Sự thật về sự trì trệ và khuyết tật trong xã hội Việt Nam (*)

Chúng ta cần nhìn nhận một sự thật rằng sự trì trệ và khuyết tật trong xã hội mấy thập niên qua đã cho thấy các đầu ra như sau:

1. Đi làm công ăn lương, làm thì ít phá thì nhiều, nhưng luôn nghĩ mình CỐNG HIẾN.

2. Mới chỉ ở mức làm đúng nhiệm vụ của mình được giao nhưng chủ thể công việc đã thấy mình tận tâm, đam mê bởi xung quanh là những người kém cõi và tầm thường.

3. Đánh giá người khác tốt (cấp trên và đồng nghiệp) khi người ta thỏa mãn lợi ích bản thân mình chứ không phải vì lợi ích công cộng. Cùng nhau truất hữu của công và phá xã hội.

4. Đấu tranh trong cơ quan là để hạ bệ nhau chứ không phải đấu tranh vì lợi ích công cộng.

5. Tham gia phá xã hội và kiếm được nhiều tiền thì tạo vỏ bọc hoặc thể hiện ta đây hữu ích bằng một hoạt động gọi là từ thiện.

6. Nhờ facebook, chúng ta thấy được một loại "trọc phú có chữ". Loại này thậm nguy hiểm cho xã hội bởi họ biết dẫn dắt một đám đông nhất định. Họ ngộ nhận họ là tinh hoa dẫn dắt xã hội và đám đông yếu trí và nhược khí cũng xem họ là tinh hoa. Đám trọc phú có chữ này sẵn sàng tiếp tay cho tham nhũng để trục lợi và sẵn sàng chửi cơ chế để chứng minh rằng ta không phá xã hội. Loại trọc phú có chữ này sẵn sàng tìm diệt, ném đá sau lưng những người có lòng với xã hội.

7. Một số có bằng cấp tốt nhờ kiếm được học bổng hay bằng đẹp trong nước nhưng chẳng có sản phẩm gì ra hồn và sẵn sàng phá xã hội để kiếm ăn. Các cụm từ quyết định ký trên bụng, hàng xách tay, điếm việc, điếm chức, điếm danh xuất hiện khá nhiều nơi.

8. Khắp nơi ngập ngụa rượu chè. Đám cướp được thì ham hố những chai rượu mà giá của nó mua được cả tấn gạo cho người nghèo. Tầng lớp bình dân thì cứ có rượu đổ vào mồm là được chứ không nghĩ đến bệnh tật.

9. "Lời nói thật thì bị buộc tội/Lũ dối lừa thì được tuyên dương/Đạo đức giả trở thành dịch tả/Lòng tốt lơ ngơ có thể lạc đường".

9 đầu ra nêu trên đã đủ cho thấy tại sao xã hội ngày càng nhiều biến động. Người thất nghiệp sẽ ngày càng nhiều. Tương lai xã hội đầy u ám.

Liệu bao nhiêu trong số tầng lớp trung lưu thấy mình cần hành động tối đa để tạo ra những sự thay đổi và ngăn chặn những hiểm họa cho đất nước trong thời gian tới?


Bài viết của anh Nguyễn Quang Sạch
Người sáng lập chương trình Sách Hóa Nông Thôn

(*) Tiêu đề bài viết được Cao Trung Hiếu đặt
0 Nhận xét