marketing, quảng bá sản phẩm, kêu gào rằng sản phẩm của tôi tuyệt vời… nhưng chẳng có mấy người mua.

Vì sao vậy? có phải họ chưa hiểu về sản phẩm của anh? Không phải, đôi khi khách hàng mua hàng vì người đứng sau nó, vì người làm nên sản phẩm đó là ai.

Chừng nào chúng ta còn phớt lờ nhận thức, kỳ vọng và cảm xúc của khách hàng, của người dân trong các quyết định của mình, chừng đó chúng ta còn bị phản đối nhiều - “Khi niềm tin đi xuống thì chi phí sẽ tăng cao”.

Những phân tích mang tính logic và lý trí trong khá nhiều trường hợp lại trở nên thừa thãi.

Chia sẻ từ facebook Nguyễn Dương
0 Nhận xét