8 thói quen đơn giản để bảo mật tài khoản online (Facebook, Gmail, Zalo...) an toàn

Đợt rồi tự dưng có hàng chục lượt follow facebook này tăng, tôi thấy cũng lạ vì lâu nay chẳng có bài chia sẻ nào hay ho hay thú vị gì thì cớ sao follow lại tăng nhỉ!
Facebook cá nhân của tôi thường xuyên bị hacker nhòm ngó

Chịu khó truy vết thì bất ngờ khi lượt follow tăng là nick ảo hơi bị nhiều, mà chẳng hiểu mấy cái nick ảo follow tôi làm gì nữa. Có người bảo nick Cao Trung Hiếu này bị dòm ngó rồi nên cẩn thận mà bảo mật và giữ gìn. Thì tôi thú thật là từ 2015 tôi đã viết bài "Hãy bảo vệ ngay tài sản tiền tỉ là các tài khoản online", tôi đã áp dụng từ trước đó và giờ vẫn đúng nguyên tắc này:

- Một, tuyệt đối không bao giờ "ngu ngơ" click vào link website tầm bậy, hãy xem tên website cho thật rõ nếu click vào link lạ vì kẻ hack dùng cách làm giả mạo trang để lấy mật khẩu rất phổ biến, không cài phần mềm không biết rõ nguồn gốc vì cũng dễ bị dính virut gián điệp...

- Hai, đặt mật khẩu tối thiểu 8 ký tự, gồm chữ thường, chữ hoa, số và ký tự đặc biệt.

- Ba, luôn bật chế độ bảo mật 2 lớp cho tài khoản, vì nếu lỡ bị hacker lấy được mật khẩu thì qua lớp bảo mật thứ 2 ở SMS thì hacker cũng chịu thua.

- Bốn, luôn để một tài khoản bí mật để có thể phục hồi lại ngay nếu rủi ro bị hack xảy ra.

- Năm, điện thoại máy tính đều đặt mật khẩu, tạo thói quen là khi không dùng máy tính là logout (Window + L).

- Sáu, khi dùng máy tính lạ là chuyển trình duyệt sang chế độ riêng tư, tuyệt đối không lưu trữ gì máy tính lạ, cứ lưu vào Google Drive là an tâm.

- Bảy, có người lạ gọi nhờ cung cấp thông tin gì gì đó thì hỏi ngay "em là công an hả, em cần có giấy mời thì anh mới welcome nhé".

Vậy đó, tôi bảo mật kiểu kiểu như vậy.

À và thêm nữa, cái thói quen số 8 là với cái tài khoản online nào mua được của USA, EU, Japan thì tôi ưu tiên.

www.CaoTrungHieu.com | Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình
TP HCM ngày 15/03/2021


Cập nhật bảo mật với tài khoản ZALO

Zalo có cơ chế đăng nhập là chỉ cần gõ số di động và sau đó chờ xác thực từ app điện thoại, khi đó không cần gõ mật khẩu vẫn đăng nhập vào bình thường. Cơ chế này của Zalo nhanh gọn nhưng cũng có cái dở là hacker dễ chơi trò gian manh.

Phương thức xác thực đăng nhập qua App ở điện thoại của Zalo

Hacker gõ số di động là số Zalo của bạn, rồi dùng cơ chế đăng nhập xác thực từ app, người dùng vô tình/đãng trí/hớ hênh nhấn đồng ý thì trong 1 nốt nhạc bị hack mất tài khoản Zalo.

Thời kỳ dịch covid-19 này giới hacker "cùi bắp" đói nhăn răng nên nghĩ ra đủ trò để lường gạc. Còn giới hacker "đồ xịn" thì hack hệ thống lớn như ngân hàng, công ty bảo mật, công ty phần mềm, tổ chức chính phủ... còn phần lớn là hacker "cùi" thì chiếm đoạt tài khoản của người dùng rồi đi lừa đảo.

Vì vậy cần có những thói quen đơn giản nhằm bảo mật các tài khoản online để an toàn. Thời đại internet phát triển thì tài khoản online có giá trị rất lớn, là tài sản vô giá.

TP HCM ngày 07/08/2021


0 Nhận xét