Cảm nhận khi đọc sách “Hành trình về Phương Đông”.

Trước khi tôi đọc cuốn sách “Hành trình về Phương Đông” này tôi có duyên theo dõi và kết bạn được với tác giả Nguyên Phong trên facebook với nhiều chia sẻ vô cùng thú vị về lĩnh vực công nghệ và hướng nghiệp. Tuy nhiên, vì lý do có kẻ mạo danh tác giả Nguyên Phong nên ông đã không dùng facebook làm công cụ để truyền thông điệp nữa. Đó là một điều đáng tiếc lắm.


Theo lời giới thiệu sách thì “Journey To The East xuất bản lần đầu tiên tại nxb Adyar Ấn Độ năm 1924. Cuốn sách gây ra một dư luận tranh cãi không chỉ ở nước Anh mà ở cả châu Âu và Mỹ. Sau đó, vì tự ái và sĩ diện, chính phủ Anh cấm phát hành cuốn sách này ở Anh Quốc, rồi chiến tranh thế giới lần thứ II xảy ra, cuốn sách đã không được tái bản ở bất kỳ nxb nào khác trên thế giới. Bản tiếng Việt (do Nguyên Phong phóng tác từ năm 1974, xuất bản năm 1987) và bản tiếng Anh của Hành trình về Phương Đông (xuất bản năm 2009) đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm và tranh luận của bạn đọc ở Việt Nam và trên thế giới. Cuốn sách được đánh giá là một trong những tác phẩm đương đại hay và độc đáo về văn hóa phương Đông.”

Thêm nữa, trước khi đọc “Hành trình về Phương Đông” tôi đã đọc qua 1,5 cuốn trong bộ “Phật học phổ thông” 3 cuốn của thầy Thích Thiện Hoa (tôi có viết bài cảm nhận: Cân bằng đó là đạo vậy) và một số sách khác về Phật học, thiền học nên khi đọc nội dung tôi thấy thật gần gũi lắm, dễ hiểu lắm, nhẹ nhàng lắm.

Sách kể về một đoàn là các nhà khoa học tên tuổi của Anh Quốc được cử sang Ấn Độ nghiên cứu về huyền học và những khả năng siêu nhiên của con người. Trên chặng đường nghiên cứu này họ được chứng kiến, trải nghiệm về các khoa học cổ xưa và bí truyền của văn hóa Ấn Độ như Yoga, thiền định, thuật chiêm tinh, các phép dưỡng sinh và chữa bệnh, những kiến thức về nhân duyên, nghiệp báo, luật nhân quả, cõi sống và cõi chết… Các nhà khoa học dùng phương pháp nghiên cứu của khoa học để ghi chép rõ ràng lại những trải nghiệm ấy, họ có cơ hội để gặp những bậc chân tu ẩn mình dưới lớp bụi trần.

Khoa học về phương Đông đi sâu vào khám phá bên trong mỗi con người đó là linh hồn, là suy nghĩ là thế giới của tâm linh, cõi sống và các cõi khác của tự nhiên này mà khoa học chưa đủ trình độ nhận thức được. Sách kể nhiều trải nghiệm hoàn toàn xa lạ với đời sống hiện đại vội vã như khoa học chữa bệnh khi con người ta biết buông bỏ, biết sống phù hợp với tự nhiên.

Điều đọng lại trong tôi nhiều nhất là về luật nhân quả, về cõi sống và cõi chết. Khi con người ta hiểu về khoa học phương Đông này, con người ta sẽ sống cuộc sống tốt đẹp hơn, an nhiên hơn, hạnh phúc hơn.

Đây là cuốn sách xứng đáng để bạn tìm đọc và trải nghiệm nhé.

TP Đà Lạt, ngày 30/05/2017
Cao Trung Hiếu

0 Nhận xét