[Báo Thanh Niên] Nghịch cảnh năng suất lao động và bia rượu

Thoạt nhìn cứ ngỡ năng suất lao động thấp và chức vô địch uống bia của người Việt là cặp đôi quan hệ nhân quả, nhưng theo tôi không phải vậy.
 
Nghịch cảnh năng suất lao động và bia rượu - ảnh 1

VN hiện là quốc gia dẫn đầu ASEAN về tiêu thụ bia - Ảnh: Ngọc Thắng

Chắc không ít người từng nghe vài câu chuyện có vẻ là lạ tại một số thị trường lao động bán khai.

Khi các công ty Việt Nam làm đường giao thông bên Lào, ở những nơi hẻo lánh, cứ sau mỗi đợt trả lương, người lao động tuyển tại chỗ đều nghỉ vơi hơn nửa. Lý do là họ cần tìm cách tiêu hết số tiền vừa lãnh, uống rượu chẳng hạn, trước khi cân nhắc có tiếp tục bán sức hay không. Ở Papua New Guinea, chính tôi cũng đã chứng kiến tình trạng tương tự, cách đây hơn 20 năm, trên các công trường khai thác rừng già. Người lao động là các thổ dân da đen mù chữ, nghiện trầu, còn sử dụng đèn dầu và rất mê chất cồn.

Từ chuyện này, tôi có thể hình dung các bạn Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan… cũng sẽ vừa buồn cười vừa thấy…ngán khi nhìn vào năng suất lao động của người Việt Nam, như bài viết “Uống bia nhất bảng, làm việc chót bảng” đăng trên báo Thanh Niên ngày 29.9: “Năng suất lao động của VN theo công bố của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) hiện đang ở mức thấp so với các nước ASEAN - 6 (các nước phát triển hơn trong ASEAN) và ở vị trí chót bảng so với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ bằng 1/5 lao động Malaysia, 2/5 Thái Lan và 1/15 Singapore”.(1)

Hơn thế, liên kết năng suất lao động thấp và chức vô địch về uống rượu bia trong khu vực, như cách bài báo trên đã làm, nhiều khả năng sẽ đưa câu chuyện ngộ nghĩnh gây cười này lên đẳng cấp quốc tế.

Thoạt nhìn cứ ngỡ năng suất lao động thấp và chức vô địch uống bia của người Việt là cặp đôi quan hệ nhân quả, nhưng theo tôi không phải vậy. Nó thể hiện tập tính sống xuất phát từ nền văn minh nông nghiệp lạc hậu của người người Việt. Tiếc thay, tập tính đó vẫn tồn tại và ràng buộc những người Việt của thời kỳ hiện đại.

1.Uống bia rượu nhiều là chỉ dấu của sự thỏa mãn dễ dãi, ham mê hưởng thụ tức thời, hời hợt và nông cạn.

Một ngày công lao động phổ thông đơn giản như phụ hồ hiện nay ở TP.HCM khoảng 200 ngàn đồng, có thể trang trải hai bữa nhậu vỉa hè cho vài người, xung quanh một nồi lẩu be bé. Không hiếm những trang nam nhi vai u thịt bắp, bỏ ruộng đồng đến nơi đô hội, sắm những chiếc xe ba bánh không được phép lưu hành để đi bán bong bóng, ngô nướng, rau quả… Qua tìm hiểu, tôi được biết họ sợ kỷ luật trong môi trường lao động chuyên nghiệp. Họ không thích gò bó. Họ cảm thấy nhức đầu khi phải suy nghĩ nhiều. Ngày ba bữa, sống chui rúc trong những khu ổ chuột chật chội, tối có chút rượu hoặc chai bia rẻ tiền tán dóc với bạn bè. Với họ thế là đủ, là hạnh phúc, là thiên đường.  

2.Năng suất lao động thấp là do các tập tính văn hóa không còn hợp thời níu kéo và cản trở.

Theo một thông tin trên báo chí, có nhà đầu tư Đài Loan cho rằng năng suất lao động ở Việt Nam có thể nâng cao, với điều kiện có cơ chế quản lý phù hợp, nghiêm minh, đưa lao động vào khuôn khổ, không bừa bãi. Nói gọn lại đó là kỷ luật và chuyên nghiệp. Đa số người lao động Việt Nam xuất thân từ nông dân, hoặc sống trong môi trường văn hóa nông nghiệp, dù đã ở thành thị nhiều năm. Kỷ luật và chuyên nghiệp là sự khiếm khuyết trầm kha.

Tóm lại, năng suất lao động thấp và lạm dụng chất cồn dù không có quan hệ nhân quả rõ rệt với nhau, nhưng đều là trái đắng trên gốc cây văn hóa Việt Nam. Rõ ràng nó là vấn nạn lớn, cản trở con đường tiến lên của đất nước. Rất cần có những nghiên cứu hàn lâm sâu sắc làm xương sống cho các chính sách xã hội phù hợp, nhằm thoát khỏi nghịch cảnh.

Trương Thái Du (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà văn tự do sống tại Nhơn Trạch - Đồng Nai.
0 Nhận xét