(Dân Trí) “Chúng ta có đuổi kịp được ASEAN-6 không?”

 (Dân trí) - Chúng ta hoàn toàn có thể theo kịp họ với một điều kiện, đó là “đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân” như thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng.

(Minh họa: Ngọc Diệp)
Đó là câu hỏi về môi trường kinh doanh mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt ra trong các phiên họp của Chính phủ vừa qua. Thủ tướng nói: "Sao lại cứ phải đứng sau 6 nước ASEAN? Chúng ta có đuổi kịp được ASEAN-6 không? Không có lý do gì chúng ta không cải thiện được để bằng ASEAN-6"?

Đây không phải chỉ là câu hỏi của cá nhân Thủ tướng mà của tất cả các nhà quản lý đất nước và của mỗi người dân.

Trong khi Tổ quốc ta có rừng vàng, có biển bạc, có đồng ruộng phì nhiêu có tài nguyên phong phú… dân ta cần cù, thông minh thì tại sao đất nước vẫn nghèo là câu hỏi day dứt mỗi người dân nước Việt.

Đành rằng chúng ta có lý do chiến tranh nhưng cũng sòng phẳng rằng chiến tranh lùi xa gần 40 năm. Trong khi cũng bằng thời gian đó, các nước từng bị chiến tranh tàn phá như Nhật Bản, Hàn Quốc… đã vươn lên ở mức nào?

Điều gì đã cản trở sự phát triển của dân tộc để đến hôm nay khiến người đứng đầu Chính phủ phải đặt câu hỏi trên?

Có lẽ một trong những nguyên nhân căn bản nhất, đó là bởi chúng ta chưa xây dựng được một môi trường kinh doanh năng động và minh bạch.

Là thủ tục hành chính vẫn “hành dân là chính”. Là tư tưởng coi doanh nhân “như chùm khế ngọt”. Là thái độ “cai trị dân” lấn lướt tư tưởng “phục vụ dân”… đang khá thịnh hành.

Từ khi Đổi mới, kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến bộ đáng kể. Tỉ lệ người nghèo luôn được giảm sau mỗi năm. Thế nhưng ta tiến thì các quốc gia láng giềng cũng đâu có đứng yên.

Có nhiều cách so sánh, ví như so sánh với người khác hoặc so sánh với chính mình. Nếu so sánh với chính mình, chúng ta sẽ luôn thấy mình “tiến bộ” bởi kinh tế năm sau luôn cao hơn năm trước. Thế nhưng so sánh với các quốc gia khác thì công bằng, chúng ta còn nhiều yếu kém.

“Đứng sau 6 nước ASEAN” tức là xếp thứ 7, sau các quốc gia như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Brunei.

Tuy nhiên, thứ hạng này hiện cũng rất “bấp bênh” vì gần đây, các quốc gia đứng sau Việt Nam như Lào, Campuchia, Mianma đang có những cải cách mạnh mẽ trong lĩnh vực này và đã đạt những thành tựu không nhỏ.

Vì vậy, nếu không nỗ lực, hoàn toàn có thể chúng ta sẽ còn tụt hạng hơn nữa.

Trong phiên họp Chính phủ cuối năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo rất kiên quyết: “tháng nào Chính phủ cũng kiểm điểm xem tăng trưởng thế nào, sản xuất phát triển thế nào. Nếu sản xuất không phát triển, kinh tế không phát triển thì đừng nói đến việc khác nữa. Không có kinh tế phát triển thì lấy đâu giải quyết việc làm, lấy đâu mà thu ngân sách, giải quyết các vấn đề xã hội”.

Quá đúng! Mục tiêu cao nhất hiện nay là phát triển kinh tế bởi như lời Thủ tướng “kinh tế không phát triển thì đừng nói đến việc khác nữa”.

Dân không giàu thì nước không mạnh. Nước không giàu thì không làm được việc gì khác, kể cả bảo vệ chủ quyền và độc lập dân tộc.

Vì thế, Thủ tướng đặt câu hỏi cho các thành viên Chính phủ: “Các đồng chí xem, để (đất nước) thấp kém hơn Philippinnes, Thái Lan, Malaysia… 6 nước ASEAN, cứ lúc nào mình cũng thấp kém hơn sao được. Chúng ta hoàn toàn có thể theo kịp họ”.

Vâng! “Chúng ta hoàn toàn có thể theo kịp họ” với một điều kiện, đó là “đổi mới thể chế” như thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng “Nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”. 


 Bùi Hoàng Tám
0 Nhận xét