TIẾNG CÒI TÂM

TIẾNG CÒI TÂM.

1- Buổi chiều giờ tan tầm, không khí thành phố vẫn chưa dịu bớt cơn oi ả. Một chiếc xe hơi màu đen 5 chỗ ngồi, biển số 77A 023-... bấm còi liên tục khi ngang qua Bệnh viện đa khoa, như góp phần làm tăng thêm nhiệt độ oi nồng.

Bệnh viện - mà tên gọi khác (trước 1975) là Nhà thương. Chữ "thương" trong "Tình thương", trong "Thương người như thể thương thân"... Khi đi gần đến Nhà thương, bất kỳ Nhà thương nào và ở đâu, ta luôn luôn gặp biển báo "cấm còi" do ngành Giao thông công chánh sắp đặt, áp dụng cho cả còi điện của xe 2 bánh, mà ta thường quen gọi là xe honda.

2- Cách đây nửa thế kỷ, năm học lớp nhì (lớp bốn bây giờ), thầy giáo truyền đạt rằng: Khi khách đến nhà, các em chưa biết xưng hô thế nào cho phải, vậy hãy tập phán đoán nhé. Nếu người khách đó "có vẻ" nhỏ hơn ba mình thì các em "Thưa chú"; nếu vị khách "có vẻ" lớn hơn bố mình thì em nên "Thưa bác"...

3- Lên lớp nhứt, lớp cuối bậc tiểu học, thầy giảng: Khi các con đi trên đường, gặp phía ngược chiều có xe tang chạy lại, các con hãy dừng bước, ngả mũ. Khi lớn lên các con có đi xe gắn máy thì tự nhiên cũng sẽ nhớ mà dừng lại, và hãy ngả mũ. Xem như đó là nghĩa cử cuối cùng của người ở lại, tiễn đưa người quá cố về phía bên kia bầu trời xanh.

4- Có một điều lạ, chiếc xe màu đen lại chạy vào cổng Bệnh viện, rồi đậu ở khu vực gửi xe. Có lẽ vị chủ nhân ông đi thăm người thân đang nằm viện... Bệnh nhân tim, người già hay trẻ sơ sinh trong bệnh viện này dường như "lì" hơn người bệnh xưa nên xe con, xe tải, còi hơi xe buýt thi nhau bóp quanh năm thì cũng chẳng nhằm nhò gì. Não của họ được trui từ sắt, còn màng nhĩ là một miếng thép đã tôi.

5- Như tiếng chuông ngân, ta vẫn nhớ lời thầy vọng lại, vẫn còn giữ thói quen "ngả mũ" ấy cho đến những năm 2003-2005, khi chiếc "nồi cơm điện" ra đời, bắt buộc ta phải đội khi tham gia giao thông. Nếu dừng lại và ngả mũ - hình ảnh này từ lâu không còn nhìn thấy nữa - có khi người ta bảo mình vừa đến từ hành tinh xa xôi.

6- Quan sát thế hệ con cháu, thế hệ 8x, 9x và cả...10x, 11x nữa, ta thấy hầu hết: Cả khi biết chắc bố mình nhỏ hơn vị khách này nhiều tuổi nhưng các cháu vẫn đồng loạt "Chào chú". Dường như nhỏ lớn đều một cách "chào chú", theo kiểu "Chào chú bộ đội" hoặc "Còi to cho vượt"... cho tiện trong giao tiếp, hành xử.

7- Chúng ta bỏ qua khả năng nhìn nhận, quan trắc rồi đi đến dự cảm, từ đời sống quanh đây. Đã bỏ qua, "một tiếng còi tâm".

Bài viết của anh Hoàng Trần

0 Nhận xét