Thấy gì từ câu chuyện 'thủ khoa về nhà nuôi heo'?

Câu chuyện sinh viên ra trường thất nghiệp không còn mới. Nhưng đến một thủ khoa sư phạm từng được vinh danh, lại không kiếm được việc phải về nhà nuôi heo, thì thấy lạ lẫm.


Thủ khoa thất nghiệp, vậy dưới thủ khoa thì sao?

Trong 2 ngày nay, cô giáo Bùi Thị Hà, người tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH Sư phạm Hà nội 2 trở về Hà Giang hơn một năm vẫn chưa được đi dạy, khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Không những thế, nhiều chuyên gia, giảng viên cũng lên tiếng về câu chuyện thật mà như bịa này.

Tiến sĩ toán học Lê Thống Nhất (Tổng giám đốc - Sáng lập BigSchool) phân tích: “Một số tỉnh, thành đã có quy chế riêng cho những thủ khoa, thậm chí là tốt nghiệp ĐH loại giỏi, nhưng đây chưa là quy chế chung cho cả nước. Do đó, Sở GD-ĐT Hà Giang hay UBND tỉnh Hà Giang không có gì để chúng ta có thể 'trách móc'. Bạn Bùi Thị Hà vẫn phải đợi đợt tuyển dụng theo quy chế của tỉnh Hà Giang”.

Theo đó, trả lời phỏng vấn một trang báo, ông Vũ Văn Sử - Giám đốc sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang - cho biết trường hợp của Bùi Thị Hà là một trường hợp đặc biệt, học giỏi và gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, Hà vẫn phải chờ có đợt thi tuyển tới đây. Lý do vì tại Hà Giang, việc thi tuyển công chức không đặc cách đối với thủ khoa.

Tiến sĩ Lê Thống nhất cũng cho rằng, cung và cầu ngay trong ngành sư phạm vẫn mất cân đối nghiêm trọng. “Dự báo về dư sinh viên tốt nghiệp không có việc làm trong tương lai sẽ lên con số hàng vạn. Chưa nói đến nơi thừa, nơi thiếu, môn thừa, môn thiếu... Các nhà hoạch định chính sách về đào tạo cần giải quyết bài toán này!”, tiến sĩ Lê Thống Nhất nhận định.

Trong khi đó, tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT lo ngại: “Thủ khoa còn thất nghiệp, thì liệu hàng trăm sinh viên khác xếp bên dưới thủ khoa sẽ như thế nào? Và hàng ngàn sinh viên ngành này ở rải rác các trường khác liệu có rơi vào cùng cảnh ngộ với cử nhân Hà? Phải chăng thị trường tuyển dụng của chúng ta chưa thực sự minh bạch chọn đúng người và xếp đúng việc?”.

Tiến sĩ Vinh cũng đặt ra câu hỏi, phải chăng việc đào tạo lâu nay hoàn toàn không gắn với nhu cầu vả về mặt số lượng, chất lượng và chính nhà trường chưa biết cách truyền thông những "sản phẩm" có chất lượng ra ngoài thị trường, chưa gắn được những hoạt động đào tạo với cơ sở sử dụng nhân lực?

Theo ông Vinh, ở đây trách nhiệm của ngành giáo dục Hà Giang là cần tuyên bố trước cho các trường đại học sư phạm, các học sinh phổ thông được biết nhu cầu tuyển dụng giáo viên của địa phương qua các năm, cũng như tiêu chí ưu tiên tuyển dụng.

Có nên tiếp tục… nuôi heo chờ đợi?

Trên các trang mạng xã hội, có rất nhiều ý kiến chia sẻ, cảm thông với Bùi Thị Hà. Mặc dù nuôi heo không phải là một việc xấu, nhưng họ đưa ra rất nhiều gợi ý để Hà có thể kiếm một công việc khác.

Chủ facebook tên Ruby Moon khuyên: “Bạn nên năng động hơn và tự mình tìm việc, vì bây giờ tất cả các cơ quan nhà nước từ giáo dục đến tài chính đều đang tinh giảm bớt biên chế, bạn có học giỏi thế nào cũng chưa chắc vào được vì người ta có tổ chức thi tuyển đâu mà vào? Ngoài ra, đồng lương giáo viên trường công thật sự rất ít ỏi, bạn mình cũng là giáo viên nên mình biết, bạn nên thử xin việc vào các trường tư, còn không thì chấp nhận làm trái ngành cũng có sao đâu, miễn kiếm được nhiều tiền về phụ giúp mẹ...?”.

Chị Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết công ty mình mỗi năm đều tuyển dụng, có bạn thủ khoa, có bạn chưa lấy được bằng tốt nghiệp, nhưng trên tất cả, các bạn ấy yêu công việc mình đang làm. Chị Thúy kết luận: “Thiếu gì việc để làm nếu giỏi thực sự. Tại sao cứ phải chờ 'thi tuyển'”?”

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh khẳng định: “Ngay cả nuôi lợn cũng là việc làm đáng trân trọng và nếu trường ĐH cung cấp cho em những kiến thức, kỹ năng và vận dụng chính sách hỗ trợ của nhà nước về khởi nghiệp em có thể vay vốn, tự học hỏi thêm để làm trang trại chăn nuôi. Xã hội ta đã có nhiều tấm gương làm giàu như thế. Có thể thấy nếu em cứ khăng khăng muốn được vào dạy học ở trường công lập thì vấn đề càng khó khăn, và nên có cách nghĩ khác đi dù là công hay tư, trường học hay doanh nghiệp có được việc làm và muốn cống hiến thì chẳng ngại ngần gì”.

Tiến sĩ Lê Thống Nhất thì khuyên sinh viên tốt nghiệp đừng câu nệ mình phải là công chức, viên chức nhà nước mà hãy quan tâm tới thông tin tuyển dụng của các đơn vị ngoài nhà nước. “Nếu bạn giỏi thì có thể đến với những đơn vị lớn, còn chưa giỏi có thể tìm đến các đơn vị nhỏ”, tiến sĩ Thống Nhất nói.

Mỹ Quyên
Báo Thanh Niên
0 Nhận xét