(Người Lao Động) Nguy cơ làm thuê cho ông chủ ngoại

(NLĐ) Khi hội nhập sâu rộng, nếu Việt Nam không có những doanh nghiệp lớn dẫn dắt thị trường sẽ có nguy cơ phải làm thuê cho các ông chủ nước ngoài ngay trên sân nhà.
Tại hội thảo “Kịch bản kinh tế Việt Nam 2015: Hội nhập sâu rộng, cạnh tranh khốc liệt” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 22-1, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen, cho rằng việc tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ đem lại lợi thế rất lớn cho Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không vực dậy được khối doanh nghiệp (DN) dân doanh và có những DN đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế, cộng đồng DN trong nước sẽ phải làm thuê trên sân nhà cho các ông chủ đến từ Thái Lan, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan…

Lép vế trên sân nhà

Theo ông Lê Phước Vũ, trong 5 năm khủng hoảng kinh tế, Tôn Hoa Sen vẫn tăng trưởng 100% mỗi năm, doanh thu năm 2009 chỉ hơn 3.000 tỉ đồng đã tăng lên hơn 15.000 tỉ đồng trong năm 2014. Tăng trưởng là vậy nhưng ông cảm thấy rất lo bởi hiện nay, những DN lớn chủ yếu có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và DN nhà nước ở một số ngành, còn DN dân doanh quy mô rất nhỏ.

Mới đây, nhiều tỉ phú Thái Lan muốn thâu tóm các chuỗi bán lẻ trong nước và nếu không khéo, hàng Việt trong tương lai không thể chen chân vào các hệ thống siêu thị này.  “Không vào được siêu thị trong nước thì đừng bao giờ nói đến chuyện xuất khẩu” - ông Vũ nói.

Thị trường bán lẻ đang chứng kiến sự đổ bộ ồ ạt của nhà đầu tư nước ngoài Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Lấy ví dụ ngành thép, ông chủ Tôn Hoa Sen cho rằng ngành thép trong nước hiện chỉ nổi lên vài thương hiệu như Hòa Phát, Hoa Sen hay Pomina. Tuy nhiên, quy mô, doanh số các DN này cộng lại không là gì so với dự án Formosa của Đài Loan ở Hà Tĩnh có vốn đầu tư hơn 20 tỉ USD hay dự án Posco của Hàn Quốc ở Bà Rịa - Vũng Tàu… Khoảng trống cơ hội còn lại cho những DN Việt dẫn đầu ngành thép không còn nên việc phải bán cổ phần cho DN nước ngoài như Nguyễn Kim bán 49% cổ phần cho tỉ phú Thái Lan không còn xa.

Chuyên gia đến từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Dominic Mellor, cũng cho rằng DN tư nhân là động lực chính cho phát triển kinh tế Việt Nam. Khối DN vừa và nhỏ chiếm đến 97% tổng số DN cả nước nhưng quy mô lại thua xa các nước trong khu vực.

Cả nước hiện có khoảng 500.000 DN đang hoạt động nhưng có đến 70% DN không có khả năng nộp thuế thu nhập DN, khu vực kinh tế tư nhân cũng đang gặp khó khăn. Lúc này, cần khuyến khích thúc đẩy kinh tế tư nhân là một trong những động lực chủ yếu để phát triển kinh tế.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Quốc hội đã ban hành một loạt luật, tạo điều kiện thuận lợi cho DN nói chung và cộng đồng DN vừa và nhỏ nói riêng.

Hàng lậu đang “giết” hàng Việt

TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, cho biết khi nói chuyện với DN, họ chia sẻ chỉ cần nhà nước hỗ trợ để chính sách vĩ mô ổn định, hệ thống pháp luật thông thoáng, bình đẳng và một nền hành chính phục vụ chứ không hẳn cần ưu đãi về thuế, đất đai… nhưng rất tiếc những yếu tố trên đều không làm tốt trong thời gian qua.

Cũng theo ông Lịch, hiện thị trường đang diễn ra quá trình tái cấu trúc nghiệt ngã và loại bỏ dần những DN “không còn thuốc chữa”. Hai nhóm còn lại là những DN sống tốt trong khủng hoảng và nhóm DN chòi đạp, chống đỡ vất vả để tồn tại, rất cần chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Xuân Nghĩa lại cho rằng trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng và các hàng rào thuế quan dần về bằng 0% đang khiến DN trong nước đứng trước “bão tố”. Và một nguy cơ lớn là không chống chọi nổi với hàng lậu, gian lận thương mại. Trong lần đi khảo sát một chợ rất nhỏ ở thị xã Lào Cai, chỉ có 29 bàn đổi tiền (tiền đồng và nhân dân tệ) mà một năm đổi tới 30.000 tỉ đồng, bằng cả gói hỗ trợ nhà ở của Chính phủ.

“Họ nói bọn em chỉ là “con tép”; thị trường Lạng Sơn, Móng Cái và thị trường phía Nam mới là “con tôm”. Rõ ràng, hàng gian lận thương mại từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam rất khủng khiếp. Bản thân tôi khi vào các kho chứa hàng buôn lậu không thể phân biệt đâu là hàng thật - giả” - ông Nghĩa nói.

Tất cả hàng lậu đều gắn nhãn mác sản xuất ở Việt Nam nhưng thực chất là sản xuất ở Trung Quốc. Ngay như Công ty May Việt Tiến vừa cho ra đời mẫu áo sơ mi mới, ngay lập tức trên thị trường có mẫu áo Việt Tiến từ Trung Quốc với giá rẻ hơn 1/3. “Nếu không ngăn được hàng lậu, DN Việt không cách nào cạnh tranh nổi” - ông Nghĩa lo ngại.

Phải giảm lãi suất trung - dài hạn
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Ngân hàng Nhà nước đưa ra mục tiêu giảm lãi suất trung- dài hạn về quanh 10%/năm để hỗ trợ DN là tốt nhưng việc giảm lãi suất đang phụ thuộc vào giá dầu và cung tiền của cơ quan này.
Tuy nhiên, mục tiêu giảm lãi suất cho vay khó đạt khi trái phiếu Chính phủ phát hành ngày càng nhiều. Nếu trái phiếu Chính phủ tiếp tục phát hành nhiều như hiện nay, cuối năm 2015 có thể hình thành một mặt bằng lãi suất mới cao hơn khi lạm phát vượt mức 5%. Khi đó, các DN đang “ngoi ngóp dưới mặt nước” sẽ gặp tình huống lãi suất tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh.

Thái Phương
0 Nhận xét