TS Lê Kiên Thành, con trai cố tổng bí thư Lê Duẩn: 'Tôi cầu mong, chúng ta sẽ thức tỉnh…'

Khi tôi ngỏ ý muốn có một cuộc trò chuyện với TS Lê Kiên Thành, ông nghĩ tới và muốn nói tới nguồn tài nguyên con người Việt Nam - thứ đã từng là bảo hiểm của dân tộc trong những năm tháng gian khó, ngặt nghèo...

Tự hào và trăn trở

- PV: Vì sao lúc này, vào thời điểm này, điều ông muốn nói tới lại là về người Việt Nam?

Vì bạn biết không, tôi tự hào. Và tôi trăn trở.

Một lần, khi tôi sang Hàn Quốc, có một ĐBQH Hàn Quốc đã nói với tôi rằng: “Nếu nói về kinh tế, chúng mày thua chúng tao không dưới 30 năm. Nhưng nói về thống nhất đất nước, chúng tao không biết sẽ thua chúng mày đến bao giờ…”.

Người Hàn Quốc và Triều Tiên có lẽ còn mất rất lâu để chờ đến ngày thống nhất. Hoặc có thể là không bao giờ. Nhưng người Việt Nam đã làm được điều đó, trong một cuộc chiến mà chúng ta là kẻ yếu trước một đế quốc Mỹ hùng mạnh, một cuộc chiến mà kể cả khi cả thế giới đều đứng về phía ta, thì họ cũng không tin chúng ta sẽ chiến thắng.

Thế mà cũng dân tộc đã làm nên kì tích đó, ngày hôm nay lại đang đối mặt với sự xuống cấp trầm trọng về mọi thứ: là sự tham ô của những người lãnh đạo; là sự suy thoái về đạo đức của xã hội; là sự lạnh lùng, tàn nhẫn đến ghê người giữa người với người.

Niềm tin và lí tưởng đã giúp chúng ta giải phóng đất nước


- PV:  Có bao giờ ông tìm cách lý giải những kì tích mà chúng ta đã tạo ra trong quá khứ ấy?

Đó là vì niềm tin và lý tưởng mà chúng ta đã cùng nhau tạo ra.

Ngày bé, ba tôi (cố tổng bí thư Lê Duẩn - pv) từng chứng kiến bà nội tôi nhìn sang nhà hàng xóm và ước rằng: “Đến bao giờ nhà mình mới có một nồi khoai to như nồi khoai nhà họ để ăn?”.

Ba tôi đã khóc nhiều vô cùng. Ông đi làm cách mạng, cũng vì mơ ước rất giản dị là bà nội tôi và những người dân nghèo giống bà nội tôi không còn phải mơ ước về nồi khoai đó. Rất nhiều người Cộng sản thế hệ đó cũng giống ba tôi.

Người Cộng sản có xuất thân nghèo khó đi làm cách mạng không chỉ vì gia đình nghèo khổ, mà họ đi làm cách mạng bởi vì những gia đình khác cũng nghèo khổ như gia đình họ. 

Những người Cộng sản sinh ra trong gia đình giàu có đi làm cách mạng không vì gia đình họ, cá nhân họ, vì nếu chọn một cuộc sống hạnh phúc, hưởng thụ và vị kỉ, họ sẽ không bao giờ dấn thân vào con đường không biết sống chết đó… Họ đi, vì hiểu đây là điều đúng đắn, là điều có lợi cho dân tộc, cho đất nước, cho nhân dân. 

Ba tôi  thường kể đi kể lại câu chuyện về người bạn tù cùng buồng giam với ông trong nhà tù Côn Đảo. Trước khi chết đi, người bạn tù ấy đã đưa cho ông manh áo duy nhất của mình mà nói: “Tao muốn cống hiến một cái gì đó cho Đảng quá mà không còn cơ hội. Mày hãy mặc cái áo này của tao”.

Ba tôi không nhận chiếc áo đó, vì không đành lòng để bạn mình chết mà không có mảnh vải che thân. Nhưng câu chuyện đó khiến ông nhớ mãi một điều: Hạnh phúc nhất của người Cộng sản như ông là được cống hiến, cho Đảng. Vì có những người muốn cống hiến mà không bao giờ có cơ hội để cống hiến. 

Tôi luôn nghĩ về niềm tin vào lý tưởng của những người Cộng sản. Đó là một niềm tin không thể cắt nghĩa. Có lần đi thăm Bảo tàng, tôi đọc một bài thơ của một người chiến sĩ tình báo. 

Bài thơ đó có 1.000 câu thơ, được viết trong 1.000 ngày ông bị giặc giam giữ trong căn hầm phân hôi thối, nóng bức và ngột ngạt. Và mỗi ngày trong suốt 1.000 ngày đó, ông viết một câu thơ. 

Tại sao người Cộng sản đó có thể viết được bài thơ 1.000 câu ấy, nếu không phải vì niềm tin vô bờ bến, là lý tưởng tuyệt đối mà ông dành cho lý tưởng mình theo đuổi. Chỉ có sức mạnh đó, thì một người bình thường mới có thể tạo ra sự đối kháng mãnh liệt trong hoàn cảnh kinh khủng như thế.

Và niềm tin ấy không chỉ là đơn lẻ của một người Cộng sản. Đó là niềm tin  của nhiều người Cộng sản. Với cách sống như thế, với hành động ấy, họ đã lan toả được niềm tin.

Hồi đó Đảng CSVN chỉ có vài nghìn Đảng viên, nhưng mỗi người Cộng sản có thể lan toả được niềm tin ấy sang hàng vạn người khác, tạo thành một sức mạnh không thể bị khuất phục. Và niềm tin ấy, khi được lan toả, đã tạo nên được những điều phi thường.

- PV: Tôi đã từng gặp những bà mẹ VNAH đã mất cả 18 người con, cháu trong quá khứ. Tôi từng gặp những người chiến sĩ tình báo bị CIA cưa chân đến 6 lần vẫn không khai ra bí mật của cách mạng. Theo ông, vai trò của họ với đất nước là gì?

- Họ là  tài nguyên vô giá của đất nước, là "bảo hiểm" của dân tộc trong những lúc nguy nan và thách thức. 

Có thời điểm, người nước ngoài nhận định về xã hội ta là một xã hội “cứ ra ngõ là gặp anh hùng”. Đó là sự thật. Một nhà báo nổi tiếng nước ngoài khi nhìn thấy cô du kích áp giải phi công Mỹ đã thốt lên: “Súng thì dài hơn người , chiến công thì nhiều hơn tuổi”!

Con người Việt nam có thời điểm trong lịch sử đã từng bừng sáng đến vậy, và nhờ đó đã giúp dân tộc vượt qua được những thách thức vô cùng to lớn, những hoàn cảnh vô cùng ngặt nghèo. Đó là những con người rất bình thường, nhưng đã dám hi sinh vì dân tộc.

Nhưng con người Việt Nam không chỉ có những anh hùng. Con người Việt Nam ngày ấy có sự yêu thương và chia sẻ. Và tôi nghĩ, đó mới là cội nguồn của sức mạnh.

Ngày bé, tôi từng phải về nông thôn sơ tán. Những người nông dân ở nông thôn nghèo hơn gia đình chúng tôi ở thành phố. Họ sống thiếu thốn hơn chúng tôi.

Ngày xưa chúng ta chiến đấu để bảo vệ nhân dân, để giải thoát nhân dân 
Nhưng họ luôn dành cho chúng tôi chỗ ngủ tốt nhất trong nhà họ, luôn chia cho chúng tôi miếng ăn mà họ có. Vì họ nghĩ rằng, con cái họ tuy nghèo nhưng còn được gần bố mẹ nên thương vô cùng những đứa trẻ phải đi sơ tán như chúng tôi.

Khi đó còn bé, tôi chưa cảm nhận được nhiều. Nhưng càng sau này, tôi càng ngẫm nghĩ và xúc động về tình yêu thương đó.

Khi một người nghèo có thể yêu thương những người giàu hơn mình, may mắn hơn mình, thì đó thực sự là tình thương nhân văn nhất, vĩ đại nhất.

Không nghèo, không đói như ngày xưa, tại sao lại ác hơn ngày xưa?

- PV: Và người Việt Nam bây giờ, trong mắt ông, có khác gì với người Việt Nam của những năm tháng cũ?  Nguồn tài nguyên vô giá mà chúng ta từng có trong quá khứ giờ ra sao?

- Dù đau lòng, tôi không thể không thẳng thắn nói rằng, chúng ta đã mất đi rất nhiều nguồn tài nguyên ấy!

Trong những năm vừa rồi, điều rõ nhất tôi cảm nhận được là chưa bao giờ cái xấu và tội ác đến với chúng ta bình thản như thế này. Người ta nhìn nó thản nhiên, như là điều tất yếu. Đó là buổi sáng, khi tôi đọc tin về một cậu thanh niên cứa cổ đứa bé 8 tháng tuổi; Đó là khi tôi đọc tin về những người dân cùng xông vào đánh chết một kẻ trộm chó… 

Có những người trong chúng ta hôm nay dùng cái ác và cái xấu để sinh tồn. Có những người nhìn nó thản nhiên một cách lạ kỳ.

Việc một tên cướp bị tuyên án tử hình vì chém đứt tay một người và trước đó đã chém 14 người, nhưng bà mẹ đẻ ra thằng bé đó không hề mảy may ân hận. Bà ta chửi bới cả xã hội và nghĩ rằng tại sao phải chém tay mà không chém đầu…, thì đó là hình ảnh đáng sợ nhất: Hình ảnh một người mẹ biết quý con mà không còn coi sự sống của người khác ra gì.

Tôi luôn nghĩ, có thể con người Việt Nam hôm nay dường như đang gặp phải một sai lầm nào đó trong tổ chức cuộc sống, khiến cho tình cảm, lòng thương người, sự vị tha đang bị biến dạng một cách ghê gớm. Đó là điều quá lạ lùng với xã hội này. 

Có lẽ chưa từng có một giai đoạn nào trong quá khứ mà người Việt Nam phải trải qua tình cảnh như ngày hôm nay.

Người Việt từng sống dưới ách nô lệ cả nghìn năm của các triều đại phương Bắc, từng bị đế quốc, thực dân đô hộ, chịu đựng đủ sự tàn ác, bóc lột từ ngoại bang. Nhưng chưa bao giờ, khi tìm hiểu về lịch sử, tôi nghe được về chuyện người Việt tàn ác với chính đồng  bào của mình. 

Thế nên giờ mỗi ngày mở báo ra, đọc tin về một người nào đó bị cả làng xúm lại đập chết vì ăn trộm chó; Cứ dăm bữa nửa tháng lại có vụ thảm sát nào đó ở tỉnh này đến tỉnh kia, tôi rùng mình. Chưa bao giờ người Việt Nam đối xử với nhau hằn học đến thế, man rợ đến thế.

Chúng ta không nghèo như ngày xưa, không đói như ngày xưa? Tại sao chúng ta lại ác hơn ngày xưa?

Thế mà những người có trách nhiệm chưa bao giờ nghĩ đến việc nghiên cứu, cắt nghĩa, để tìm ra được điều gì đang bị lỗi trên đất nước này, cái gì đang sai trong hệ thống này?

Những gì đang diễn ra ở đất nước ta hôm nay, có lẽ cần phải được suy nghĩ cho thật kỹ. Ví dụ, tại sao nhiều người có tiền mà vẫn tham nhũng khủng khiếp như vậy?

Có lẽ đó không phải văn hóa. Người ta hay nói “bần cùng sinh đạo tặc” – nhưng nhìn vào xã hội mình, đúng là đạo tặc có một phần từ bần cùng đi lên, nhưng một phần rất đông đạo tặc lại sinh ra bởi những người không bần cùng.

Những quan chức phạm hàng loạt tội ác mà chúng ta thấy trong những năm qua, họ đâu phải là những người bần cùng?

Hãy nhìn qua những vụ án gần đây nhất sẽ thấy rằng những người hiểu pháp luật, bảo vệ pháp luật, họ vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng và đầy tính toán để khi người ta bị bắt, người ta chỉ nói một câu rất nhẹ nhàng là: chứng minh đi. Tức là người ta đã chuẩn bị cho tình huống đó. Người ta đã nhạo báng và thách thức cả xã hội. 

Đoạn kết đã tạo nên sức mạnh cho dân tộc Việt Nam
- PV: Dùng từ tàn ác, dã man để miêu tả, ông có thấy nó nặng nề và khắt khe quá?

- Thế theo chị, chúng ta có thể dùng từ gì khác? Khi mà một con người có thể cứa cổ một đứa bé 8 tháng tuổi. Khi mà một cậu thanh niên còn đang đi học có thể giết chết cả một gia đình để cướp của, hay một chàng trai trẻ mặt mũi sáng ngời có thể giết cả gia đình bạn gái để trả thù. 

Mà sự tàn ác không chỉ xuất hiện ở đó. Tôi nhìn thấy sự tàn ác cả ở những vụ án tham ô, tham nhũng, cướp đất dân nghèo của những người có quyền lực.

Tôi nhìn thấy sự tàn ác trong những vụ án oan mà những người đại diện pháp luật bằng sự lạnh lùng, vô tình, vô trách nhiệm của họ , đã vội vã đưa ra những kết luận điều tra vô lý nhất mà không cần quan tâm đến việc họ có thể đẩy một con người vô tội vào con đường chết. 

Phải nghiêm túc nhìn thẳng vào vấn đề trước khi quá muộn

- PV: Theo ông, điều gì đã khiến xã hội chúng ta, chỉ trong mấy chục năm, từ một thế hệ có thể cùng nhau vào sinh ra tử, một thế hệ có thể vừa đi vào chỗ chết vẫn đủ tinh thần hát vang cả dãy Trường Sơn lại có thể thay đổi đến nhường này?

- Không biết các nhà lãnh đạo đất nước có bao giờ ra đường nhìn những người nông dân đi biểu tình không. Nhưng tôi cứ nhìn những bà già trùm khăn ngồi bên vệ đường trong đoàn biểu tình, càng nhìn càng không tin nổi họ đang làm gì xấu hay đang cố giành về cho mình những thứ không phải của mình.

Nếu bản chất họ thế thì sẽ không có việc họ đi theo Đảng, theo cách mạng trong suốt cuộc kháng chiến đó. Họ sẽ không hiến cả nhà cửa của mình, gia sản của mình, con cái của mình cho cách mạng.

Vậy mà chúng ta đã làm gì để khiến họ thành ra như thế? Tại sao những cái đã tạo ra sức mạnh phi thường cho chúng ta trong quá khứ thì giờ đây chúng ta lại đang phá vỡ nó? Giờ chúng ta không phải đương đầu với những khó khăn như thời chiến.

Giờ chúng ta chỉ phải đương đầu với chính những khó khăn do chúng ta tự gây ra, vậy mà cứ mỗi ngày ngồi ở đất Sài Gòn, nhìn thiên nhiêu ưu đãi thế này mà chúng ta không ngẩng đầu lên được, tôi cảm thấy xót xa vô cùng. Những người đã khuất nhìn thấy điều này sẽ càng xót xa hơn.

Khi góp ý cho Đại hội Đảng, tôi từng nói một điều rất đau khổ là bản thân chúng ta chưa tạo được một cơ chế dân chủ cho chính Đảng của mình. Và khi chưa thể làm được điều đó, ta khó lòng tạo ra sự dân chủ cho cả xã hội.

Và sự mất dân chủ này sẽ làm biến dạng ghê gớm, biến dạng sâu sắc Đảng. Sự biến dạng này nó sẽ gây ra những sự biến dạng trong các vấn đề khác: vấn đề về kinh tế, về xây dựng, về giáo dục, về con người…. Mà sự biến dạng đó sẽ vô cùng nguy hiểm! 

Việc những người Việt sẵn sàng trói và đánh đến chết một kẻ trộm chó không đúng với bản chất của dân tộc này. Việc 5 người công an cùng đánh một nghi can của vụ án đến chết cũng không đúng với những gì tôi biết về dân tộc này. 

Tôi không tin một người có thể cứa cổ đứa trẻ 8 tháng tuổi có thể chết vì dân tộc mình. Những người không biết động lòng, không biết xót xa trước sự đau khổ của người khác thì không thể nào chờ đợi tình yêu đất nước từ họ. Thế thì chúng ta phải nghiêm túc nhìn thẳng vào nó trước khi quá muộn. 

Tôi cho rằng, có lẽ chúng ta đang gặp một lỗi lầm nghiêm trọng về hệ thống. 

Có lẽ, những điều mà chúng ta đã từng vì nó mà  chiến đấu ngày xưa, thì giờ chúng ta đang phản bội nó, đi ngược lại nó, xa rời nó.

Ngày xưa chúng ta chiến đấu để bảo vệ nhân dân, để giải thoát nhân dân khỏi những bất công, bóc lột, thì bây giờ sự bất công đang quay trở lại trong sự phân chia lợi ích giữa những người có chức có quyền với những người dân thường, giữa những người giàu với những người nghèo.

Và như một cỗ xe, khi bộ phận này hỏng hóc mà chưa kịp sửa chữa, sự hỏng hóc ấy sẽ lan sang những chỗ khác và làm cỗ xe ấy xuống cấp trầm trọng.

Và có lẽ phải rất bình tĩnh, rất chân thành, rất tha thiết, rất thẳng thắn để nhìn thẳng vào vấn đề, đối mặt với nó, chúng ta mới giải quyết được những vấn đề ấy.

- PV: Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không chịu đối diện...

Niềm tin về ngày đất nước thanh bình đã gắn trong tiềm thức của người nữ chiến sĩ
- Tôi kể bạn nghe một câu chuyện do một lãnh đạo Đà Nẵng kể lại tôi nghe. Ở Đà Nẵng, có một vị cán bộ cao cấp bị điều tra tội tham ô. Một người phụ nữ đã đến gặp những lãnh đạo thành phố và nói rằng, bà tin vị cán bộ kia không thể nào phạm tội được.

Trong chiến tranh, người cán bộ đó bị giặc đuổi chạy trốn vào nhà bà. Khi địch đến, chúng giơ súng vào chồng bà, hỏi: “Mày giấu nó ở đâu?”, bà ấy im lặng không nói. Và “bùm”, chồng bà ấy bị bắn chết. Địch lại giơ súng vào con trai bà, hỏi: “Mày giấu nó ở đâu?”. Bà ấy vẫn im lặng, và chúng nó giết luôn đứa con của bà.

Bọn địch bỏ đi, vì chúng nghĩ không có người mẹ, người vợ nào dám bảo vệ một người dưng nước lã đến hi sinh cả tính mạng mình.

Chính vì thế, người phụ nữ ấy đã tin rằng, cái người cán bộ mà vì ông ta, bà ấy đã mất cả chồng, cả con sẽ phải có trách nhiệm sống xứng đáng với niềm tin ấy. Bởi ông ta đã sống bằng cái giá của hai mạng người, đã sống bằng sự hi sinh đắt đỏ và bi thương của cả gia đình bà. 

Khi nghe câu chuyện đó, tôi cứ cầu mong niềm tin của bà ấy là thật, và vị cán bộ đó tốt nhất là hãy xứng đáng với niềm tin đó. Nhưng lỡ không may nếu người cán bộ đó đã phản bội sự tin yêu đó,  thì người đàn bà đó sẽ phản ứng thế nào, sẽ có thể quay lưng và oán trách như nào? Tôi thực lòng không muốn nghĩ đến chuyện đó. 

Khi người dân yêu ta, họ sẽ yêu đến tận cùng. Nhưng để đến lúc họ quay lưng lại, thì sự quay lưng ấy cũng có thể sẽ khủng khiếp hơn cả những gì mà chúng ta có thể hình dung. Tôi cầu mong, chúng ta sẽ thức tỉnh sớm để vẫn giữ gìn được bản chất tốt đẹp của dân tộc này!

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Theo Lan Hương
(Tuổi Trẻ & Đời Sống)
0 Nhận xét