Thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin

Xu hướng Công nghệ năm 2018, các yếu tố nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) và các ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh là những vấn đề được đặt ra tại hội thảo “Xu hướng và an toàn công nghệ thông tin 2018” diễn ra mới đây tại Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hội thảo quan trọng trong năm 2017 dành cho doanh nghiệp với các chủ đề về Pháp luật - Kinh tế - Tài chính - Công nghệ.


Hội thảo nhằm cung cấp thêm và sâu hơn những hiểu biết về xu hướng phát triển CNTT trong thời gian tới và an toàn CNTT cho cộng đồng và doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia cho rằng, để đạt tới những mô hình nhà máy mới thông minh hơn, hiệu quả hơn đặt ra rất nhiều thách thức cho DN Việt, khi doanh nghiệp Việt đang đứng trước tình trạng nhà máy sản xuất ở mức dây chuyền cấp thấp, bắt đầu có tự động hoá, sử dụng robot bằng không. Đồng thời thực tế cho thấy ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp mới được quan tâm và đang ở mức trung bình; Tính kết nối tạo hệ sinh thái giữa Doanh nghiệp - Doanh nghiệp chưa được hình thành; Chưa hiểu rõ về 4.0; Tâm lý ngần ngại trong đầu tư ứng dụng CNTT vì lo lắng hiệu quả đầu tư còn rất phổ biến trong giới chủ doanh nghiệp SMEs…

Nhiều ý kiến doanh nghiệp cho rằng, cần phải luôn tìm hiểu xu hướng CNTT theo mục tiêu hướng tới ứng dụng; Ứng dụng từ những nhu cầu cụ thể nhất, nhỏ nhất đến những hoạch định với lộ trình theo sát định hướng phát triển của doanh nghiệp. Hiện trạng lẫn lộn giá trị thật giả ở Việt Nam dẫn tới sự lo ngại của rất nhiều người dùng. Nhưng đừng sợ ứng dụng CNTT vì có rất nhiều lợi ích lớn lao cho cộng đồng doanh nghiệp, cần trang bị kiến thức để sẵn sàng tham gia cuộc cách mạng 4.0 cũng như xây dựng lộ trình tạo ra bước chuyển đổi kỹ thuật số phù hợp cho doanh nghiệp.

Tại hội thảo, ông Vũ Tuấn Anh, sáng lập VBM (Vietnam Bussiness Matching- Tổ chức kết nối giao thương Việt Nam) đã cho biết về chương trình khuyến khích 1 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng sáng tạo đổi mới và công nghệ được hình thành vào giữa năm 2017, do các tổ chức và đơn vị sáng lập là CIT (Trung tâm nghiên cứu ứng dụng kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM) phối hợp với VBM (Vietnam Bussiness Matching- Tổ chức kết nối giao thương Việt Nam) và công ty phần mềm DanTriSoft.

Ông Cao Trung Hiếu - người sáng lập,  giám đốc DanTri oft cho biết chương trình nhằm giúp cho các doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi và thích nghi với nền kinh tế số (Digital Transformation) thông qua các chương trình đào tạo, tư vấn và cung cấp các dịch vụ công nghệ miễn phí hoặc có phí tài trợ. Kỳ vọng của chương trình hướng tới là nền tảng tập hợp các nguồn lực dư thừa của các doanh  nghiệp tổ chức, sau đó thúc đẩy qua nền tảng chương trình một triệu doanh nghiệp.

Hoàng Anh
Báo điện tử ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN

0 Nhận xét