Bộ Giao thông: 'Vì một số dân phản đối mà chuyển trạm thu phí là không ổn'.

Thứ trưởng Bộ Giao thông cho hay vị trí đặt trạm Cai Lậy đã được lấy ý kiến nhiều cơ quan, sẽ không thay đổi dù có phản ứng của người dân.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: "Không có lý do gì để di chuyển vị trí trạm Cai Lậy". Ảnh: Xuân Hoa

Chiều 17/8, cuộc họp báo của Bộ Giao thông Vận tải diễn ra trong khoảng một giờ song có tới khoảng 30 câu hỏi được báo giới đặt ra xung quanh việc vì sao đặt trạm thu phí Cai Lậy trên quốc lộ 1 mà không đặt ở đường tránh khiến người dân có phản ứng như những ngày qua... 

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, vị trí đặt trạm đã nghiên cứu kỹ, căn cứ vào phương án tài chính được chủ đầu tư lập, có lấy ý kiến các cơ quan, HĐND địa phương, Đoàn đại biểu Quốc hội. Năm 2013 quốc lộ 1 xuống cấp và ùn tắc nên Bộ Giao thông lập dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Cai Lậy và cải tạo quốc lộ 1 qua thị xã này. Hạng mục tăng cường mặt đường quốc lộ 1 được nâng cấp "đúng nghĩa là thảm mặt đường, xây dựng cầu chứ không chỉ vá lại đường". Sau khi cải tạo, người dân được đi đường tốt hơn, không phải chen chúc trên đường đô thị, giảm tai nạn, ùn tắc.

Trước nhiều câu hỏi dồn dập sau đó nhằm làm rõ tại sao Bộ Giao thông không di chuyển trạm thu phí hoặc mua lại dự án, Thứ trưởng Đông cho biết, vị trí đặt trạm nằm trên dự án nên "không có lý do gì phải thay đổi".

"Nếu di chuyển thì phương án tài chính đổ bể. Cứ vì người dân phản đối, phản ứng mà thay đổi vị trí trạm thu phí là không ổn", Thứ trưởng nói và cho hay trong dự án không ai được tất cả mà phải hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Nhà nước không có tiền mới huy động vốn BOT nên việc Nhà nước bỏ tiền ra mua trạm thu phí thì "chắc không có". Hiện Bộ Giao thông đã điều chỉnh giảm phí, trên cơ sở này nhà đầu tư chốt phương án tài chính, mức lãi để không vướng nợ xấu. Năm nay ngân sách nhà nước dành cho giao thông 39.000 tỷ đồng, trong đó phải hoàn trả các năm trước 20.000 tỷ.

Cách tính phí tuyến Cai Lậy khác với cao tốc Trung Lương

Trả lời về việc nhiều lái xe phản ứng do mức phí Cai Lậy cao hơn nhiều so với phí đường cao tốc Trung Lương, trong khi quãng đường ngắn hơn, chất lượng đường cao tốc Trung Lương tốt hơn, ông Đông cho rằng, hai tuyến đường này có 2 phương thức thu phí khác nhau và nguồn vốn đầu tư cũng khác nhau.

Cao tốc Trung Lương sử dụng vốn Ngân sách nhà nước và không giới hạn thời gian bao lâu, trung bình ở mức 1.000 đồng/km. Tuyến này thu theo hình thức thu phí kín, nghĩa là đi đoạn đường ngắn thì thu ít tiền còn đường dài nhiều tiền. Đây là phương pháp hiện đại, đảm bảo công bằng nhất.

Trong khi đó, tuyến tránh Cai Lậy do doanh nghiệp đầu tư nên việc thu phí phải đảm bảo hoàn vốn, nên mức phí đưa ra theo phương án tài chính và phải hài hoà lợi ích các bên.

"Tôi cho rằng có chỗ này chỗ kia chưa đồng thuận của người sử dụng thì sẽ được xử lý. Bộ Giao thông đang rà soát các trạm thu phí trên toàn quốc để điều chỉnh như mức phí phù hợp với phương án tài chính", Thứ trưởng nói.

Sau giảm phí, trạm BOT Cai Lậy kéo dài thu phí 12-14 năm

Trả lời VnExpress về việc thời gian thu phí BOT Cai Lậy kéo dài bao lâu sau khi giảm phí, ông Nguyễn Danh Huy, Phó vụ trưởng Vụ đối tác công tư (PPP), cho biết phương án tài chính của dự án phụ thuộc nhiều yếu tố như lưu lượng xe. Hiện dự án hoạt động chưa ổn định nên chưa có phương án tài chính chính thức. Tuy nhiên ước tính ban đầu có thể kéo dài 12-14 năm thay vì hơn 6 năm như trước. Nếu thu phí cao thì thời gian ngắn hơn, nhà đầu tư không phải trả lãi ngân hàng nhiều, còn kéo dài thì nhà đầu tư và ngân hàng sẽ ảnh hưởng hơn.

Hiện Bộ Giao thông sơ bộ điều chỉnh mức giá, trên cơ sở này nhà đầu tư chốt lại phương án tài chính, mức phí phải khả thi để thu hồi vốn, nhà đầu tư làm việc với tổ chức tín dụng và phải tính toán lại không để nợ xấu. 

Đề cập lý do dự án tuyến tránh Cai Lậy được chỉ định thầu, ông Huy cho biết dự án Cai Lậy lập phương án từ 2009 khi thị xã Cai Lậy ùn tắc nghiêm trọng. Để giảm ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông nên Bộ Giao thông đã xin ý kiến Chính phủ để chỉ định thầu.

Trước giả thiết nếu lái xe tiếp tục trả tiền lẻ để phản đối việc thu phí, nhà chức trách sẽ giải quyết thế nào, ông Đông nói: Bộ sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng trao đổi với Tiền Giang và nhà đầu tư tiếp tục xử lý nếu xảy ra việc này. Tôi mong giải quyết hài hòa, kỳ vọng không xảy ra vấn đề phức tạp. Hiện chưa phát hiện những vi phạm phải xử lý hình sự. 

Ông cho rằng việc lái xe phản đối thu phí trạm BOT Cai Lậy cũng như một vài trạm BOT trước đó sẽ ảnh hưởng xấu đến việc huy động BOT cho hạ tầng, nhất là cao tốc Bắc Nam sắp tới. 

Giai đoạn 2016-2020, Bộ Giao thông chỉ được cấp nguồn vốn đáp ứng 30% nhu cầu phát triển hạ tầng theo chiến lược, 70% còn lại sẽ thu hút vốn tư nhân. Do đó, để xảy ra những sự việc như thế này thì thu hút vốn tư nhân là rất khó. 

"Chủ trương chung là chúng tôi chỉ làm BOT các tuyến đường mới, dù nhà đầu tư có vốn cũng không cho phép làm. Cùng với đó, là xây dựng hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ về đầu tư hình thức công tư", ông Đông nói.

Trạm BOT Cai Lậy nằm trong dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt quốc lộ 1, hoạt động từ ngày 1/8, thời gian thu phí 6 năm 5 tháng. Trạm có 8 làn xe cơ giới, mỗi chiều có một làn thu phí tự động, mức phí mỗi lượt từ 35.000 đến 180.000 đồng. 

Sau một tuần hoạt động, nhiều tài xế dùng tiền lẻ 200, 500, 1.000 đồng khi qua trạm nhằm phản đối cách đặt trạm bất hợp lý. Họ yêu cầu dời trạm thu phí vào tuyến đường tránh, vì đây mới là đường được đầu tư.

Đại diện chủ đầu tư, Công ty TNHH BOT đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang lý giải, phí bảo trì mỗi năm đóng trên đầu xe chỉ đủ để "dặm vá ổ gà". Còn dự án tăng cường mặt đường trên quốc lộ do đơn vị thực hiện, bốc dỡ toàn bộ mặt đường để thảm lại nên chi phí cao hơn. Mức phí ở trạm thu cao hơn cao tốc Trung Lương vì thời gian thu ngắn hơn, chỉ hơn 6 năm so với trên 20 năm.

Đoàn Loan
Báo điện tử Vnexpress
0 Nhận xét