Trạm Cai Lậy đâu “thất thủ”, đúng hơn là sự “thất thủ” trước lòng dân.

Tài xế dùng tiền lẻ trả phí qua trạm, người dân tụ tập bày tỏ sự phản đối trạm thu phí Cai Lậy với mức phí quá cao (từ 35.000-180.000 đồng/lượt) và vị trí đặt trạm không hợp lí, khiến nhiều thời điểm phải “xả” trạm. Trạm thu phí Cai Lậy “thất thủ” ư? Không. Vì trên thực tế sang ngày 14.8 trạm đã hoạt động trở lại bình thường…


Sự “thất thủ” đúng hơn, là đối với lòng dân.

Bởi ngay từ đầu, người dân đã bày tỏ rằng việc đặt trạm thu phí trên cả hai tuyến đường tránh và Quốc lộ 1 qua Cai Lậy, với mức phí cao, là không hợp lí.

Đầu tư làm đường theo phương thức BOT, phải thu hồi vốn và phải có lãi, là chuyện đương nhiên. Nhưng vấn đề gây bức xúc, không chỉ ở địa phận Cai Lậy thuộc tỉnh Tiền Giang mà trên bình diện cả nước, cũng chính là điều mà người dân và tài xế qua trạm Cai Lậy bức xúc: Vị trí đặt trạm và mức phí.

Về vị trí đặt trạm, theo qui định hiện hành, các trạm phải cách nhau ít nhất 70km. Vậy câu hỏi đặt ra, việc chủ đầu tư là Cty TNHH BOT Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang đặt trạm ở trên Quốc lộ 1 và cả tuyến đường tránh là có hợp lí và đúng qui định hay không, khoảng cách giữa hai trạm có đúng ít nhất 70km hay không?

Mức phí từ 35.000-180.000 đồng/lượt cho phần tuyến tránh (đầu tư mới với chiều dài 12km, xây mới 7 cây cầu, tổng vốn đầu tư khoảng hơn 1.000 tỉ đồng) và phần bảo trì, tăng cường Quốc lộ 1 (đoạn qua Cai Lậy có chiều dài 26,5km với vốn đầu tư trên 300 tỉ đồng) là cao hay thấp? Quá cao nếu so với nhiều tuyến đường BOT khác trong đó gồm cả những tuyến cao tốc thênh thang chiều dài lên đến cả trăm km.

Dân phản ứng, tỉnh Tiền Giang cũng nhận ra và đã có kiến nghị với Bộ GTVT về việc giảm mức phí qua trạm Cai Lậy. Những ngày qua, khi kiến nghị này chưa được xem xét, thì tình hình trạm Cai Lậy lại nóng với chiêu thức tiền lẻ qua trạm. Vẫn biết các tài xế dùng tiền lẻ trả phí qua trạm là nhằm làm khó vì không đồng tình với mức phí cao, nhưng về mặt luật pháp, họ đâu có vi phạm. Vẫn là tiền đấy thôi. Vẫn trả phí đấy thôi.

Một hướng khác “giải quyết vấn đề” là hè nhau đi vào tuyến đường né trạm, hệ lụy là lộ Giồng Cát được nhà nước đầu tư 46 tỉ đồng xây dựng nhanh chóng bị xuống cấp, người dân ở trên tuyến lộ này đối mặt với nguy hiểm là tai nạn giao thông và không khí trở nên ô nhiễm vì bụi khói.

Khi lòng dân không thuận, thì không chỉ có tiền lẻ, sự né trạm, mà còn nhiều sự phản ứng khác sẽ tác động làm giảm hiệu quả thu phí của nhà đầu tư BOT. Vậy tại sao các bộ ngành có thẩm quyền trong việc duyệt vị trí đặt trạm và mức phí, đã lắng nghe chủ đầu tư BOT nhưng sao chưa chịu lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân? Mức thu phí cao, trạm thu lại sát nhau, gánh nặng lên dân, lên doanh nghiệp có phương tiện vận tải đã quá rõ. Bởi không đâu, người dân lại đi làm khó trạm thu phí làm gì vì như thế chính họ cũng mệt mỏi và bị phiền phức. Chỉ có một nguyên nhân khiến họ phản ứng như vậy là vì bị trạm phu phí với mức phí cao, làm họ mệt mỏi và bức xúc.

THẾ LÂM
Báo Lao Động
0 Nhận xét