Định giá công ty startup làm sao để thuyết phục bản thân và chinh phục các Shark

Chương trình Shark Tank tập 4 mùa 2 có một vấn đề chung mà các Shark rất quan tâm và cần startup trả lời cụ thể, đó là cách định giá startup. Đối với các Shark - là những nhà đầu tư chuyên nghiệp - họ quan tâm nhiều đến “tính hiệu quả đúng pháp luật”, “lan tỏa cộng đồng” chỉ là yếu tố đến sau, do đó việc định giá “ảo tưởng” thiếu căn cứ và cơ sở logic sẽ khiến việc kêu gọi vốn trên Shark Tank trở nên vô nghĩa (tôi không bàn đến việc tham dự Shark Tank chỉ với mục đích PR nhé). 


Vậy có những cách định giá nào cho startup “đơn giản và dễ áp dụng”, bài viết này tôi chia sẻ một số phương pháp mà bất kỳ founder nào cũng có thể áp dụng được.

Nếu bạn có nhiều tiền thì hãy tìm đến những công ty chuyên về định giá doanh nghiệp/startup, họ làm việc bài bản, có số liệu thống kê khá tốt nên con số định giá khá chính xác với thị trường, dĩ nhiên chi phí để làm việc này là không hề rẻ với một startup (theo hiểu biết của tôi). Do đó, chính bản thân người sáng lập cần có một số kiến thức cơ bản để định giá cho startup của mình như các cách “rẻ tiền nhưng chất” như bên dưới.

Đầu tiên, là phương pháp tính toán dựa trên tài sản được ghi nhận trên sổ sách, như bất động sản, nhà máy, hàng tồn kho, cơ sở vật chất, chi phí bằng sáng tạo/sáng chế/bản quyền… Bạn tính tổng lại và trừ đi công nợ phải trả, được bao nhiêu thì đó là giá của startup. Trên thực tế, ít có chủ người làm kinh doanh nào thích cách định giá này vì “giá thường rất bèo” do nó không thể hiện những giá trị tương lai, giá trị thương hiệu và chưa kể nhiều khoản đầu tư không được ghi chép vào sổ sách (ở VN chi phí này là không hề nhỏ), nhưng bạn cần có bảng tính này để lấy làm gốc để đối chiếu so với các phương pháp khác.

Cách thứ hai được ưa chuộng hơn, đó là cách tính dựa trên tình hình hoạt động tài chính của quá khứ để suy đoán tương lai hoặc dựa trên kế toán quản trị cho tương lai để hiện giá về hiện tại.

+ Đơn giản hơn cả là lấy doanh thu hoặc lợi nhuận của năm trước nhân với một hằng số nào đó theo đặc thù ngành nghề (ví dụ trong ngành ẩm thực thì thường lấy doanh thu nhân với 2, lĩnh vực phần mềm thì lấy lợi nhuận nhân với 19). Ví dụ, doanh thu của một quán cafe năm rồi là 1,2 tỉ thì sẽ định giá quán cafe là 2 * 1,2 tỉ = 2,4 tỉ đồng. Đó chỉ là công thức tham khảo chung chung nên bạn cần phải cân nhắc nhiều yếu tố khác như lĩnh vực kinh doanh, môi trường kinh doanh, xu hướng phát triển thị trường cho trường hợp cụ thể startup của bạn. Và quan trọng nhất startup phải thành thật với dữ liệu, có làm ăn hiệu quả hay không, có lợi nhuận hay không, có tương lai hay không... vì dù doanh thu có cao ngất ngưỡng nhưng đang thua lỗ nặng, càng làm càng lỗ thì công thức trên chẳng có chút ý nghĩa nào cả.

+ Việc dự báo tương lai trong kế toán quản trị đã là “mơ hồ” và càng “mơ hồ hơn” với một startup vì sự bất định, thêm nữa việc dự báo này thường là phản ánh “ước mơ” của startup nên tính chủ quan cao và lắm khi “ở trên mây” nữa. Ví dụ lập bảng kế toán quản trị cho 5 năm với doanh thu, chi phí, lợi nhuận, sau đó sẽ cho phương pháp hiện giá về thời điểm hiện tại để biết giá của startup. Theo tôi, đây cũng chỉ là một cách để tham khảo và để vẽ ra “chân trời mới” với các Shark, còn để thuyết phục cần nhiều dữ liệu dự báo chuẩn.

Cách thứ ba cũng được startup quan tâm bởi tính đơn giản, đó là định giá theo giá thị trường, tức là dựa trên giá trị các thương vụ mua bán tương tự đã xảy ra trước đây. Ví dụ, dựa trên dữ liệu của Shark Tank mùa một với startup tương tự, đã định giá tốt, đã thành công trong việc thu hút nhà đầu tư thì startup mùa 2 sẽ dùng đó làm giá trị tham khảo và so sánh.

Sẽ không có một cách tính nào là hoàn hảo mà tùy vào trường hợp, tùy vào dữ liệu thu thập được mà founder của startup sẽ linh động tính toán. Nếu được thì cùng một lúc áp dụng nhiều cách tính khác nhau để so sánh và đối chiếu. Việc định giá là rất phức tạp và càng trở nên phức tạp hơn với một startup "đầy mơ hồ", thiếu dữ kiện. Và nếu chi phí trả cho nhà tư vấn chuyên định giá doanh nghiệp là không quá cao thì tại sao lại không nhỉ, hãy nhờ/thuê họ giúp đỡ bạn, bởi bạn biết đó, có càng nhiều thông tin càng tốt, ít sai sót hơn & quan trọng là dễ thuyết phục nhà đầu tư hay các Shark hơn đấy.

Startup nào có dữ liệu rõ ràng hơn, trả lời chân thật và đầy lòng nhiệt thành sẽ nhận được sự quan tâm và đầu tư từ các Shark. Chúc mừng anh Nguyễn Văn Khỏe, nhà sáng lập 53 tuổi của Công ty CP Công nghệ Nhiệt Mặt Trời đã là người “được chọn mặt gửi vàng” ở tập 4 này, hãy quan sát và học hỏi anh ấy nhé.

* Bài viết trên đây là chia sẻ mang tính chất cá nhân, rất mong nhận được nhiều đóng góp chân thành để chương trình Shark Tank ngày càng trở nên hấp dẫn hơn, hữu ích hơn.

#SocialShark

Cao Trung Hiếu | Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình
Sáng lập & điều hành Dân Trí Soft
0 Nhận xét