Kỷ niệm thành lập trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bình Định

Tôi tự giới thiệu sơ nét về bản thân. Tôi tên đầy đủ là Cao Trung Hiếu, tôi có hai công việc chính, một là sáng lập và điều hành Dân Trí Soft (www.DanTriSoft.com), hai là chủ quán cafe MiMoSa Bà Rịa. Tôi học lớp chuyên toán của trường THPT Lê Quý Đôn.
Cách đây 15 năm trước, khi nhận giấy báo trúng tuyển của trường Lê Quý Đôn, tôi là một cậu bé vùng quê (tôi ở xã Phước Thành, H. Tuy Phước, Bình Định), lần đầu tiên xa nhà, bắt đầu sống tự lập tại thành phố Quy Nhơn. Tôi vẫn còn nhớ như in nụ cười của ba, mẹ, niềm tự hào của gia đình khi tôi đã vượt qua chính mình, vượt qua kỳ thi xét tuyển được ví khó hơn kỳ hi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Bao điều mới mẻ với tôi khi sống tự lập tại một thành phố lớn. Mỗi ngày đến lớp được học toán là niềm vui của tôi khi ấy. Năm tôi lớp 10, trường THPT Lê Quý Đôn chỉ là dãy phòng học mượn tạm của trường Quốc Học Quy Nhơn. Dù cơ sở vật chất có thiếu thốn nhưng phong trào học tập tại Lê Quý Đôn luôn mạnh mẽ, quyết tâm.

Tôi cảm thấy biết ơn vô cùng khi được học bởi những người thầy có tâm và có tầm của tỉnh nhà. Thầy Hoàng Xuân Tiếp, giáo viên chủ nhiệm, đã mở ra cho trí tuệ về những vùng trời về toán học. Người thầy giúp tôi khám phá nét đẹp của văn chương, khả năng phản biện, nói chuyện trước đám đông là thầy dạy văn Võ Công Trí. Ở đó, còn có hình ảnh của cô Đào dạy môn Sinh học đã động viên tôi lúc gặp khó khăn … Và nhiều lắm những người thầy tôi vô cùng kính trọng như thầy Bắc (hiệu trưởng), thầy Kinh (thể dục), thầy Hoàng (Lý) …

Được sự chỉ dẫn từ các thầy cô giỏi và thêm nữa là được học trong một môi trường mà phong trào thi đua học tập rất tích cực đã giúp thế hệ chúng tôi hiểu rõ phương pháp học tập, đặc biệt là tính tự học tập, tự nghiên cứu. Chính điều này đã giúp rất nhiều cho giai đoạn học đại học lẫn trong suốt quá trình làm việc, giúp chúng tôi phát triển tốt hơn.


Điều tuyệt vời nhất đọng lại trong tâm trí của tôi đó là triết lý giáo dục “học làm người trước khi học thành tài” trong nhà trường Lê Quý Đôn, Bình Định. Ngày ấy, trong suy nghĩ non nớt của chúng tôi, tất cả là để học, mọi thứ là để học. Do đó, việc cạnh tranh, thi đua là hiển nhiên. Học bất chấp sợ hãi, học bất chấp thất bại. Sau này, bạn bè mỗi lần gặp nhau hay đùa “một thời kỳ được luyện gà”, cười mà khóe mắt cay cay. Mặt được thì rất rõ ràng, chúng tôi được nạp vào trí óc khối lượng kiến thức gấp nhiều lần các trường trung học phổ thông khác. Mặt mất là chúng tôi không có nhiều kỷ niệm tập thể cho quãng thời gian đẹp đẽ của lứa tuổi trăn tròn 15, 16.

Khi nhìn lại, tôi luôn tự hào về ngôi trường Lê Quý Đôn, Bình Định. Tôi cảm ơn đã được học dưới mái trường này, cảm ơn thầy cô, cảm ơn bạn bè nhiều lắm. Nhiều kỷ niệm đẹp mà mỗi lần nhớ lại, thật hạnh phúc và đầy cảm xúc.

Giờ đây, tôi đã có gia đình nhỏ, có công việc yêu thích, tôi được sống và làm việc cùng với niềm đam mê, đó là điều hạnh phúc. Tôi vẫn giữ liên lạc với bạn học và cả những người anh, người em học trường Lê Quý Đôn. Chúng tôi nhờ internet, thông qua group Facebook THPT chuyên Lê Quý Đôn Bình Định để giao lưu, đó là cầu nối cho học sinh các thế hệ. Tôi hy vọng nhà trường, các cựu học sinh luôn giữ những kết nối để gia tăng sức mạnh hợp tác. Thế hệ đi trước chia sẻ những trải nghiệm đến thế hệ sau và cứ thế lan tỏa ra. Điều đó sẽ giúp cuộc sống này tốt đẹp biết bao. Yêu lắm một thời học trò cấp 3, và càng yêu tôi càng cần sống tốt hơn cho hiện tại.

Trước khi kết bài viết này, tôi gửi lời chúc sức khỏe và hạnh phúc đến thầy cô, đến các cựu học sinh cũng như học sinh hiện tại của trường. Và chúng ta hãy cùng hô vang “Chúc mừng 15 năm thành lập trường THPT Lê Quý Đôn, Bình Định”.

Cao Trung Hiếu.
Bà Rịa Vũng Tàu, ngày 18/08/2015
0 Nhận xét