Bàn về văn hóa đọc sách của người Việt.

Lời bình của Cao Trung Hiếu


Sách có giá trị là phương tiện chuyên chở những tri thức, những giá trị tiến bộ, những phương pháp làm việc hiệu quả, chất lượng cao … cho con người. Đọc sách giúp con người khám phá bản thân, phát hiện cách thức làm việc tốt hơn, những giá trị, chuẩn mực của xã hội…

Tại quán cafe MiMoSa, tôi có thiết kế thư viện nhỏ, nó xuất phát từ ý tưởng Những sách đã đọc qua thường không còn nhiều giá trị với bản thân nhưng với nhiều người chưa đọc đó là cả giá trị to lớn. Tôi mong muốn giao lưu, kết nối với cộng đồng người yêu sách tại TP Bà Rịa này, để chia sẻ với nhau các đầu sách hay, cùng tạo nên một thư viện sách miễn phí dành cho cộng đồng, góp phần nâng cao dân trí. Ý tưởng được thực hiện ngay từ khai trương cafe MiMoSa vào 13.01.2013. Tôi liên tục chia sẻ ý tưởng đó đến mọi người. Cái gì xuất phát từ tâm cũng sẽ nhận được kết quả từ tâm, một số bạn bè đã chung sức với tôi cùng phát triển thư viện nhỏ này.

Tuy nhiên, số lượng người quan tâm và yêu sách thật sự không nhiều. Khi được chia sẻ về ý tưởng thư viện sách miễn phí, nhiều người tò mò về nó, nhưng phần đa họ không thích đọc sách với rất nhiều lý do đại loại như là:

- Không có thời gian để đọc sách vì công việc, gia đình đã quá bận rộn.
- Thời nay ai lại đi đọc sách nữa vì báo chí, internet, facebook … có nhiều thông tin cập nhật liên tục, thời nay chỉ cần lướt qua thông tin là đủ rồi.
- Đọc sách chẳng giúp ích được gì cả vì đó chỉ là lý thuyết xuông, đọc sách không giúp giàu có hơn.
- Để về già có nhiều thời gian hơn sẽ đọc sách.
…..

Tôi là người yêu sách nên rất trăn trở về việc: Làm thế nào để văn hóa đọc của người Việt phát triển, nâng cao dân trí, góp phần xây dựng dân tộc Việt Nam “sánh ngang với các cường quốc năm châu”?.

Hãy giúp Cao Trung Hiếu bằng những chia sẻ của bạn thông qua mục bình luận bên dưới nhé!



Bài viết dưới đây là những số liệu thống kê về văn hóa đọc sách của các nước trên thế giới.

- - - - - - - - - - - - - - -


Ở các nước Âu – Mỹ, lấy ví dụ ở Pháp hiện nay, trung bình một người dân Pháp đọc tới 20 cuốn sách/năm, đối với người dân sống ở thành phố, tầng lớp tri thức, con số đó lên tới 30-50 cuốn/năm (Nguyễn Hương, bài “Người Việt ít đọc sách: Cần những chính sách để thay đổi toàn diện”). 

Ở Nhật, ngay từ thời Cải cách Minh Trị, chỉ với 30 triệu dân mà tiêu thụ tới hàng trăm ngàn cuốn sách dạng tinh hoa, “khó nhằn”. 

Ở một quốc gia gần hơn trong cộng đồng ASEAN, đó là Malaysia, số lượng sách được đọc trên đầu người là 10-20 cuốn/người/năm (2012, số liệu từ ông Trần Trọng Thành, công ty sách điện tử Aleeza). 

Và ở Việt Nam, theo con số do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công bố ngày 12/04/2013 ngay trước thềm sự kiện “Ngày hội Sách và Văn hóa Đọc”, số lượng sách một người Việt đọc trong một năm là… 0,8 cuốn, nghĩa là người Việt Nam đọc chưa đầy 1 cuốn sách trong 1 năm!

Có sự tương quan rõ ràng giữa văn hóa đọc và sự phát triển của một quốc gia. Với những con số ở trên, dễ hiểu vì sao nước Pháp lại có một nền kinh tế, văn hóa và nghệ thuật rạng rỡ như vậy. Và nước Nhật có thể đứng dậy thần kỳ sau Thế chiến 2 cũng như vươn lên quật khởi sau bao thiên tai liên miên, hiện đang là nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới với nền khoa học-công nghệ tiên tiến bậc nhất. Malaysia đang là ngôi sao mới ở khu vực ASEAN với những chính sách đổi mới và mở cửa đột phá gần đây. Và người Do Thái, “Một dân tộc 13 triệu dân nhưng sinh ra gần 40% chủ nhân của các giải Nobel; 1/3 trên tống số các nhà triệu phú đang sống và làm việc tại Mỹ là người Do Thái; 20% giáo sư tại các trường đại học hàng đầu hiện nay; 3 nhân vật sau Công nguyên cho đến hiện tại có tác động lớn nhất đến lịch sử nhân loại là Chúa Jesus, Karl Marx và Alber Einstein…là người Do Thái.”

Trích Triết Học Đường Phố

0 Nhận xét