Có phải khởi nghiệp nông nghiệp là trồng rau?

Hiện nay trong bối cảnh thực phẩm bẩn “lên ngôi” được các phương tiện truyền thông “PR” liên tục, có nhiều người rất nhanh nhạy chớp thời cơ nhảy ngay vào Nông nghiệp, đó là trồng rau sạch, vì đây là món căng thẳng nhất trên báo chí và là món dễ làm nhất! Tôi gặp 10 người thì hết 9,5 người trồng rau sạch. Tuy nhiên thực tế sau một thời gian, tôi thấy rằng, số người khởi nghiệp làm rau sạch đã rơi rụng dần và cơn sốt trồng rau sạch đã không còn là “phong trào” hot nữa! Vì sao như vậy?

Làm nông nghiệp công nghệ cao

Đơn giản đó không phải là lợi thế của những người đó, có người làm tài chính, có người làm IT, có người làm Marketing … nói chung là đầu tư xong thì sau một thời gian trả giá để học nghề thì đuối dần, không đủ sức phát triển tiếp. Ở đây, tôi không đề cập đến việc đúng sai trong việc này nhưng sẽ mở rộng hơn để chúng ta cùng thảo luận theo hướng phân tích theo chuỗi giá trị, nhìn sâu hơn để thấy cơ hội đầu tư trong mảng Nông nghiệp.

Nói về chuỗi giá trị trong Nông nghiệp đến thực phẩm thì có rất nhiều giai đoạn (bài viết chắc chắn sẽ không đề cập đầy đủ), nhưng có thể chia làm 4 giai đoạn chính:

- Giai đoạn 1 - Đầu vào: bao gồm tài nguyên đất, nước, công nghệ, nguyên vật liệu gián tiếp, các trang thiết bị gián tiếp, công nghệ áp dụng cho trồng trọt và chăn nuôi, các trang thiết bị như nhà màng, bạt phủ, hệ thống tưới, hệ thống xử lý thông tin trung tâm, công nghệ thụ phấn, thụ tinh, hệ thống & công nghệ xử lý môi trường, nhân sự chuyên môn, qui trình quản lý, dịch vụ tư vấn cung cấp giấy chứng nhận các kiểu, tài chính và dịch vụ tài chính …

- Giai đoạn 2 – Trồng trọt, chăn nuôi: bao gồm các nguyên vật liệu trực tiếp ảnh hưởng đến khâu sản xuất như phân bón, thức ăn chăn nuôi, hạt giống cho trồng trọt, giống vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, vacxin, thuốc chữa bệnh cho vật nuôi, chế phẩm, phụ gia …

- Giai đoạn 3 – Thành phẩm

+ Thành phẩm thô, sơ chế: bao gồm các trang thiết bị thu hoạch, giết mổ, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghệ làm lạnh, cấp đông nhanh, hệ thống đóng gói, bao bì, nhãn mác … Ở công đoạn này sẽ thu được thành phẩm thô, chưa qua chế biến sâu.

+ Thành phẩm chế biến sâu: bao gồm các trang thiết bị, nhà xưởng, dây chuyền cho chế biến thực phẩm, công nghệ chế biến, các gia vị, phụ gia đầu vào cho thực phẩm, bao bì, đóng gói, hệ thống giám sát, quản lý chất lượng, dịch vụ tư vấn hệ thống quản lý chất lượng, đăng ký sản phẩm …

- Giai đoạn 4 – bán hàng: sẽ có hai tình huống hoặc bao gồm cả hai:

+ Bán đứt trọn gói: nghĩa là nhà sản xuất sẽ bán thành phẩm thô hoặc sơ chế thô, không thương hiệu hoặc làm theo dạng OEM - gia công thương hiệu - cho một Nhà thương mại hay phân phối nào đó. Trong thực tế cũng có những đơn vị thương mại có tác động hai chiều, nghĩa là có đầu ra và dựa trên đầu ra là thị trường để tác động, thay đổi lại phần sản xuất cho phù hợp hoặc tạo ra sản phẩm đi trước thị trường do họ có khâu R&D phát triển tốt. Hoặc họ chỉ tập trung đầu tư vào R&D rồi phối hợp với một đơn vị phân phối đặt hàng Nhà sản xuất theo dạng OEM.

+ Bán thành phẩm có thương hiệu: khâu này vai trò của Sales và Marketing của Nhà sản xuất phát huy tác dụng, bao gồm: nghiên cứu thị trường, định vị thương hiệu, sản phẩm, xây dựng các yếu tố đặc trưng, lợi thế cho thương hiệu, xác lập mô hình, chính sách bán hàng, phân phối, chiết khấu các cấp độ …

Ở Giai đoạn 4, các Đối tác cần có của Nhà sản xuất bao gồm: các dịch vụ cung cấp nhân sự quản lý, vận hành, Nhà phân phối, đại lý bán hàng, cửa hàng, siêu thị, các Công ty truyền thông, quảng cáo, các công ty cung cấp dịch vụ kho bãi, vận chuyển, các dịch vụ chăm sóc khách hàng thuê ngoài, bảo hành, dịch vụ sau bán hàng, dịch vụ R&D …

Sau khi liệt kê theo chuỗi giá trị phía trên, chúng ta thấy 2 điểm:

- Thứ nhất, nông sản Việt Nam mới chỉ dừng ở việc trồng trọt, chăn nuôi ra thành phẩm thô, giá trị rất thấp nằm ở đáy của tháp giá trị, mà chất lượng sản phẩm lại không đồng đều vì nhiều nông dân nhỏ lẻ trồng, mỗi Anh một kiểu; đây là điều kiện tốt cho “lái buôn” vì nếu thiếu họ, nông dân không thể bán được cho ai, đây cũng chính là hiện trang giải cứu các kiểu, các loại trong thời gian qua.

- Thứ hai, chúng ta hoàn toàn có thể là một trong những mắt xích trong chuỗi giá trị chứ không nhất thiết phải là Nông dân (trồng rau).

Về mô hình đầu tư, chúng ta có thể đầu tư trực tiếp cho việc trồng trọt hay chăn nuôi nhưng với qui mô lớn, cánh đồng mẫu lớn, công nghệ cao… gọi là chiến lược “đại gia”, hoặc chúng ta có thể sở hữu công nghệ và đặt hàng nông dân áp dụng theo công nghệ để đảm bảo đầu ra đồng nhất và chúng ta thu mua, chế biến, làm thương hiệu, bán hàng gọi là chiến lược dẫn dắt; hoặc sẽ trở thành một mắc xích nhỏ theo đuổi chiến lược tập trung một khâu duy nhất trong chuỗi như đã nói ở trên.

Về chất lượng Nông sản thực phẩm nói chung, hiện tại trên thế giới có các nhóm thực phẩm: sản phẩm thực phẩm cơ bản nghĩa là đạt được yếu tố tối thiểu của việc chế biến thực phẩm được cấp phép (HACCP, GMP, BRC…), sản phẩm thực phẩm an toàn: sản xuất theo tiêu chuẩn G.A.P, và xu hướng trong thời gian tới là thực phẩm hữu cơ – Organic - không biến đổi gen, không dùng phân bón hoá học, thuốc trừ sâu độc hại hay bất kỳ hoá chất nào trong khâu chế biến, được kiểm soát chặt và có chứng nhận. Tuỳ theo khả năng và độ lớn và mức độ phát triển của thị trường có thể scale up nhanh mà chúng ta có những lựa chọn phù hợp. Thực tế có nhiều trường hợp chọn phân khúc khá hẹp nên dù là đúng xu hướng nhưng sẽ rất chật vật nếu thị trường không đủ lớn hoặc tăng trưởng chậm.

Tóm lại, nếu làm Nông nghiệp, chúng ta phải làm khác, tư duy khác và kết quả khác! Cụ thể hơn cần hỏi các câu hỏi sau:

1. Mình có thế mạnh nào trong chuỗi? chiến lược từng bước trong chuỗi như thế nào? khả năng và qui mô đầu tư tới đâu?

2. Sản phẩm là gì, có gì khác biệt? có lợi thế so sánh gì so với các sản phẩm cùng loại trong nước cũng như quốc tế? đầu ra có khả thi, dung lượng thế nào? lưu ý hiện ngày càng nhiều thực phẩm ngoại nhập với rất nhiều lợi thế hơn chúng ta.

3. Làm sao tạo ra được giá trị gia tăng cao nhất có thể cho các nông sản hiện tại? một số gợi ý: thương hiệu xuất xứ địa phương, chỉ có địa phương mới có sự khác biệt, ví dụ chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho nước mắm, Vĩnh Kim cho Vú sữa Lò Rèn, Ban Mê Thuộc cho café …; bao bì đẹp, phong cách hiện đại, chế biến sâu, đa dạng khẩu vị, đa dạng đối tượng khách hàng, làm Marketing một cách chuyên nghiệp và khác biệt, tạo giá trị cảm xúc tối đa cho khách hàng mục tiêu …

4. Đối với khâu sản xuất, chế biến, làm thế nào để tiết chế tối đa những lãng phí, dư thừa? áp dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch thế nào cho sản phẩm giữ được lâu nhưng vẫn giữ được chất lượng? làm thế nào tận dụng hết các phế phẩm, phụ phẩm ngay tại chỗ! làm thế nào để tiết giảm tối đa chi phí của bài toán vận chuyển? đầu tư công nghệ như thế nào để đảm bảo sự khác biệt và sự đồng nhất của sản phẩm? chọn giống cây hay vật nuôi nào để cho năng suất cao nhưng vẫn đảm bào an toàn cho sức khoẻ? …

Sẽ còn rất nhiều nội dung cần bổ sung cho một bài viết ngắn gọn này như các chính sách khuyến khích đầu tư của Nhà nước trong Nông nghiệp công nghệ cao, chính sách đất đai… Tuy nhiên với xu thế không còn đường lùi cho nền Nông nghiệp nước nhà, chúng ta hãy nỗ lực và có quyền hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.

Bài chia sẻ từ anh Le Nguyen Huy Tam
Đồng tác giả với Huan Vo
Nguồn group QTvKN
0 Nhận xét