Cân bằng đó là Đạo vậy

Từ ngày lên lại Sài Gòn để làm việc, tôi có nhiều thời gian hơn để đọc sách, một thú vui của tôi từ tuổi thơ, khi được mẹ dạy cho phương pháp đọc sách.

Lên Sài Gòn để làm những công việc mà tôi yêu thích. Ở công việc đó có hàm lượng chất xám nhiều hơn, tư duy nhiều hơn, ở đó xem trọng tri thức và sự sáng tạo. Tôi thích điều ấy.

Bản chất tôi lên Sài Gòn làm việc là tôi muốn thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn của công việc, cái vòng lẩn quẩn về mối quan hệ. Tôi muốn tìm cho mình một mảnh đất trọng dụng hơn về tri thức, một nơi trọng dụng con người hơn là trọng dụng đồng tiền. Để có quyết định này tôi mất gần một tháng để suy nghĩ và đến hiện tại, tôi thấy đó là quyết định đúng đắn. Bởi lẽ tôi đã dần mở được các nút thắc trong cái vòng lẩn quẩn ấy, mối quan hệ và công việc ngày càng tốt hơn, hôm nay tốt hơn hôm qua và ngày mai tốt hơn hôm nay. Tôi cảm thấy yêu cuộc sống hơn.

Thời gian này tôi đọc cuốn sách “Phật học phổ thông tập 1”, sách viết không bay bổng nhưng tôi cảm thấy hay vô cùng. Vì nó mang giá trị thật của cuộc sống, những chân lý trường tồn của cuộc sống.

Cuốn sách Phật Học Phổ Thông

Mục đích của con người là đi tìm hạnh phúc. Và hạnh phúc thì có trong tâm trí mỗi chúng ta.

Tiền bạc là phương tiện để con người đạt đến hạnh phúc.

Để hạnh phúc thì việc cân bằng giữa công việc và mối quan hệ là quan trọng. Cân bằng – cân bằng – và cân bằng để đạt đến hạnh phúc.

Cuộc sống hiện đại này, con người có quá nhiều nỗi lo lắng. Lo lắng về công việc, về tiền bạc, về bằng bạn bằng bè, về mọi thứ … Vì lo lắng nên con người cứ lao vào nó như những con thiêu thân hy vọng sẽ giải quyết rốt ráo. Nhưng càng lao vào càng cảm thấy cái vòng lẩn quẩn.

Sự thật bạn biết không,

Hạnh phúc là từ tâm. Nếu làm một công việc không yêu thích, nếu phải thiết lập mối quan hệ với một con người mình không hề thích, đôi khi là khinh bỉ, nếu phải tỏ ra hào nhoáng trong khi nội tại đang khốn khó … thì làm sao có được hạnh phúc.

Để giải quyết những lo lắng ấy, mà Phật gọi là "bể khổ" thì cần hiểu rõ nguyên nhân, để tìm đúng phương pháp để trị cái gốc rễ ấy.

Cơ bản chúng ta khổ vì các nguyên nhân sau: tham, sân, si, mạn.

- Tham: tham lam vượt quá khả năng bản thân. Ví dụ với chuyên môn, kỹ năng của mình bạn kiếm được 10 triệu đồng/tháng, nhưng vì tham lam muốn kiếm được 50, 100 triệu/tháng nên bạn bắt đầu trượt ngã trên những điều sai trái, ví dụ nói dối, ăn cắp thay vì nỗ lực nâng cao chuyên môn, kỹ năng đê xứng đáng với mức thu nhập mong muốn …

- Sân nghĩa là nóng giận. Khi có việc gì đó không hài lòng, không đáp ứng được nhu cầu bản thân thì trở nên nóng tính. Mà ông bà mình dạy "giận quá mất khôn" là ám chỉ nỗi khổ của sân vậy.

- Si nghĩa là si mê. Ở đây nghĩa si mê cần hiểu là ở suy nghĩ tiêu cực, ví dụ si mê sắc dục, rượu chè, si mê tiền tài mà bất chấp lẽ phải. Vì lòng si mê tiêu cực nên gây ra khổ. Cần phân biệt sự khác nhau giữ "si mê" và "đam mê" nhé.

- Mạn nghĩa là cái tôi. Chữ mạn ở đây cần hiểu là cái tôi cá nhân quá lớn, khi cái tôi cá nhân trỗi dậy bất chấp lý lẽ, phải trái chỉ cố dành phần thắng cho cái tôi ấy, để hả hê với cái tôi đầy tội lỗi.

Để hạnh phúc điều kiện cần đầu tiên là rèn luyện để tránh tham, sân, si, mạn. Khi ấy, tâm hồn của bạn trở về trạng thái cân bằng và hạnh phúc sẽ đến bên bạn. Thật đấy, không tin hãy thử xem.

- Một ngày không nổi lòng tham lam, ghen ăn tức ở mà hãy tôn trọng, yêu thương mọi người.
- Một ngày không nóng tính, hãy bình tĩnh giải quyết mọi việc.
- Một ngày không si mê thói rượu chè, sắc dục, chỉ làm những việc hợp với đạo làm người.
- Một ngày sống yêu thương, sống như đó là ngày cuối cùng để sống vậy, sống hòa đồng, sống quên đi cái bản ngã cố chấp của bản thân.

Hãy thực hành thường xuyên bạn nhé.

Cao Trung Hiếu
TP HCM ngày 22/10/2015

1 Nhận xét