[Nước mắm asen] Phải trả lại tên cho nước mắm!

Phải trả lại tên cho nước mắm!
TTO - Việc Bộ Y tế chính thức công bố 100% mẫu nước mắm được kiểm tra không phát hiện hàm lượng arsen vô cơ vượt ngưỡng đã góp phần “giải oan” cho nước mắm truyền thống, sau những thông tin gây mập mờ của Vinastas khiến nước mắm truyền thống lao đao.
Một hãng sản xuất nước mắm truyền thống tại Phú Quốc - Ảnh: HỮU KHOA
Ông Huỳnh Quang Hưng, phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang), cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ liên quan đến “khủng hoảng truyền thông nước mắm chứa arsen” thời gian qua.

Ông Hưng nói: Chỉ riêng tại Phú Quốc hiện có hơn 50.000 lao động làm nghề khai thác thủy hải sản, trong đó chủ yếu là khai thác cá cơm cung cấp nguyên liệu cho sản xuất nước mắm.

Nếu không được “giải oan” kịp thời, người tiêu dùng quay lưng với nước mắm truyền thống sẽ là một tai họa cho cả chuỗi các hoạt động trong ngành sản xuất nước mắm tại Phú Quốc nói riêng và cả nước nói chung.

* Ngành nước mắm Phú Quốc đã bị ảnh hưởng như thế nào sau thông tin sai lệch do Vinastas công bố, thưa ông?

- Tại thị trường trong nước, như dư luận phản ánh, không chỉ người tiêu dùng hoang mang và e dè với nước mắm truyền thống sau thông tin của Vinastas, mà ngay cả các hệ thống bán lẻ, các đại lý cũng tìm cách từ chối nhận hàng hoặc gây khó dễ cho nhà cung cấp nước mắm truyền thống, trong đó có nước mắm Phú Quốc.

Đặc biệt, thị trường xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng. Sản phẩm nước mắm Phú Quốc đã được Liên minh châu Âu (EU) - một thị trường rất khó tính - công nhận chỉ dẫn địa lý, đã xuất khẩu sang nhiều thị trường, trong đó có EU, châu Á...

Thế nhưng sau khi thông tin được Vinastas công bố, cơ quan chức năng của EU đã có công văn yêu cầu Hội Nước mắm Phú Quốc báo cáo giải trình.

Như vậy, không chỉ gây thiệt hại với người sản xuất nước mắm truyền thống, thông tin của Vinastas còn ảnh hưởng tiêu cực đến ngư dân khai thác hải sản cung cấp nguyên liệu cho ngành nước mắm truyền thống.

Không chỉ địa phương có nghề sản xuất nước mắm mà thương hiệu nước mắm VN cũng bị ảnh hưởng.

* Dù đã được dư luận xã hội và Bộ Y tế “giải oan”, nhưng các địa phương có nghề nước mắm truyền thống như Phú Quốc sẽ làm những gì để lấy lại sự ủng hộ của người tiêu dùng với nước mắm truyền thống?

- Trước hết, tôi xin khẳng định rằng hàng trăm năm nay, nguyên liệu làm nước mắm vẫn chỉ từ cá tươi và muối, arsen hữu cơ (không độc hại) cũng tồn tại tự nhiên trong cá và nước mắm, nên không có chuyện “có đến 67,33% mẫu nước mắm không đạt chỉ tiêu arsen (thạch tín) - một á kim cực độc...” như Vinastas công bố.

Tuy nhiên, sau các thông tin mập mờ về arsen tổng (arsen hữu cơ và arsen vô cơ) do Vinastas công bố, không ít người tiêu dùng vẫn còn “lăn tăn” với những sản phẩm này.

Do đó, theo tôi, các địa phương có nghề làm nước mắm cũng như các nhà sản xuất nước mắm phải tích cực có những động thái tuyên truyền giải thích cho người tiêu dùng hiểu rõ hơn sản phẩm này.

Đối với Phú Quốc, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Hội Nước mắm Phú Quốc tổ chức các hội thảo, hội nghị khoa học nhằm cung cấp thông tin rõ hơn về nguồn gốc và tác dụng của arsen hữu cơ trong nước mắm để người tiêu dùng yên tâm sử dụng nước mắm truyền thống.

Đặc biệt, chúng tôi cũng sẽ có công văn đề nghị các hệ thống bán lẻ tiếp tục bán các sản phẩm nước mắm truyền thống, trong đó có sản phẩm của Phú Quốc.

* Người tiêu dùng cũng có quyền được biết sản phẩm mình đang sử dụng được chế biến từ các nguyên liệu gì và quy trình chế biến như thế nào, thưa ông?

- Tại Phú Quốc, một sản phẩm nước mắm được dán nhãn chỉ dẫn nước mắm Phú Quốc phải đảm bảo nhiều yếu tố chặt chẽ và theo quy định đã được EU hỗ trợ. Đầu tiên là nguyên liệu làm nước mắm phải là từ cá và muối theo tỉ lệ 7 cá - 3 muối, ủ theo phương thức truyền thống 12 tháng.

Sản phẩm làm ra phải đảm bảo các tiêu chuẩn về dinh dưỡng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm và phải được đóng chai ở Phú Quốc, được ghi rõ trên nhãn hàng hóa.

Qua vụ việc lần này, theo tôi, cơ quan chức năng cần sớm xây dựng bộ quy chuẩn, với những quy định rõ ràng để người tiêu dùng hiểu được đâu là nước mắm sản xuất theo phương pháp truyền thống, đâu là nước mắm làm theo phương pháp công nghiệp và đâu là nước chấm.

Nếu là nước mắm truyền thống phải ghi rõ thành phần, tỉ lệ cá - muối, thời gian ủ chượp. Còn lại, nếu đã được pha loãng, đưa thêm các loại hóa chất khác vào dù là hóa chất được sử dụng trong thực phẩm cũng không được gọi là nước mắm, mà là các loại nước chấm.

Như vậy, chỉ cần nhìn chữ “nước mắm” hay “nước chấm” trên bao bì là người tiêu dùng đã biết được quy trình sản xuất, nguyên liệu và mục đích sử dụng của từng loại, không để có hiện tượng lập lờ giữa nước chấm, nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp như trong thời gian qua.

Cần sớm có 
quy chuẩn mới cho nước mắm
Đó là nội dung được các hiệp hội sản xuất nước mắm, doanh nghiệp và chuyên gia đưa ra tại hội thảo “Trao đổi thông tin sản xuất nước mắm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm” tổ chức ngày 24-10 tại TP.HCM.
Bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho biết các hiệp hội đã thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm giao các bộ ngành liên quan soạn thảo và ban hành quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm nước mắm truyền thống.
Quy chuẩn này sẽ phân biệt rõ nước mắm truyền thống với nước mắm công nghiệp hoặc nước chấm để tránh bị hiểu sai hoặc cố tình làm người tiêu dùng nhầm lẫn.
“Chúng tôi hiểu rằng xã hội phát triển, công nghệ thay đổi là cần thiết nhưng những sản phẩm dùng công nghệ mới phải gọi đúng tên giống như cá hộp khác với cá muối, xúc xích khác với chả lụa” - bà Chi nói.
Kiểm tra hoạt động khảo sát, công bố kết quả của Vinastas
Ngày 24-10, Bộ Công thương đã yêu cầu Cục Quản lý cạnh tranh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về việc chấp hành quy định pháp luật của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas).
Thành phần đoàn kiểm tra bao gồm đại diện Bộ Công thương, Bộ Nội vụ, Bộ Khoa học - công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Công an, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật VN.
Theo đó, đoàn kiểm tra phải làm rõ tính chất, cơ sở pháp lý tiến hành hoạt động khảo sát, công bố kết quả khảo sát của Vinastas, để làm cơ sở xác định mức độ vi phạm pháp luật trong hoạt động khảo sát và công bố kết quả khảo sát của Vinastas (nếu có).
Ngoài ra, phải làm rõ việc nhận tài trợ từ doanh nghiệp hoặc tổ chức kỹ thuật, khoa học của Vinastas trong việc tiến hành các hoạt động khảo sát thời gian vừa qua.
Theo Bộ Công thương, việc lập đoàn kiểm tra liên ngành được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chấp hành các quy định pháp luật trong quá trình đưa thông tin trên báo chí của Vinastas, xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có) để báo cáo Thủ tướng trước ngày 10-11.
T.V.N.

TRẦN MẠNH thực hiện
0 Nhận xét