Định giá để mua lại.

Có một bạn trẻ ở Châu Âu inbox cho tôi hỏi là làm sao định giá được một nhà hàng để bạn ấy mua lại hoặc đầu tư một phần. 


Đây là một câu hỏi khá phổ biến và rất thực tế, có thể xảy ra ở bất kỳ nơi đâu.

Không biết bên Châu Âu như thế nào chứ bên Mỹ, bên Úc lên google đánh mấy chữ là có thể tìm thấy hàng loạt những công ty tư vấn chuyên làm công việc định giá công ty gọi là business valuator. Các công ty này có những cách tính bài bản để cho ra một con số cụ thể một cách khách quan, không liên quan gì đến yếu tố cảm tình, cảm tính.

Nhưng đó là dành cho các thương vụ nhiều triệu đôla. Còn đối với một nhà hàng hay một cửa hàng chỉ một hai trăm ngàn đôla hay thậm chí chỉ vài chục ngàn đôla thì bỏ ra một số tiền không nhỏ để lấy lời tư vấn từ một công ty chuyên nghiệp có vẻ như không khả thi cho lắm.

Cho nên không ai khác hơn là chính mình phải sở hữu một số khái niệm cơ bản về cách định giá một business, để có thể tự tin mà đàm phán hay đi đến một quyết định đầu tư.

Có nhiều phương thức hay cách tính giá trị của một business nói chung. Cách đơn giản nhất là dựa vào tài sản ghi nhận trên sổ sách gọi là asset-based approach. Trên thực tế, ít có chủ business nào thích cách định giá này vì nó không thể hiện những giá trị tương lai, giá trị thương hiệu, chưa kể nhiều khoản đầu tư không có chứng từ nên không được ghi nhận vào sổ sách.

Một cách định giá khả thi hơn cho trường hợp này là định giá dựa theo doanh thu và lợi nhuận của quá khứ để suy đoán ra tương lai, gọi là earning-based approach. Công thức phổ biến là lấy tổng doanh thu trong 12 tháng vừa qua của business mà mình muốn mua nhân cho hai, nghĩa là giá trị của business bằng hai lần doanh thu của năm.

Ví dụ doanh thu của một business là $200.000/năm thì sẽ được định giá là $400.000, đó là công thức tham khảo chung chung, còn phải cân nhắc nhiều yếu tố xung quanh như môi trường kinh doanh, lãnh vực kinh doanh đặc thù của từng trường hợp cụ thể. Và quan trọng nhất là business đó có đang làm ăn hiệu quả hay không, vì nếu đang thua lỗ nặng thì cho dù doanh thu có cao ngất ngưỡng thì cũng như không. Do đó áp dụng công thức nhân cho con số mấy cũng còn tuỳ chứ không quá cứng ngắt.

Thách thức lớn nhất khi áp dụng cách tính này là làm sao biết được doanh thu hay lợi nhuận một cách tương đối chính xác, chứ không phải chỉ nhìn trên những báo báo tài chính được người ta nắn nót viết ra. Cách đơn giản và chính xác nhất có lẽ là phải tai nghe mắt thấy, phải đi khảo sát thực tế, ăn dầm nằm dề ở đó vài ngày, thậm chí vài tuần, từ sáng đến tối để đếm khách ra vô là biết ngay!

Lưu ý: Coi chừng thời gian bạn đếm khách lại rơi đúng vào thời gian nhà hàng đang âm thầm tổ chức chương trình khuyến mãi nên đừng bị choáng ngộp bởi một sự tấp nập đầy giả tạo!

Một cách định giá phổ biến khác là định giá dựa theo giá thị trường, hay giá trị các vụ mua bán tương tự đã xảy ra trước đây. Nhà hàng kia được định giá bao nhiêu thì nhà hàng này nếu tương đương cũng có thể được định giá gần đâu đó, gọi là market-based approach. Vấn đề ở chỗ là làm sao tìm cho ra những thông tin này, vì thông thường chỉ có các công ty, tập đoàn lớn có niêm yết trên thị trường chứng khoán mới công bố những thông tin thuộc loại nhạy cảm này.

Cho nên sẽ không có một cách tính nào là hoàn hảo, mà tuỳ trường hợp, tuỳ loại thông tin thu thập được mà linh động tính toán. Nếu được thì cùng một lúc áp dụng 2-3 cách tính khác nhau để dễ bề so sánh. Nếu chi phí trả cho các nhà tư vấn chuyên thẩm định và định giá business không quá cao thì tại sao không, càng nhiều thông tin càng tốt, ít sai sót, tránh hớ giá trầm trọng.

Nhưng làm gì thì làm, phải suy nghĩ cho thật kỹ trước khi quyết định bỏ một số tiền lớn ra để mua lại một business hiện hữu. Dân gian có câu “Mua lầm chứ bán không lầm”, chứ không ai đi nói ngược lại. Biết bao nhiêu thông tin, dữ kiện, sự kiện, yếu tố mà khi chun vào chăn rồi mới biết chăn có rận!

Bản thân kinh doanh là đã rủi ro, mua lại một business hiện hữu để kinh doanh lại càng rủi ro hơn nếu người mua thiếu thông tin, thiếu kiến thức và thiếu kinh nghiệm trong việc định giá và thẩm định công ty. Coi như rủi ro này chồng lên rủi ro khác.

Bài chia sẻ từ facebook Trung Qui Ly
0 Nhận xét