Luật sư Trần Đình Dũng: về quyền đồng ý hay từ chối tiêm vắc xin Trung Quốc

Công dân có toàn quyền lựa chọn đồng ý hay từ chối tiêm vào cơ thể vaccine Trung Quốc.

Một số loại vaccine covid-19

Luật phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm 2007 qui định mọi công dân đều phải có nghĩa vụ tuân thủ phòng và chống dịch bệnh truyền nhiễm. Tại Khoản 2 Điều 27 qui định “Vắc xin, sinh phẩm y tế được sử dụng theo hình thức tự nguyện hoặc bắt buộc”.

Tại Điểm a Khoản 2 Điều 9 Nghị định 117/2020/NĐ-CP qui định xử phạt hành chính (từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng) đối với hành vi “không sử dụng vaccine”.

Nhiều người băn khoăn về việc “từ chối có sao không” thì tôi đã giải thích trong một số trường hợp nhằm phòng bệnh dịch lây lan trong cộng đồng, Nhà nước có quyền buộc công dân tiêm vaccine.

Tuy vậy, việc buộc tiêm chích vaccine trong một số trường hợp mà luật qui định như đã dẫn ở trên (Luật phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm 2007 và Nghị định 117/2020/NĐ-CP), chúng ta đặc biệt lưu ý một điều rằng, luật không hề buộc công dân phải tiêm chích loại A, loại B nào cụ thể.

Đối chiếu với băn khoăn của rất nhiều người hiện nay tại TP Hồ Chí Minh về việc có bị buộc chích loại Sinopharm có nguồn gốc từ Trung Quốc mà một đơn vị mới tiếp nhận 01 triệu liều trong số 05 triệu liều đã đặt hàng. Chúng ta phải nhận định hai vấn đề hiện nay như sau: 

Thức nhất, WHO (tổ chức Y tế thế giới của LHQ) đã phê duyệt sử dụng nhiều loại vaccine phòng Covid-19 chứ không phải chỉ phê duyệt duy nhất Sinopharm có nguồn gốc từ Trung Quốc; 

Thứ hai, hiện Việt Nam ta đã nhập về và lưu hành nhiều loại vaccine khác nữa tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành (AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson).

Như vậy, trong điều kiện có nhiều loại vaccine hiện có hoặc sẽ có trong thời gian tới tại Việt Nam, cũng như WHO đã phê duyệt nhiều loại, thì rõ rằng không có căn cứ nào để buộc công dân phải tiêm cụ thể loại này hay loại kia.

Quyền đưa dược chất vào cơ thể mình hay từ chối khi không tin tưởng vào dược chất đó (trừ trường hợp họ bị Toà án tuyên buộc có hiệu lực phải đưa thuốc vào cơ thể họ), là quyền đã được Hiến pháp bảo hộ trong quyền về thân thể và sức khoẻ. Điều 20 Hiến pháp năm 2013 đã nêu rõ “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Quyền về thân thể và sức khoẻ, cũng được luật định tại Điều 33 Bộ luật dân sự năm 2015 “Cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe”.

Căn cứ vào các quyền về thân thể, sức khoẻ mà Hiến pháp và pháp luật đã định, công dân hoàn toàn có quyền lựa chọn chủng loại dược chất để đưa vào cơ thể mình, miễn sao dược chất đó có công dụng theo qui tắc phòng dịch.

Khi có nhiều loại vaccine có cùng công dụng phòng ngừa Covid-19 đã được WHO phê duyệt, cơ quan Nhà nước không thể ép buộc công dân phải tiêm loại này hay loại kia mặc dù đang trong hoàn cảnh khẩn cấp phòng dịch, như nhiều người đang băn khoăn. Nếu ép buộc phải tiêm loại vaccine nào đó cụ thể thì vừa trái qui định pháp luật và xâm phạm quyền hiến định của công dân về thân thể, sức khoẻ, đồng thời không phù hợp với Luật phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm 2007 cùng các văn bản hướng dẫn, bởi đang có nhiều vaccine cùng tác dụng phòng dịch Covid-19 hiện nay.

Cho nên, trong điều kiện WHO đã phê duyệt nhiều loại vaccine như hiện nay, công dân có toàn quyền lựa chọn đồng ý hay từ chối tiêm vào cơ thể mình vaccine có nguồn gốc sản xuất từ Trung Quốc.

Luật sư Trần Đình Dũng

Hãy giữ cho mình quyền lựa chọn sinh tử
0 Nhận xét