Tại sao ngại cho đi!?

Tôi hay nói "Để bán hàng tốt thì cần tập cho đi, cho đi càng nhiều bán hàng càng dễ dàng". Nhưng cũng có ý "cho đi sao khó quá, không có gì để cho đi, lo cho bản thân còn khó khăn huống gì là cho đi..." nên tôi chia sẻ lại bài viết này từ 2014 để có 1 chút để ngẫm nhé.


Tại sao ngại cho đi!?


Sau khi đọc bài viết của một người bạn trăn trở về việc người Việt ngại cho đi, tôi có đôi điều chia sẻ về nguyên nhân của nó:


Thứ nhất, cuộc sống người Việt quá khó khăn, để kiếm “miếng cơm manh áo” phải “đổ mồ hôi xôi nước mắt”, nhiều khi tranh giành, dẫm đạp lẫn nhau mới có được. Quá khó thì làm sao dám cho đi, bởi  quan niệm xưa nay cho là mất, giữ là còn.


Thứ hai, quan điểm “cho đi” chỉ nặng nề về “cho đi vật chất” mà không hiểu cái nghĩa rộng của “cho đi” như cho đi tình yêu thương sự quan tâm, cho đi lời tư vấn giúp đỡ, cho đi cơ hội làm ăn, cho đi kết nối, cho đi sự tử tế... 


Thứ ba, văn hóa dân gian có câu “giúp vật vật trả ơn, giúp người người trả oán” đã sống “dai dẳng” trong nếp nghĩ của người Việt. Từ sâu thẳm trong tâm thức người Việt đã sợ “giúp người”, tức sợ cho đi.


Thứ tư, người Việt “cho đi” nhưng nặng nề trong việc muốn “nhận lại” nên cái cho đi ấy lắm lúc chỉ là sự vụ lợi mà thôi. Vì họ chưa thấy được cái quy luật Nhân - Quả, việc cho đi tức là đã nhận rồi.


Thứ năm, không biết cách cho đi, muốn cho đi nhưng chẳng biết làm như thế nào cho ý nghĩa, có ích cho người nhận.


Thứ sáu, bộ phận những người sống giả tạo với cái triết lý “cho là nhận”, đi rao giảng những điều tốt đẹp từ đó, dùng nhiều mỹ từ về nó nhưng bản chất thì vụ lợi cá nhân, đôi khi còn lừa lọc niềm tin của người khác. Cho nên người ta sợ “sự cho đi”.



Việc ngại cho đi hình thành từ nhiều yếu tố như văn hóa, lịch sử, kinh tế, giáo dục. Để thay đổi nó thì chỉ có giáo dục, giáo dục để hình thành tư duy đúng, từ đó có hành động đúng, tạo nên nét văn hóa đúng, cuối cùng là giúp phát triển kinh tế để rồi lịch sử lật sang trang mới, một xã hội tốt đẹp “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” (Tố Hữu)


Khi nào nền kinh tế còn làm ăn chụp giựt, dẫm đạp lẫn nhau để sống thì khi đó vẫn còn ngại cho đi, không dám cho đi.


Hiện tại, khi Việt Nam phát triển, con người được giao lưu nhiều hơn, tư duy mở hơn, tư tưởng “cho là nhận” đang thành hiện thực trong cuộc sống, nhiều người Việt đã "dám sống" với triết lý ấy “cho là nhận”. Bạn hãy tin rằng, xã hội luôn luôn phát triển thì triết lý “cho là nhận” ấy sẽ ngày càng phát triển.


Cao Trung Hiếu | Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình



0 Nhận xét