NÓI HAY KHÔNG NÓI - Về kì thi 2 chung

NÓI HAY KHÔNG NÓI - Về kì thi 2 chung

Định không nói, nhưng vì trách nhiệm và lương tâm của một người thầy, không thể không nói.


Sau vụ lộn xộn tuyển sinh vào đại học thay bằng hình thức thi kiến thức thành thi kĩ năng chơi chứng khoán, Bộ trưởng Luận biện bạch về sự "không lường trước hiệu ứng ngược" và xin "nhận trách nhiệm". Ít nhất đó cũng là một thái độ nhận sai để rút kinh nghiệm. Tôi trân trọng thái độ chuẩn mực này của ông!

Nhưng tôi có ý kiến này, nếu không đúng, mong ông thứ tội. Hãy coi như đây là một phản biện chí tâm với ông.

Tôi đã từng nhiều lần đề xuất bỏ kì thi tốt nghiệp, giao cho Sở, thậm chí Trường tự chịu trách nhiệm xét tốt nghiệp dựa trên kết quả 3 năm học Trung học. Có đậu tốt nghiệp hết 100% cũng chẳng sao. Còn thi tuyển sinh thì tùy đẳng cấp của từng trường đại học. Quan trọng là thắt đầu ra cùng với tuyển dụng lành mạnh, tự nó tác động ngược lại về chất lượng đào tạo.

Năm ngoái, khi Bộ đưa ra chủ trương về kì thi 2 chung, không bỏ thi tốt nghiệp mà bỏ thi tuyển sinh, tôi đã từng tranh luận với bà Vũ Thị Phương Anh, Phó chủ tịch Hội liên hiệp các Trường Đại học dân lập về bài báo mà bà ta viết trên Vietnamnet với tinh thần ủng hộ mạnh mẽ chủ trương này. Tôi nói thẳng, té ra chị ủng hộ vì lợi ích nhóm của khối các Trường Đại học Dân lập của chị? Bởi vì chính kì thi 2 chung này đã cứu cho các trường dân lập thoát khỏi tình trạng không có người học? Sao không lo nâng cao chất lượng các trường dân lập mà lại sử dụng cái mẹo vặt này?

Tôi còn đưa ra bằng chứng về sự bóp chẹt chỉ tiêu tuyển sinh công lập để có quyền nghi ngờ đó là một âm mưu ưu tiên nhường sân cho dân lập hơn là một cuộc cải cách vì lợi ích chung.

Bị lật tẩy, bà Vũ Thị Phương Anh đã vội vàng khóa trang của tôi lại mà không dám tranh luận.

Bây giờ thì tôi có thể đưa ra kết luận về điều tôi nói từ năm trước là có cơ sở, dù còn quá sớm trước khi 400 trường cùng mở phiên giao dịch lần hai.

Ở phiên giao dịch lần 2 này, chắc chắn tình trạng ít phức tạp hơn phiên giao dịch lần thứ nhất, nhưng sẽ để lại những nghẹn ngào tức tưởi cho hàng ngàn thí sinh có khát vọng tiến thân với mong muốn được học tập dưới một mái trường đàng hoàng.

Bởi vì, kết quả phiên giao dịch thứ nhất, hơn 30 trường công lập coi như đã gần đủ chỉ tiêu. Như vậy, trong phiên giao dịch lần 2, còn gần 400 trường, nhất là khối dân lập sẽ mở tung cánh cửa đón nhận toàn bộ các thí sinh còn lại. Số thí sinh này không còn con đường nào khác là đút hồ sơ vào đại học dân lập chứ không có đường rút ra. Nếu như trước đây có kì thi tuyển sinh, số thí sinh bị rủi ro trượt năm này còn có cơ hội học tập, rèn luyện chờ cơ hội thi năm sau để vào trường hay ngành mà mình thích. Nhưng nay, với cuộc cải cách vĩ đại này thì mọi khát vọng ấy đã hoàn toàn bị dập tắt. Bởi vì không có chế độ thi tốt nghiệp lần 2 sau khi đã đỗ!

Phải nói đúng thế này Bộ trưởng Luận ạ: Bộ tham mưu của ông đã quá khôn ngoan khi lường trước khả năng hốt toàn bộ thí sinh đã tốt nghiệp (hơn 94%) vào Đại học Dân lập mà không lường trước hậu quả của một trò chơi chứng khoán bệnh hoạn, rối loạn thị trường như hiện tại.

Tôi không phản đối, thậm chí còn ủng hộ nhiệt liệt mô hình tự chủ hoặc dân lập hóa các trường đại học, nhưng phải tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh chứ không thể chơi mẹo vặt vì lợi ích nhóm mà bắt các cháu phải gánh chịu.

Dập tắt cơ hội của những cháu học sinh chịu khó và đầy khát vọng là nhẫn tâm, vô trách nhiệm.

Ai cũng biết, kí mở hàng loạt trường đại học dân lập không đạt chuẩn (chỉ cần 7 cái lu nướng chim như Đại học Phan Thiết) là Bộ, bây giờ lại giăng lưới vây ép các cháu vào những trường dân lập ấy cũng là Bộ. Người ta nói tiết kiệm, đỡ tốn kém cho dân chỉ là cái vỏ bọc thôi, thưa Bộ trưởng!

Một gia đình thu nhập khá mà nuôi 2 đứa con vào đại học thì chỉ cần 2 năm là đã rớt xuống hộ nghèo đói. Chạy đua bằng cấp chỉ rút kiệt sức dân chứ không làm dân giàu lên đâu Bộ trưởng!

Bộ trưởng thử kiểm tra xem, các quan chức từ địa phương đến trung ương có cổ phần hay lợi tức được hưởng từ các Trường Dân lập đó không?

Tôi hòa lệ mà viết nên những dòng chân thành này để mong ông nhận ra thực giả, thưa Bộ trưởng!

Bài viết của thầy Chu Mộng Long
0 Nhận xét