Có cách nào ngăn chặn lại không?

Trong giới trẻ, thậm chí vị thành niên hiện nay đang có một "phong trào" rất đáng lo ngại. Nó mang cái tên thật trớ trêu "Việt Nam- nói là làm"!

Vậy nhưng nói ở đây là "1000 like tui sẽ... đốt trường. 40.000 like tui tự thiêu hay 2000 like tui cởi áo ngực". Và họ đã làm thực!

Đó là những hành động nông nổi, vô văn hóa, bị cho là "sống ảo", nhưng trước tiên nó phải được sự cổ vũ của cộng đồng trẻ, bởi nếu cho đó là chuyện tầm xàm, không nhấn nút like thì nó sẽ không xảy ra, các hành vi này sẽ mau chóng vô tác dụng.

Nổi tiếng là mong ước của con người, nó nằm trong bản chất tham và si. Và có không ít người mong muốn nổi tiếng bất chấp hậu quả. Ở VN cũng vậy, mà ở đâu cũng vậy. Tại Mỹ có những tay sẵn sàng giết chết một tổng thống, một danh ca, không vì lý do gì cả ngoài lý do muốn tên tuổi mình lưu danh vào... lịch sử!
Bản chất là vậy, nhưng ở những đất nước chú trọng giáo dục từ khi trẻ mới sinh ra, thì những vụ việc ngông cuồng này ít hơn. Tại VN giáo dục không tương đồng với sự phát triển của thông tin hiện đại, nên cách sống lệch lạc này sẽ còn bùng phát, đó là chưa nói đến, một tài khoản facebok có trên vài trăm ngàn người theo dõi sẽ trở thành lợi thế khi chủ nhân nó quay sang bán hàng online, mà không gặp bất kỳ phê phán nào hay tẩy chay từ công đồng!

Có cách nào ngăn những hành vi tiêu cực sai trái này? Trong phạm vi gia đình thì có thể nếu chúng ta biết giáo dục con cái đúng hướng. Còn ngoài xã hội? Đây quả là một câu hỏi khó. Tôi từng đưa ra ý kiến phản đối bạn bè mình chia sẻ các trang của DLV, vì biết rằng càng chia sẻ, dù để chửi thì cũng làm cho các trang này phát tán và rơi đúng ý đồ của họ. Với các nick facebook "nói và làm" cũng vậy, nếu quá ít người nhấn like, chia sẻ thì mặc nhiên nó sẽ bị vô hiệu hóa. Còn dù bạn chia sẻ để lên án nó, bạn cũng thỏa mãn ý đồ nổi tiếng của nó.

Nhưng đề nghị này có vẻ không khả thi, bởi hiện có quá nhiều người tò mò về những chuyện tầm phào hơn là dùng Fb để nâng cao dân trí!

Bài viết của Nguyễn Đình Bổn
0 Nhận xét