Hồi còn làm truyền hình Bình Định, anh chị em phóng viên được coi bộ phim "Nghề nguy hiểm" như một tư liệu để giúp nhà báo thêm dũng khí để thực hiện thiên chức của mình. Ngỡ đâu nguy hiểm chỉ xảy ra ở các quốc gia có chiến tranh, xung đột hay có sự lộng hành của các băng đảng mafia... ở góc trời Âu Mỹ nào đó!
Phóng viên báo Tuổi Trẻ bị công an đánh. |
Giờ mới thấy anh em phóng viên nước mình cũng đang làm nghề nguy hiểm thật sự, điều đáng nói là nguy hiểm lại đến từ chính các cơ quan công quyền, thực thi pháp luật! Chẳng lẽ câu thơ cách đây 30 năm của một nhà thơ viết ở cái thời từ bao cấp sang đổi mới vẫn còn ám ảnh đến giờ sao: "Luật pháp như đùa, như có, như không có...". Những phóng viên tác nghiệp ở những điểm nong tham nhũng, tiêu cực bị xúc phạm thân thể, tính mạng, bị tịch thu phương tiện, thậm chí đăng bài rồi phải gỡ bỏ, dù cho sự thật cuối cùng vẫn không thể che đậy! Vụ Formosa nếu không có nhà báo vào cuộc, liệu có tạo được dư luận mạnh mẽ lên án sự tàn phá môi trường? Cuộc chiến chống cái xấu, cái ác cần có sự chung tay, góp sức của nhiều phía: pháp luật, công luận... nhằm đem lại cuộc sống an bình. Vậy mà, các cơ quan bảo vệ pháp luật đang làm gì?
Không phủ nhận rằng trong làng báo cũng có những con sâu làm rầu nồi canh, trong các cơ quan công quyền còn những kẻ lạm dụng quyền lực, nhưng trong một xã hội lấy phương châm "mọi người sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật" thì liệu đã công bằng chưa khi những kẻ lạm quyền thì nhởn nhơ, còn những ai đụng đến họ thì hoặc bị đem ra xét xử, hoặc bị làm khó dễ như vụ cô gái tát CSGT, vụ Bình Chánh... Nhà báo thắc thỏm lo ngại cho tính mạng của mình bị đe dọa: "Hôm nay đánh nhà báo, ngày mai đánh ai?".
Dẫu sao, cũng mong nhà báo chân chính hãy không vì thế mà chùn bước, bởi khi vào nghề họ đã xác định nghề báo là nghề nguy hiểm, nên hãy cứ dấn thân với nghiệp của mình! (Tất nhiên phải đối mặt hiểm nguy để góp phần tiếng nói tích cực của mình xây dựng xã hội, chứ không phải nguy hiểm ngụy tạo như cái cô làm Kí sự tận đẩu tận đâu!)
Chợt nhớ "Nhật ký nữ phóng viên chiến trường" của nhà báo - nhà thơ Lệ Thu viết trong thời chiến tranh, và giờ đây các nhà báo thời bình cũng đang ở một cuộc chiến với sứ mạng phục vụ nhân dân. Đứng về phía người dân, nói tiêng nói chinh trực, chăc chắn các bạn sẽ không đơn độc!
Bài viết của thầy Trần Hà Nam