“Giúp nhau mùa dịch”: Kết nối hàng trăm bác sĩ điều trị COVID-19 trực tuyến

VietTimes - Trang web https://www.giupnhaumuadich.net/ đã kết nối hàng trăm bác sĩ, qua Tổng đài 028.9999.5115 tận tâm hỗ trợ miễn phí cho bệnh nhân COVID-19.

Giao diện trang web Giúp nhau mùa dịch (Ảnh chụp màn hình)

Trước thực trạng hơn 75.000 ca nhiễm COVID-19 phát sinh và còn tăng thêm trong đợt hoành hành dữ dội kéo dài hơn 2 tháng nay tại TP.HCM, một nhóm bác sĩ hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng đã chung tay xây dựng đầu tiên là group facebook Giúp nhau mùa dịch.

Group hoạt động rất tốt, lượng thành viên tăng lên nhanh chóng, lên tới gần 400K thành viên chỉ sau mấy tháng mở nhóm. Đặc biệt là khi TP.HCM thực hiện cách ly F1 tại nhà, và sau đó là cách ly F0 tại nhà nếu ca bệnh không có triệu chứng.

Tuy nhiên, vì số lượng thành viên quá đông, cũng như nhu cầu bức thiết giải đáp các câu hỏi về dịch bệnh quá “nóng”, mà bác sĩ không phải lúc nào cũng online để có thể giải đáp; cộng với đặc tính của group cộng đồng là cũng khó lưu thông tin bác sĩ, người tìm kiếm khá khó khăn, một nhóm các công ty giải pháp Công nghệ thông tin đã chung tay thiết kế gấp, cho ra đời, vận hành chính thức trang web https://www.giupnhaumuadich.net/ với mục đích hỗ trợ điều trị COVID-19 từ xa một cách hiệu quả.

Trang web được chia thành các khối thông tin đơn giản, rõ ràng, hết sức hữu ích với người bệnh đang tăng nhanh chóng mặt và hệ thống y tế công đã quá tải như hiện tại.

Ngay trên đầu trang web có treo số điện thoại Tổng đài (028) 9999. 5115 (do một Công ty viễn thông tài trợ) để bệnh nhân có thể gọi và nhấn phím 1 nếu là trường hợp cấp cứu, nhấn phím 2 nếu là tư vấn trường hợp liên quan Covid-19, nhấn phím 0 cho các trường hợp giải đáp các vấn đề khác.
Sổ tay sức khỏe COVID-19 do Đại học Y Dược TP.HCM biên soạn được treo trên trang web Giúp nhau mùa dịch để người sử dụng có thể tải các hướng dẫn thiết thực cho người bệnh COVID-19

Trang web đã kết nối được hơn 170+ bác sĩ, điều dưỡng viên. Khi bác sĩ có thể tham gia hỗ trợ trực tuyến, tư vấn thiện nguyện, sẽ nhấn nút on và các cuộc gọi sẽ bắt đầu chia về cho máy lẻ.

Đây thực sự là nguồn nhân lực điều trị trực tuyến vô cùng quý giá trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến quá phức tạp, số ca nhiễm tăng nhanh khiến hệ thống y tế đang phải dành nhiều nguồn lực cho Covid-19 như hiện tại.

Chỉ mới vừa mở ra, nhưng tổng đài (028) 9999. 5115 đã nhận được hàng ngàn cuộc gọi tư vấn đến đội ngũ bác sĩ và đều được giải đáp tận tâm. Trao đổi với nhóm sáng lập và thực tế từ các bác sĩ cho biết, số lượng bệnh nhân cần tư vấn qua điện thoại ngày càng nhiều hơn, vì bệnh viện ngày càng quá tải ca bệnh COVID-19.

Trả lời VietTimes, ông Cao Trung Hiếu - Sáng lập và điều hành Dân trí Soft, một trong những đơn vị thuộc nhóm các công ty CNTT đưa giải pháp thiết kế trang web https://www.giupnhaumuadich.net/ cho biết: “Trăn trở của chúng tôi là làm thế nào để tối ưu thời gian, sức lực cho đội ngũ y, bác sĩ? Làm sao để phân luồng các câu hỏi có sẵn có? Làm sao để tối ưu cuộc gọi đến danh sách 170+ bác sĩ, vì đội ngũ bác sĩ chỉ tận dụng được thời gian ngoài ca làm việc mới hỗ trợ được, làm sao để phân bổ cuộc gọi đúng đến bác sĩ có chuyên môn về vấn đề đó, làm sao phân phối để người nhận cuộc gọi là cân bằng tránh tình trạng làm thủ công bằng danh sách số di động khiến sẽ có bác sĩ bị quá tải, còn bác sĩ khác thì nhận ít cuộc gọi…?”

Ông Cao Trung Hiếu cho biết chi tiết: “Hệ thống tổng đài có thể nhận cùng lúc 20.000 cuộc gọi, ví dụ đầu số tổng đài 028.9999.5115 hiện đang mở nhận đồng thời là 170 cuộc gọi cho danh sách 170 bác sĩ hiện có”.
Trang web https://www.giupnhaumuadich.net/ đã chia sẻ nhiều thông tin hay, phát huy hiệu quả kết nối bác sĩ điều trị COVID-19 trực tuyến


“Chúng tôi cũng nghĩ đến việc làm sao lưu lại tất cả cuộc gọi để phục vụ việc truy vết dịch bệnh? Làm sao mở rộng được hệ thống nhanh hơn cả virus Corona phát tán, 170+ bác sĩ tình nguyện mở rộng đến 1.000 thậm chí 10.000 cũng chỉ là vài động tác setup?” – Ông Cao Trung Hiếu cho hay.

Đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng viên và các kỹ sư CNTT đã gặp nhau trong một cái tâm thiện nguyện, muốn mang đến cho cộng đồng những phương tiện tối ưu để cùng nhau vượt qua đại dịch. Vì niềm mong muốn Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, cuộc sống trở lại an toàn.

Hòa Bình
0 Nhận xét