[Báo Thanh Niên] Thủ khoa không kiếm được việc, lỗi ở đâu?

Tốt nghiệp ĐH loại khá, giỏi, thậm chí xuất sắc nhưng vẫn không tìm được việc, phải làm những công việc tay chân hoặc ở nhà... nuôi heo như trường hợp của Bùi Thị Hà (tỉnh Hà Giang) một lần nữa khiến dư luận dậy sóng. Nguyên nhân của thực trạng này xuất phát từ đâu?

Bùi Thị Hà trong ngày được TP.Hà Nội vinh danh là một trong 100 thủ khoa xuất sắc
tốt nghiệp các trường ĐH của thủ đô

Điểm cao: chưa đủ

Bùi Thị Hà tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 đến nay đã hơn một năm, vẫn đang ở nhà chờ việc. Hà được TP.Hà Nội vinh danh là một trong 100 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường ĐH, học viện của thủ đô. Mong muốn được trở về Hà Giang làm cô giáo dạy văn, nhưng hơn một năm qua Hà chấp nhận ở nhà nuôi heo, làm vườn, bán trái cây thuê phụ ba mẹ để chờ đợi do thời gian qua tỉnh chưa có chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên.

Cũng có nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nhưng không kiếm được việc làm như Hà. Lê Văn Ngọ là thủ khoa đầu ra Trường ĐH Giao thông vận tải (GTVT) năm 2013 nhưng không tìm được việc, phải làm nhiều công việc tay chân như phát tờ rơi, bồi bàn, trông xe, cửu vạn… với mức lương chỉ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Sau khi biết được câu chuyện trên, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã đồng ý nhận Ngọ vào làm việc tại Viện Khoa học - Công nghệ GTVT.

Trường hợp của Chu Thị Yến, thủ khoa đầu vào lẫn đầu ra của Trường ĐH GTVT năm 2015 cũng từng khiến dư luận xôn xao. Yến được vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vì thành tích học tập xuất sắc. Thế nhưng thời gian đầu Yến làm một công việc không đúng chuyên môn. Sau khi rải hồ sơ ở nhiều công ty, 3 tháng vẫn không thấy đơn vị nào gọi điện phỏng vấn, Yến trở về quê Bắc Giang để phụ việc cho mẹ.

Một trường hợp khác là V.X (ở Lâm Đồng), tốt nghiệp loại giỏi ngành công nghệ thực phẩm Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cách đây 2 năm nhưng không kiếm được việc vì thiếu kỹ năng. V.X được 7 công ty lớn gọi phỏng vấn, nhưng khi nhà tuyển dụng hỏi, X. lúng túng, không thể hiện được khả năng nên bị rớt. X. chỉ có điểm cao về học tập nhưng lại thiếu nhiều kỹ năng cần thiết khác mà nhà tuyển dụng cần nên không tìm được việc làm.

Lý giải về trường hợp của thủ khoa Bùi Thị Hà, ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, cho biết: “Qua hồ sơ chúng tôi biết Hà học rất giỏi, hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn. Tuy nhiên, vấn đề tuyển công chức chúng tôi vẫn phải tuân thủ các nghị định của Chính phủ và thông tư của Bộ Nội vụ. Dù Hà là thủ khoa thì vẫn phải trải qua một kỳ thi tuyển để chứng minh năng lực thực tế của mình”. Ông Sử cũng thông tin trong tháng 10 này, tỉnh sẽ có đợt thi tuyển và Hà có thể tham gia dự tuyển để trở thành giáo viên dạy văn tại quê nhà như mong ước.

"Thủ khoa không phải là yếu tố quyết định để tuyển dụng, mà chỉ là một thông số kỹ thuật nhà tuyển dụng lưu tâm".
Cao Trung Hiếu - Sáng lập và điều hành Công ty phần mềm Dân Trí Soft

Ông Nguyễn Mạnh Huấn, giảng viên Trường CĐ Sư phạm Hà Giang, cũng cho hay: “Có những bộ môn thừa, có bộ môn thiếu và vùng sâu thì thiếu giáo viên nhiều hơn. Nhưng giáo viên văn ở bậc trung học lại thừa nhiều. Vì vậy, phải đợi có biên chế. Chúng ta không thể cho một ai đó đang dạy lâu năm nghỉ việc để nhận một người mới vào. Hơn nữa, không phải cứ tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc là trở thành giáo viên giỏi nên vẫn phải tham gia kỳ thi tuyển”.

Năng động, tư duy mở không lo thất nghiệp

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Cao Trung Hiếu, sáng lập và điều hành Công ty phần mềm Dân Trí Soft, cho biết: “Thủ khoa không phải là yếu tố quyết định để tuyển dụng, mà chỉ là một thông số kỹ thuật nhà tuyển dụng lưu tâm. Quyết định tuyển dụng một nhân sự là ở sự phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp (DN) mà DN thì không cần đến cái bằng thủ khoa. Sự phù hợp gồm 3 nhân tố chính là thái độ, kiến thức và kỹ năng với công việc”.

Ông Hiếu lý giải, chuyện thủ khoa chấp nhận ở nhà nuôi heo chờ việc, xuất phát từ tư duy nhỏ như Hà chia sẻ là “chỉ muốn trở thành cô giáo phục vụ quê hương Hà Giang”. “Tài năng của một thủ khoa cần được mang ra để cống hiến cho xã hội. Các bạn hãy thay đổi ngay tư duy ấy để tìm đến mảnh đất nào cần mình, cần năng lực của mình”, ông Hiếu khuyên.

Bên cạnh đó, tiến sĩ toán học Lê Thống Nhất, Tổng giám đốc sáng lập BigSchool, nhìn nhận: “Nhiều sinh viên tốt nghiệp vẫn câu nệ mình phải là công chức, viên chức nhà nước nên không quan tâm tới thông tin tuyển dụng của các đơn vị ngoài nhà nước”.

Theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, nuôi heo, chạy xe ôm… đều là những công việc đáng trân trọng. Bạn trẻ tốt nghiệp nên năng động và thích ứng nhanh để có thể dùng những kiến thức đã học suốt 4 năm ĐH cống hiến cho xã hội. “Cũng nên có cách nghĩ khác, dù là trường công hay trường tư, cơ quan nhà nước hay tư nhân, miễn là có được cơ hội việc làm thì bạn trẻ nên tận dụng và làm hết sức mình, không nên chờ đợi lãng phí”, ông Vinh nêu quan điểm.

Nếu đợi lâu quá sẽ xuống Hà Nội làm việcHiện có nhiều trường học, cơ sở giáo dục tại Hà Nội mời Bùi Thị Hà về làm việc. Tuy nhiên Hà đang băn khoăn vì vẫn muốn được làm việc tại Hà Giang. Bà Nguyễn Thị Lượt, mẹ của Hà, cho biết: “Hơn một năm nay, Hà phụ mẹ nuôi đàn lợn khoảng chục con và làm vườn, đi bán hoa quả thuê. Buổi tối, Hà đi dạy thêm cho học sinh, mỗi tháng cũng được 3 triệu đồng. Chúng tôi cũng nghe nói trong tháng 10 này có đợt thi tuyển. Nếu như không chắc, cháu phải xuống Hà Nội làm việc chứ không thể chờ đợi thêm nữa”. Còn Hà thì cho rằng muốn được dạy ở tỉnh nhà để được gần mẹ.

Mỹ Quyên
Báo Thanh Niên

 

Bài viết gốc gửi báo Thanh Niên

Góc nhìn cá nhân

1. Thủ khoa có phải là yếu tố quyết định để được tuyển dụng?

Với góc nhìn là một doanh nghiệp tư nhân, tôi khẳng định thủ khoa không phải là yếu tố quyết định để tuyển dụng, thủ khoa chỉ là một thông số kỹ thuật mà nhà tuyển dụng lưu tâm. Quyết định tuyển dụng một nhân sự là ở sự phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp mà doanh nghiệp thì không cần đến cái bằng thủ khoa. Sự phù hợp gồm 3 nhân tố chính đó là thái độ, kiến thức và kỹ năng của nhân sự đó với công việc.

2. Thủ khoa có phải là yếu tố quyết định sự thành công trong công việc?

Thành công trong công việc là một chuỗi nỗ lực liên tục, phát triển cá nhân liên tục, đó phải là tập hợp của một thái độ tốt, kiến thức vững vàng và kỹ năng thuần thục. Danh hiệu thủ khoa mới phản ánh việc học tập tốt, thi cử tốt, kết quả cao, còn khả năng làm việc thì cần môi trường công việc thực tế để chứng minh. Một người đạt danh hiệu thủ khoa sẽ có nền tảng kiến thức tốt cho công việc nhưng nó không quyết định cho việc thành công mai sau nếu người ấy chưa có định hướng cuộc đời rõ ràng với một thái độ tích cực.

3. Nếu có một thủ khoa đi xin việc tại Dân Trí Soft, Hiếu có nhận vào làm ngay không? Hay phải xem xét các yếu tố nào nữa?

Các thông tin tuyển dụng của Dân Trí Soft đều ghi rõ “không yêu cầu bằng cấp, chỉ yêu cầu hiệu quả công việc”, vì vậy câu trả lời của tôi là KHÔNG. Dân Trí Soft cần xem xét đến nhiều yếu tố để xác định giữa nhu cầu của công ty và khả năng của ứng viên có phù hợp với nhau hay không để từ đó có quyết định tuyển dụng.

4. Với Trường hợp Bùi Thị Hà, Hiếu có lời khuyên gì?

Với trường hợp em Bùi Thị Hà, thủ khoa xuất sắc Đại học Sư phạm Hà Nội 2 hơn một năm qua thất nghiệp, ước mơ làm cô giáo ở tỉnh Hà Giang vẫn chưa thành, hiện em ở nhà nuôi lợn, buôn bán và chờ đợi ước mơ thành cô giáo đang khiến dư luận quan tâm, đặc biệt là tâm thư em gửi đến bí thư tỉnh, tôi thấy vừa giận cho em, vừa thương về sự ngây thơ vô bờ bến và vừa đau lòng khi ý thức hệ của một lớp trẻ tài năng nhưng không thoát ra được cái tư duy ao làng xin cho.

Nếu có lời khuyên tôi có đôi dòng nhắn gửi.

Em rất trẻ, là người tài năng, là tinh hoa của một thế hệ đấy, tôi vô cùng khâm phục về nghị lực và thành tích học tập của em nhưng việc thất nghiệp hơn một năm qua, theo tôi là ở ngay cái tư duy nhỏ của em là “chỉ muốn trở thành cô giáo phục vụ quê hương tỉnh Hà Giang”. Tài năng của em cần cống hiến cho xã hội, đừng có lãng phí nữa, em hãy thay đổi ngay tư duy ấy để tìm đến mảnh đất nào cần em, cần năng lực của em, đừng cứ phải là tỉnh Hà Giang, hãy thoát ra khỏi cái vùng an toàn nhưng vô cùng mất an toàn ấy, vì thật sự tỉnh nhà đâu có cần em trong suốt năm qua. Và hơn hết, em hãy hành động quyết liệt như chính cái cách em dám viết thư gửi đến bí thư tỉnh Hà Giang, nhưng cần có một tâm thế vững vàng, tự tin với năng lực của mình. Anh tin em sẽ tìm được nơi để cống hiến và yêu thương.

0 Nhận xét