Giữ Chân Nhân Viên Bằng Văn Hóa Doanh Nghiệp

Làm thế nào để nhân viên gắn kết với nhau và gắn bó lâu dài cùng doanh nghiệp? Phần lớn các lãnh đạo công ty đều phải “nhức đầu” trước bài toán này. Đây cũng là chủ đề mà các chủ doanh nghiệp nhỏ và những bạn trong giai đoạn khởi nghiệp hết sức quan tâm.
Giữ chân nhân viên bằng văn hóa doanh nghiệp

Tại sao xây dựng văn hóa doanh nghiệp lại quan trọng?

Mỗi khi có dịp gặp gỡ, trao đổi với anh em chủ doanh nghiệp đang trong giai đoạn khởi nghiệp hoặc vừa vượt qua giải đoạn này, khi nói đến chủ để nhân sự thì câu hỏi nóng nhất là làm sao để giữ chân nhân viên, đặc biệt là những nhân viên giỏi. Liên quan đến vấn đề này, điều đầu tiên tôi muốn nhắc đến là phải xây dựng cho được văn hóa doanh nghiệp.

Có nghĩa, bạn tạo ra văn hóa cho riêng doanh nghiệp của bạn. Khi bạn tập trung vào xây dựng văn hóa đồng nghĩa bạn đang tạo ra điểm khác biệt cho mình.

Thực tế mọi hoạt động trong một tổ chức đều do văn hóa của chính doanh nghiệp đó chi phối. Bạn không có ý xây dựng văn hóa cho doanh nghiệp mà để nó tự phát triển thì đó cũng là văn hóa của tổ chức bạn.

Thứ nữa, trong môi trường kinh doanh cạnh tranh hiện nay, thì ngày càng có nhiều người ra làm kinh doanh và xu thế toàn cầu doanh nghiệp ở nước khác có thể lấy mất khách hàng ngay trên sân nhà của bạn.

Đối thủ có thể bắt chước sản phẩm của bạn, họ cũng có thể nhái cả cách làm dịch vụ của bạn, thậm chí màu sắc thương hiệu họ làm na ná như nhau luôn. Tuy nhiên, có một thứ mà họ không thể làm theo được, đó chính là văn hóa doanh nghiệp của bạn.

Mỗi ngày ai cũng đi làm, thời gian của mỗi người đôi khi ở công ty còn nhiều hơn ở nhà. Trong tâm thức của mỗi thành viên ai cũng muốn thuộc về một nơi nào đó.

Ngoài chế độ lương thưởng và khả năng thăng tiến, các yếu tố như uy tín công ty, thương hiệu sản phẩm, thậm chí là cả vị trí trụ sở…, cũng trở thành niềm tin và sự tự hào trong mỗi thành viên.

Vậy làm cách nào xây dựng văn hóa cho doanh nghiệp?

Tôi xin tóm tắt ngắn gọn phương pháp xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong 6 bước sau đây:

1) Tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi: Mỗi thành viên trong tổ chức cần nắm rõ 3 yếu tố này. Có nhiều doanh nghiệp nhỏ chưa biết cách xây dựng "Tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị" cho doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp đã có 3 yếu tố trên, tuy nhiên chỉ có mỗi chủ doanh nghiệp là biết còn nhân viên hầu như không ai biết.

Bạn có trách nhiệm đào tạo, huấn luyện cho toàn thể nhân viên thấm nhuần 3 điều trên, vì đó là tầm nhìn của tổ chức. Nếu nó hông phổ biến, thì chỉ là tầm nhìn của cá nhân người chủ.

2) Văn hóa học tập: Đây là cách tuyệt vời để một nhân viên trong tổ chức phát triển năng lực. Ta thường nói con người là tài sản quý nhất của doanh nghiệp. Để làm tài sản này trở nên quý thì hãy tạo cho họ có điều kiện nâng cao kỹ năng, kiến thức thông qua học tập. Do vậy, cần có những buổi huấn luyện về kiến thức và kỹ năng, những buổi thảo luận trong công việc, những buổi tập huấn chuyên sâu vừa bên trong vừa bên ngoài, có những giờ đọc sách chung trong công ty. Khi nhân sự phát triển thì chắc chắn doanh nghiệp phát triển.

3) Ghi nhận thành tích: Bạn đánh giá nhân viên và ghi nhận giá trị, công sức của họ ở công việc gì thì bạn sẽ đạt được kết quả mỗi ngày mỗi tốt hơn ở lĩnh vực đó.

Điều này có nghĩa là gì? Cần biết là cho nhân viên biết những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp và ai là người thể hiện giá trị tốt thì luôn được đề cao, tưởng thưởng, ghi nhận. Cái gì được ban thưởng cái đó sẽ được hưởng ứng.

4) Luật chơi: Một tổ chức cần có luật chơi, nó vừa ràng buộc nhưng vừa nhẹ nhàng. Ví dụ: khi bạn học ở những lớp mình chia sẻ thì bạn thấy có luật chơi rất rõ ràng là đúng giờ, ai trễ giờ sẽ phạt, hay chuông điện thoại 100% phải ở chế động rung, không nghe điện thoại trong lớp. Cách nói chuyện với người bên cạnh thì luôn khen nhau như "chia sẻ của bạn thật tuyệt, hoặc điều này quá tuyệt vời, bạn chia sẻ nữa đi, chúng tôi đã sẵn sàng...". Nó tạo thành cái văn hóa của tổ chức đó.

5) Thường xuyên nói chuyện: Cần có lịch nói chuyện theo nhóm hoặc nói chuyện 1:1 hàng tuần. Ví dụ 7h sáng thứ 4 thì nhóm bán hàng gặp nhau kể chuyện một tuần qua làm được gì và bài học rút ra là gì.

Hoặc lãnh đạo doanh nghiệp cần dành thời gian nói chuyện và nghe nhân viên tâm sự, chia sẻ những câu chuyện, góp ý về vấn đề trong công việc cũng như cuộc sống hàng ngày. Nó giúp bạn gắn kết thực tế với tâm hồn của mỗi nhân viên.

6) Các câu chuyện: Câu chuyện về công ty, về người sáng lập, doanh nghiệp qua các giai đoạn thăng trầm như thế nào? Ý tưởng ra đời doanh nghiệp từ đâu? Có những cống hiến gì cho xã hội?

Câu chuyện của những thành viên mang nhiều khách hàng cho doanh nghiệp, những người tạo ra sự đột phá trong sản phẩm, những ai có sáng tạo mang lại lợi ích cho công ty đến hôm nay...

Là một nhà lãnh đạo, nếu bạn nhận ra và gắn kết nhu cầu sâu thẳm này với quá trình phát triển của mỗi cá nhân và doanh nghiệp, thì đó là bạn đang giúp mỗi thành viên đóng góp xây dựng điều hữu ích cho xã hội và cộng đồng. Đó cũng chính là văn hóa doanh nghiệp.

Chúng ta hay nghe câu nói "dòng tiền là vua thì văn hóa chính là hoàng hậu trong doanh nghiệp”. Khi sở hữu cả hai yếu tố này, thì bạn đã có ưu thế cạnh tranh vượt trội trên thương trường.

Bài viết chia sẻ từ facebook Nguyễn Thái Duy
0 Nhận xét