Sinh viên ăn cơm 2.000 đồng từ góc nhìn của người đăng ảnh: 80% khách đến ăn là sinh viên thì đó đã là một hiện tượng xã hội

Trên quan điểm của anh Tuấn Anh, sự tử tế chỉ thấy rõ trong lúc chúng ta lâm vào cảnh khó khăn, hoạn nạn. Nếu SV đến quán cơm vì ở quê gia đình đang bị lũ lụt, mẹ nằm bệnh viện, cha mất khả năng lao động... thì cái đó là chính đáng. Anh thậm chí còn cho các bạn trẻ thêm tiền để ăn!

Xã hội không có nghĩa vụ phải giải cứu những người có hoàn cảnh khốn khổ do họ tự gây ra.

Những bữa cơm từ thiện vốn dành riêng cho người nghèo luôn được dư luận quan tâm. Cách đây hơn 1 năm, hình ảnh những người ăn mặc lịch sự, đi xe tay ga, đeo vòng vàng ngồi ăn trong quán cơm 2.000 đồng đã bị xã hội kịch liệt lên án dù sau đó mọi người nhận thấy người giàu ăn cơm từ thiện là những nhà hảo tâm, tài trợ cho quán, muốn ăn thử suất cơm để kiểm tra chất lượng thực phẩm. Còn mới đây, một cảnh tượng tương tự lại khiến người ta tranh cãi trên MXH.

Những tranh luận bắt nguồn từ hình ảnh các sinh viên đang xếp hàng chờ mua cơm từ thiện tại một quán cơm 2.000 đồng trên đường Cống Quỳnh (Quận 1, TP.HCM) do anh Vũ Tuấn Anh đăng tải. Tác giả bức ảnh nêu quan điểm rằng những sinh viên sức dài vai rộng, tương lai của đất nước lại đi ăn cơm từ thiện của người nghèo, liệu có còn lòng tự trọng không?


Anh Tuấn Anh sinh năm 1971, hiện là người sáng lập dự án phát triển nghề nghiệp cộng đồng cho sinh viên. Anh từng có 25 năm giảng dạy tại khoa Quản lý công nghiệp, Đại học Bách Khoa TP.HCM và 10 năm đi làm các hoạt động cộng đồng cho sinh viên. Anh tin rằng mình là người hiểu sinh viên hơn ai hết khi chia sẻ góc nhìn này.

Trong lúc câu chuyện vẫn còn nóng, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với anh Tuấn Anh, để lắng nghe thêm những chia sẻ của anh về vấn đề này.

"80% khách đến ăn là sinh viên thì đó đã là một hiện tượng xã hội"

Chào anh Tuấn Anh. Anh cảm thấy thế nào khi quan điểm sinh viên ăn cơm từ thiện là đánh mất tự trọng, trở thành chủ đề tranh luận trên MXH?

Giới trẻ sai, một phần lỗi nằm ở những "người già" như chúng tôi đã không giáo dục, định hướng và làm mẫu cho thế thệ trẻ. Mới nhìn qua cứ tưởng vấn đề của bạn trẻ, nhưng thật sự căn nguyên lại nằm ở những đàn anh, đàn chị.

Khi những người đi trước tự phân cực (có người ủng hộ và không ủng hộ) trước quan điểm của tôi, thì đấy chính là lúc "người già" chúng ta cũng không nghiêm minh. Bản thân người đi trước còn không nhận thức thấu đáo về câu chuyện ấy, thì trách sao được bạn trẻ!

Anh nghĩ sao về những quan điểm trái ngược?

Tôi có đọc những ý kiến góp ý và có thể tạm chia thành 3 quan điểm trái chiều như sau. Thứ nhất, họ nói cơm đấy là cơm từ thiện, sinh viên ăn hay không là chuyện của họ.

Trong trường hợp này, chúng ta xét đến 2 chủ thể. Một là người mở quán hai là người đi ăn. Đứng ở góc độ mở quán, tôi hoàn toàn không phản đối và họ để bảng quán cơm dành cho sinh viên nghèo là hoàn toàn đúng.

Nhưng những bạn trẻ đi vào quán và đứng ở vị trí mua cơm kia, các bạn có nghèo thật không? Hôm đấy tôi dừng lại xem rất kỹ, các bạn sinh viên ấy người nào cũng rất khỏe mạnh, hồng hào, to cao.

Cứ nhận ta nghèo thì ta cứ nghiễm nhiên có quyền ăn cơm từ thiện là không đúng! Tôi nói thật, bản thân tôi cũng xuất thân từ một gia đình nghèo, bố mất sớm, mẹ là giáo viên phải gồng gánh nuôi con. Tôi phải dán hộp từ năm lớp 6, nhưng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện đi ăn cơm 2.000 đồng.

Điều thứ hai, họ bảo tôi mới nhìn một ngày đã phán xét, liệu có phiến diện chăng? Tôi trả lời luôn, tôi đã cẩn thận hỏi những người xung quanh rằng các bạn sinh viên có đến đây ăn cơm thường xuyên không và nhận được câu trả lời là đến rất nhiều.

Thực ra hôm đấy nếu tôi đi qua, tôi thấy 20 người xếp hàng mua cơm trong đó chỉ có 2 người là sinh viên, thì tôi không đặt thành vấn đề. Còn đây, mọi người nhìn thấy 80% khách hàng là sinh viên. Đó không còn là câu chuyện của một sinh viên nghèo đi ăn cơm từ thiện nữa, mà đây đã là một hiện tượng trong xã hội.

Thứ ba, người ta nói sinh viên là tầng lớp chưa làm ra tiền, họ rất cần xã hội hỗ trợ. Đúng vậy, đương nhiên là các bạn được quyền hưởng thụ những gì xã hội cho. Nhưng ở đây, các bạn đang lạm dụng chuyện đấy một cách quá đà.

Tôi từng biết có trường hợp sinh viên trốn vé xe buýt khiến bác tài phải nổi giận quát mắng. Bạn biết đấy, mỗi tập vé tháng giá chỉ trên dưới 30.000 đồng. Các bạn bảo mình đã nghèo rồi sao phải trả số tiền đấy. Tôi thấy suy nghĩ đó không ổn chút nào.

"Sự đào thải là tự nhiên, bạn nào không phấn đấu thì cuộc đời sau này của các bạn rất khốn khổ"

Sinh viên có thể không thật sự nghèo nhưng đôi lúc họ gặp những vấn đề phát sinh trong cuộc sống: bệnh, xe hư, laptop hỏng... Khi đó họ cần lắm một bát cơm lót dạ, liệu anh có đang khắt khe quá với bạn trẻ?

Cái sự tử tế chỉ thấy rõ trong lúc chúng ta lâm vào cảnh khó khăn, hoạn nạn. Khi tất cả chúng ta no hết thì ai cũng tử tế được.

Nếu mình đến đó ăn cơm vì ở quê gia đình đang bị lũ lụt, mẹ nằm bệnh viện, cha mất khả năng lao động... thì cái đó là chính đáng. Thậm chí những người cho tiền nấu cơm từ thiện như tôi còn muốn cho thêm nữa. Nhưng nếu không thực sự lâm vào cảnh bi đát, vẫn còn dư dả mà muốn ăn cơm từ thiện thì tôi không đồng tình.

Có sinh viên nào từng ăn cơm từ thiện phản hồi với anh rằng họ thấy tổn thuơng hay không phục trước góc nhìn của anh chưa?

Hôm nay tôi vừa nhận được lá thư của một bạn nữ. Bạn ấy bảo em cũng đến quán cơm này ăn rất nhiều lần nhưng thường ăn trong những đợt thi, không có thời gian nấu cơm. Tôi cho đấy là một lý do có thể chấp nhận được. Nếu tôi là người cho tiền tài trợ những suất ăn ấy, tôi sẽ cảm thấy hạnh phúc vì đồng tiền của mình đã giúp được một cô sinh viên trong lúc thi cử xa nhà khó khăn.

Còn những bạn nam này, các bạn ấy có lý do gì để đến đây ăn? Là người trả tiền cho những suất ăn giá rẻ ấy (những nhà hảo tâm tài trợ suất ăn - PV), người ta muốn người đến ăn phải thỏa mãn một số điều kiện và bản thân người đi ăn phải tự ý thức được điều đó.

Vấn đề được đặt ra là mình có xứng đáng để nhận được điều mà người khác cho hay không? Ai mang tiền đi làm từ thiện chẳng muốn đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình được sử dụng hợp lý, đến với những người thực sự cần đến chúng.

Trước cơm từ thiện, anh Tuấn Anh cũng là người đưa câu chuyện gần 600 tân SV ĐH KHXH&NV tự ý bỏ buổi chia sẻ kỹ năng mềm vì trời mưa. Có ý kiến cho rằng nơi tổ chức sự kiện quá xa, chọn giờ chưa hợp lý... SV bỏ buổi nói chuyện một phần lỗi nằm ở BTC. Anh nghĩ sao về chuyện này?

Em đi làm cho người ta, 4-5h sáng em vẫn phải đi, chẳng lẽ bảo tôi còn phải đi ngủ, đợi tôi ngủ dậy rồi mới làm? Cuộc sống là thế, chẳng có gì là thuận lợi hết được, suy nghĩ đấy là cực kỳ sai.

Như tôi đây, 9h sáng tôi phải ra sân bay để sang Lào. Khi đến Viêng Chăn là 4 giờ chiều, ăn uống các thứ rồi vào họp từ 5h chiều đến 12 giờ đêm. Có thích không? Có thuận lợi không? Không! Khi em đi làm, em không thể quyết định được thời gian, là khách hàng quyết định chứ. Các bạn trẻ hãy xem đấy chính là rèn luyện cho chính mình.

Trong xã hội, sự đào thải là tự nhiên, bạn nào không phấn đấu thì cuộc đời sau này của các bạn rất khốn khổ. Tôi không có nghĩa vụ phải cứu các bạn ấy, xã hội cũng không có nghĩa vụ phải giải cứu những người có hoàn cảnh khốn khổ do họ tự gây ra. Trong cuộc sống, quyền tối cao nhất của con người chính là quyền tự quyết.

Khép lại những chia sẻ, anh có điều gì muốn nhắn gửi đến các sinh viên, bạn trẻ đang đọc bài viết này?

Thế giới có thể thay đổi nhưng có những quy luật, tôi gọi nó là những tiên đề, sẽ không bao giờ đổi thay, đó là sự cần cù, tính chăm chỉ thì sẽ mang lại thành công. Nếu bạn trẻ nhận thức sớm điều này bao nhiêu thì càng thành công đến càng nhanh bấy nhiêu.

LÊ ÁI - ẢNH: ABU NGUYỄN
THEO TRÍ THỨC TRẺ 
1 Nhận xét
  1. Nặc danh10:30 16/10/17

    chuyện cha mẹ mất , hay chú có mưu sinh như thế nào không liên quan đến bữa cơm 2000d của các bạn sinh viên, chú cứ ngẩn lên và nhìn người ở mức độ xem xét không căn cứ, chỉ hỏi xung quanh nhận được câu trả lời như vậy là thỏa đáng sao, 1000 bài viết của chú đi chăng nữa cũng không tác dụng gì,có mỗi bữa cơm mà chú cứ làm như đát nước lâm nguy không bằng

    Trả lờiXóa