Làm thế nào để nhận biết các ứng dụng (app) đầu tư được xem là lừa đảo từ trong trứng nước?

Trên môi trường internet ngày nay có rất nhiều app trên điện thoại được giới thiệu là kiếm tiền dễ dàng, nhanh chóng, ai cũng làm được với những hứa hẹn hấp dẫn cùng những bằng chứng ảo được dựng lên hoành tráng. 



App Aizan là một trong số đó và nay đã bị sập, biến mất hoàn toàn chỉ sau khoảng 1 tháng hoạt động, rồi gây ra hậu quả hàng là ngàn thậm chí hàng chục ngàn người bị mất tiền oan. App Aizan nói riêng và các app đầu tư sinh lời lừa đảo (scam) về cơ bản là hoạt động theo mô hình đa cấp Ponzi, lấy tiền của người sau trả cho người trước, không tạo ra giá trị thực cho xã hội mà còn gây hoang mang cho cuộc sống. Và khi hệ thống đủ lớn thì chủ app sẽ biến mất cùng số tiền lớn đã lừa được từ chính người dùng app. Việc tinh quái của các app kiếm tiền này là luôn biết cách tạo dựng niềm tin đến nhóm đối tượng thiếu hiểu biết, muốn kiếm tiền dễ dàng bằng các chiêu thức nghe qua là rất hợp lý như khởi nghiệp 4.0, kiếm tiền bằng nhiệm vụ like – share, kiếm tiền bằng việc giới thiệu bán sản phẩm…, còn thực tế khi hiểu bản chất thì là bất hợp lý mà nói thẳng là lừa đảo từ trong trứng nước.


Về nguyên lý cơ bản trong cuộc sống thì chỉ những cái tạo ra giá trị thật, giúp ích cuộc sống tốt đẹp hơn thì mới tồn tại vững bền, vì vậy giá trị thật là cái gốc rễ, khi hiểu được thế nào là giá trị thật thì bất kỳ ai cũng nhận thức được app đầu tư nào là lừa đảo (scam). Tôi lấy ví dụ về app Aizan, tôi sẽ hỏi “app Aizan tạo ra giá trị gì cho xã hội?” thì theo lời giới thiệu đầy cám dỗ là người dùng chỉ cần tải app và thực thi nhiệm vụ như like, theo dõi tài khoản Tiktok sẽ được trả số tiền cao cho nhiệm vụ đó, thêm nữa là khi mời người khác cùng tham dự sẽ được thưởng giới thiệu và nhận thêm phần hoa hồng theo mô hình đa cấp, nộp tiền càng nhiều thì mức hoa hồng càng cao… Tiếp theo tôi sẽ hỏi “Việc like, theo dõi tài khoản Tiktok một cách ảo như vậy thì có đúng với giá trị mạng xã hội cần?”, câu trả lời dĩ nhiên là không vì không một mạng xã hội nào chủ đích chạy theo những giá trị không thật. Rồi “ai sẽ là người trả tiền cho người dùng app thực hiện nhiệm vụ?”, chắc chắn không phải là doanh nghiệp muốn làm quảng cáo vì thứ nhất doanh nghiệp không muốn like, theo dõi ảo và hơn nữa chẳng ai trả tiền cho app cao gấp hàng trăm lần so với việc mua trực tiếp từ mạng xã hội, cho nên ở đây bản chất là tiền của người sau sẽ được trả cho người trước. Và cái cuối cùng cũng là quan trọng nhất đó là “app đầu tư này có được pháp luật Việt Nam cấp phép hay không?”, dĩ nhiên 100% app lừa đảo đều không có yếu tố này, vì vậy khi app bị sập thì người dùng đóng tiền vào xem như là mất trắng, pháp luật thì không bảo vệ được.


Câu chuyện hàng trăm bạn trẻ học lớp khởi nghiệp nhanh rồi bị chính người thầy lừa vào cái bẫy của app Aizan để rồi mất tiền oan, thầy giáo thì biến mất còn app bị sập là bài học cần được báo động đến cộng đồng để phòng tránh các sự vụ tương tự. Lời khuyên của tôi dành cho các bạn trẻ là khi chưa hiểu thấu đáo về câu hỏi “khởi nghiệp là gì” thì đừng bao giờ lao vào con đường được những kẻ khác vẽ ra thật dễ dàng, nhanh chóng khởi nghiệp để giàu có vì “miếng phomat miễn phí chỉ có trong bẫy chuột”. Trau dồi kiến thức từ những kênh chính thống như nhà trường, tổ chức uy tín, báo chí… để nâng cao nhận thức là cách giúp bản thân tự đưa ra nhận định đúng khi đang sống trong một xã hội hỗn loạn thông tin như ngày nay, đó là cái gốc rễ. Và thêm nữa là nếu chưa biết thì hãy hỏi, khi hỏi thì cần hỏi đúng người, đúng việc để có lời chỉ dẫn phù hợp, chứ đừng như con thiêu thân lao vào học các lớp khởi nghiệp nhanh rồi bị sự hào nhoáng viển vông mà không biết mình trở thành món mồi béo bở cho những kẻ lừa đảo.


www.CaoTrungHieu.com | Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình

0 Nhận xét