Trận cầu khốc liệt, sống còn, hơn trận U23 Việt Nam - U23 Qatar vạn lần!

Tôi viết bài này vào 3 giờ sáng ngày 23/1. Còn đúng 12 giờ nữa mọi việc ngưng đọng vì trận U23 – Qatar. Chắc chắn vậy. Mọi tấm lòng người Việt hướng về tâm điểm này, với niềm tự hào “đặt cả châu Á dưới gót chân”.

Xin đừng quên, chúng ta còn những trận cầu
khốc liệt, sống còn, hơn trận U23 – Qatar vạn lần.

Tôi không muốn phá bĩnh cơn hưng phấn ngất trời của mọi người, chỉ là kể chuyện chiều qua, 22/1/2018, Đài Truyền hình Đồng Nai mời toạ đàm chương trình “Đồng hành cùng doanh nhân” với đề tài “Khi hàng nội – hàng ngoại đồng giá” với những doanh nhân đang đứng vững trên thị trường: Bibica, Thiên Long, Nam Long. Bức tranh thị trường luôn có những mảng sáng và mảng tối. Tôi có nói một điều, đầu năm 2018, hãy tập trung, khẩn trương giúp doanh nghiệp và nông dân mở rộng thị trường. Xã hội đang mê man với U23! Cũng được. Xong rồi hãy quay lại quan tâm đến chuyện này. Nhà nước hãy thấy đây là chuyện sống còn, không phải việc hành chánh hay tầm thường…

Những số liệu không khó hiểu…

Tôi cho máy chạy lại nhiều lần các số liệu của kết quả cuộc điều tra người tiêu dùng bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao năm nay. Trong bài này, chỉ đề cập một con số: tỷ lệ lựa chọn tiêu dùng hàng Việt ở một số ngành quan trọng đang giảm sút đáng kể. Hỏi một vài người, còn nói ý kiến không tiêu biểu, chứ hỏi hơn 17.000 hộ gia đình, khó có ai chi phối con số từ máy chạy ra. Về thực phẩm chế biến, năm ngoái, tỷ lệ người tiêu dùng an tâm chọn mua HÀNG VIỆT là 90%, năm nay chỉ còn gần 70%. Thay vào xuất xứ Việt Nam là ba “anh” châu Á: Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tôi ngồi thừ người trước con số sa sút này…

Truy tiếp các số liệu khác liên quan, thấy con số này hiểu được. Thái Lan, họ đã làm rất nhiều, đúng bài bản, lộ trình để chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Nhà nước chủ trì chương trình đi chinh phục thị trường bốn nước yếu trong ASEAN: Campuchia, Lào, Việt Nam và Myanmar (công bố trên The Nation tháng 6/2016) bằng cả hệ sinh thái gồm bốn bên nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp đầu đàn, và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ mua hệ thống phân phối lớn của Việt Nam. Họ tổ chức hội chợ hàng Thái liên miên khắp nơi, dù đã có nhiều hội chợ bán hàng lôm côm giả Thái, nhưng tạo ấn tượng rõ nét về “hàng Thái” trong người tiêu dùng. Họ mua lại những thương hiệu đình đám nhất. Còn người Nhật lại chuyên nghiệp, vững chắc trong từng bước mở rộng thị trường. Người Hàn uy lực không kém, bỏ tiền mua và nâng cấp nhiều công ty Việt, liên tục mở hệ thống phân phối. Những “anh” châu Á đã điền vào chỗ trống gần 20%tỷ lệ giảm sút, yếu đi của hàng Việt.

Sáng 18/1, Thương Vụ Việt Nam tại Thái Lan cảnh báo doanh nghiệp Việt Nam về nạn lừa đảo bởi những doanh nghiệp Thái, rằng: lợi dụng tâm lý chủ quan, ham rẻ và thiếu nghiệp vụ ngoại thương của một số doanh nghiệp Việt, đã xảy ra nhiều vụ doanh nghiệp Việt lừa tiền đặt cọc của các nhà nhập khẩu Việt Nam và không chịu giao hàng (nhiều nhất là mặt hàng giấy). Sự việc là do doanh nghiệp Việt tìm kiếm nhà sản xuất, xuất khẩu Thái trên mạng rồi giao dịch khi chưa xác minh đầy đủ. Thêm một ví dụ về sự “săn tìm” hàng Thái?

Doanh nghiệp cần nhà nước khai mở thị trường

“Làm thị trường” là chuyện của doanh nghiệp, nhưng họ cần nhà nước chủ trương, thúc đẩy. Những nhà lãnh đạo của các nước tư bản phát triển khi tiến hành các chuyến công du thường có kèm các đoàn đi mở thị trường, và họ chuẩn bị công phu: Anh, Đức, Hoa Kỳ, Singapore… Doanh nghiệp thực sự cần họ. Hôm nay, Thủ tướng Việt Nam bắt đầu lên đường đi dự lễ Quốc khánh Ấn Độ. Và câu chuyện mở thị trường Ấn Độ đang là một hướng đi đầy triển vọng, phải đặt thành mối quan tâm lớn, chủ trương lớn. Bởi Ấn Độ, với gần 1,3 tỉ dân, nay đang là trung tâm của liên minh Indo-Pacific  (mà Trump nhấn mạnh tại APEC Đà Nẵng mới rồi). Các nền tảng cho việc hợp tác được đặt từ lâu: đã mười năm quan hệ đối tác chiến lược, và sau chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Narendra Modi (tháng 9/2016), đã thành đối tác chiến lược toàn diện.

Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN – Ấn Độ (ATIGA) có hiệu lực từ năm 2010. Ấn Độ coi Việt Nam là trụ cột quan trọng của chính sách “Hành động phía Đông”. Những khác biệt về văn hoá, tôn giáo, lề lối làm việc; sự thiếu thông tin về nhau; cơ cấu kinh tế tương đồng, cũng như lực hút quá lớn của đối tác Trung Quốc rõ ràng, đã khiến nền kinh tế Việt Nam còn cách xa Ấn Độ. Năm 2016, ta nhập từ Trung Quốc 49,52 tỷ USD (xuất khẩu sang Trung Quốc 22 tỷ USD). Để giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, chúng ta cần tập trung phát triển mạnh mẽ thị trường Việt Nam - Ấn Độ. Hướng đi này cần được xác định rõ và chuẩn bị hỗ trợ doanh nghiệp nhiều về chính sách.

Sáng chủ nhật 21/1, tôi gặp doanh nhân Đặng Đức Thành, chủ tịch quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bến Tre, tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư Thảo Dược Xanh. Anh vừa có chuyến đi dài 17 ngày dự hội chợ dược liệu ở Ấn Độ. Anh kể: “Thật bất ngờ nhiều sản phẩm dược của Trung Quốc làm từ nguyên liệu là thảo dược Việt Nam”. Bạn đưa anh đi thăm chợ trời dược liệu lớn nhất Ấn Độ, tận tay chỉ cho anh những món thảo dược Việt Nam bày bán thô và tỏ ý tiếc, vậy mà Việt Nam không tổ chức lại việc buôn bán chính thức và chế biến các loại thảo dược, sẽ đạt giá trị cao hơn và loại được trung gian hưởng lợi quá nhiều.

Cũng tình cờ khi gặp gỡ TS Delphine Marie Vivien (chuyên gia về chỉ dẫn địa lý của Pháp), vừa giúp Việt Nam đạt được bảo trợ của Chính phủ Pháp cho hai chỉ dẫn địa lý điều Bình Phước và tiêu Quảng Trị, chị kể câu chuyện thật ấn tượng: Chính phủ Ấn đã kiên trì đấu tranh 19 năm mới giành lại được thương hiệu gạo Basmati từ tay một công ty Hoa Kỳ, lại cũng là một điển cứu quý đáng học hỏi khi nghĩ đến nước mắm truyền thống Phú Quốc, cùng các thương hiệu bị chiếm đoạt khác.

Ấn Độ trở thành một trường hợp quá điển hình và chín muồi để bắt tay ngay, thúc đẩy nhanh việc phát triển thị trường, vì nền tảng có sẵn, bạn rất sẵn sàng và ta quá cần. Chỉ cần cơ quan nhà nước và doanh nghiệp chú tâm, nhìn thẳng, nhìn nhận đúng tình hình thị trường, rằng đã và đang có không ít mất mát thua thiệt thị phần về tay người ngoài; và đây thực sự là cuộc chiến quyết liệt, sống còn của cả nền kinh tế, của cả đất nước, tính về lâu dài. Chứ không phải chỉ là vài trận cầu bóng đá…

Kim Hạnh
Theo TGTT
0 Nhận xét