Khai dân trí chấn hưng tinh thần dân tộc.

Trích đăng: Những cái nhất của Việt Nam

1. Giá bất động sản Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới. Giá nhà đất tăng lên hơn 100 lần trong vòng 20 năm. Giá nhà ở trung bình cao hơn 25 lần so với thu nhập bình quân hàng năm của người lao động. Đồng thời, giá nhà ở Việt Nam lớn hơn gấp 5 lần so với các nước phát triển và gấp 10 lần so với nước chậm phát triển.

Giá bất động sản Việt Nam thuộc top cao nhất thế giới

2. Giá cho thuê văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM vào hàng đắt đỏ nhất thế giới. TP.HCM đứng ở vị trí 27 (417 euro/m2/năm) và Hà Nội ở vị trí 32 (371 euro/m2/năm). Ở Đông Nam Á, Hà Nội và TP.HCM chỉ đắt đỏ sau Singapore (thứ 6).

3. Việt Nam là quốc gia có tổng số phương tiện trên đầu người cao nhất thế giới, đặc biệt là xe máy. Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, tai nạn giao thông ở Việt Nam được coi là cao nhất thế giới. Mỗi ngày trung bình có 31 người chết vì tai nạn.

Việt Nam có phương tiện trên đầu người cao nhất thế giới

4. Việt Nam là 1 trong 2 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới nhưng gạo Việt Nam lại rẻ nhất trong số 5 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, theo thứ tự là Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam, Mỹ và Pakistan.

5. Cũng với sự giúp đỡ của Google Trends có thể thấy người Việt đam mê công nghệ nhất thế giới. Thử với từ khóa "3G", Việt Nam lại đứng đầu danh sách những nước tìm kiếm từ khóa này. Thử với từ khóa "Iphon" (vì người Việt viết sai tiếng Anh) thì Việt Nam đứng số 1, còn với từ khóa đúng là iPhone thì Việt Nam đứng thứ 3.

6. Giá xe hơi ở Việt Nam đang đắt nhất thế giới, gấp hơn 2 lần so với các nước phát triển và khoảng 1,5 lần so với các nước trong khu vực. Để sở hữu chiếc Honda Civic 1.8, khách hàng Hà Nội phải bỏ ra trên 925 triệu đồng, đắt gấp 2 lần chi phí của người dân New York, Mỹ.

7. Giá bán lẻ sữa ở Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới: giá bán lẻ trung bình là 1,4 USD/lít, trong khi Trung Quốc là 1,1 USD, Ấn Độ: 0,5 USD, các nước Âu - Mỹ từ 0,5-0,9 USD/lít. Hiện giá sữa ở Việt Nam cao gấp đôi Malaysia và gấp 1,5 lần so với Thái Lan.

Giá sữa Việt Nam cao nhất thế giới

8. Giá thuốc Tây tại Việt Nam thuộc hàng đắt nhất thế giới. Theo khảo sát năm 2010 của Tổ chức Y tế thế giới với 7 nhóm thuốc thông dụng (trong đó có kháng sinh) cho thấy, giá thuốc tại Việt Nam cao gấp từ 5 đến 40 lần so với thế giới.


9. Việt Nam là nơi có giá thuốc lá rẻ nhất thế giới cũng là nơi có thể mua thuốc lá dễ nhất thế giới. Hiện giá bán tối thiểu đối với mỗi bao thuốc lá điếu bao cứng là 4.050 đồng và bao mềm là 3.450 đồng. Tỷ lệ nam giới hút thuốc ở Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới với 47,8%. Việt Nam có hơn 40.000 người tử vong mỗi năm do thuốc lá.

10. Việt Nam đứng top 10 không khí bẩn nhất thế giới. Về ảnh hưởng của chất lượng không khí, Việt Nam đứng thứ 123 trong bảng xếp hạng, chỉ xếp trên 9 nước khác. Về tổng thể môi trường, Việt Nam đứng vị trí 79. Yếu tố thứ ba, chất lượng nước ảnh hưởng đến sức khỏe, Việt Nam được xếp hạng 80. Lượng khói bụi và mức độ ô nhiễm tại Hà Nội gấp nhiều lần cho phép.

Không khí bị ô nhiễm

11. Mỗi người có nhiều giấy tờ tự chứng minh bản thân mình nhiều nhất: chứng minh thư (có vài loại), thẻ sinh viên, thẻ học viên, hộ khẩu, giấy khai sinh, hộ chiếu, chứng minh sĩ quan, công an, …


Tôi đưa ra những dẫn cứ trên không vì mục đích đả kích hay tự ti dân tộc mà tôi muốn mọi người Việt phải nhìn thẳng vào thực trạng để hiểu rõ về đất nước, từ đó mới có phương pháp điều chỉnh phù hợp.

Người Việt tự hào về truyền thống “dựng nước và giữ nước”. Hơn 1.000 năm bị đô hộ giặc Tàu nhưng dân tộc Việt chưa bao giờ chấp nhận Tàu hóa. Dân tộc Việt luôn giương cao ngọn cờ độc lập, chủ quyền lãnh thổ, phát triển văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt. Trăm năm giặc Tây, ba mươi năm thống nhất Bắc Nam, tinh thần giải phóng dân tộc, độc lập tự do luôn mạnh mẽ trong dòng máu người Việt như lời Hồ Chí Minh khẳng định “dân ta có lòng nồng nàn yêu nước”.

Sự anh hùng đó chỉ đang dừng lại ở việc “dựng nước và giữ nước” mà chưa khi nào Việt Nam thành cường quốc về kinh tế, chính trị. Thời đại ngày nay có nhiều thay đổi, hội nhập kinh tế toàn cầu, hợp tác quốc tế sâu rộng càng đòi hỏi phải phát huy hơn nữa tinh thần dân tộc, tinh thần tự lực tự cường trong phát triển đất nước.

Việt Nam được ưu đãi về tài nguyên thiên nhiên, đất đai, khí hậu. Người Việt tự hào với những với những đức tính thông minh, cần cù. Nhưng đau đớn thay, sau 40 năm thống nhất Nam Bắc một nhà, nước Việt ta vẫn còn chỉ là nước nghèo, kém phát triển. Cuộc sống của đại đa số dân chúng chỉ đủ tồn tại ở mức tối thiểu. Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm trầm trọng. Năm 2014 Việt Nam có hơn 72.000 lao động, năm 2016 là hơn 200.000 lao động có trình độ cử nhân trở lên không có việc làm, đó là sự lãng phí quá lớn cho toàn xã hội. Mở rộng ra, tỉ lệ thất nghiệp tại Việt Nam sẽ cao đến mức nào, đừng ảo tưởng với những con số thống kê đẹp "lung linh" của cơ quan quản lý lao động, đó chỉ là những con số đầy dối trá, lừa dối nhau.

Để đất nước nghèo khó là lỗi của mỗi người dân Việt.

Lại có người nói với tôi rằng Việt Nam có nhiều tỉ phú kể cả tỉ phú đô la được tạp chí Forbes Hoa Kỳ bầu chọn nữa mà, những tỉ phú thì không có lỗi.

Trả lời: Tôi rất trân trọng, khâm phục những người Việt giàu có và nổi danh thế giới. Tôi hiểu để đạt như vậy những tỉ phú đã vượt qua nhiều thử thách, bằng nỗ lực cá nhân và tinh thần học hỏi không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, số lượng tỉ phú người Việt còn quá ít so với dân số hơn 90 triệu kia. Tỉ phú người Việt vẫn chưa giúp Việt Nam trở thành cường quốc tỉ phú vì nhiều lý do. Trong đó có điểm xấu cố hữu của người Việt “chỉ biết lợi ích cá nhân mà quên lợi ích tập thể, lợi ích quốc gia”. Bằng chứng là có quá ít tỉ phú người Việt dám dùng tiền của mình để đóng góp các dự án cộng đồng - xã hội, nhằm phát triển cuộc sống người dân tốt đẹp hơn. Phần đa chỉ khư khư với tài sản khổng lồ, chỉ ra sức gia tăng lợi nhuận. Họ cần hiểu rằng một mai về với cát bụi thì chẳng mang theo được gì khi qua thế giới bên kia. Nên người giàu phải có trách nhiệm hơn nữa với dân tộc với giống nòi Việt Nam.

Nước Việt còn nghèo, so với một số quốc gia mà cách đây hơn 40 năm trước được cho là “cùng chiếu” với chúng ta như Thái Lan, Philippines, Singapore, Hàn Quốc thì đến nay chênh lệch mức sống ngày càng xa, quá xa. Vậy nguyên nhân là do đâu? Theo quan sát của tôi gồm mấy lý do như sau:

Một, tinh thần tự lực tự cường của dân ta trong công cuộc phát triển kinh tế không cao. Người dân hay có tính ỷ lại vào những ưu đãi của thiên nhiên “rừng vàng biển bạc”, ỷ lại vào nguồn tài trợ từ bên ngoài. Điều tệ hại hơn nữa khi người dân ỷ lại vào hoạt động của kinh tế nhà nước, ỷ lại vào sự bao cấp biểu hiện là người dân cố gắng vào làm việc tại các công ty nhà nước.

Hai, người Việt thông minh nhưng không ham học hỏi. Người Việt ảo tưởng với tính “khôn loir”, muốn “ăn cắp” công nghệ của người ta bằng những từ ngữ thời thượng là “đi tắt đón đầu” mà không đầu tư nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng. Tính khôn lõi là mầm móng của căn bệnh “ung thư quái ác” nhằm tiêu diệt tính cần cù, chịu thương chịu khó của người Việt. Không ham học hỏi thể hiện qua các công trình nghiên cứu quốc tế, các ứng dụng vào thực tiễn của người Việt hết sức khiêm tốn. Đáng báo động hơn về tính lười nhát trong học tập khi thống kê trung bình mỗi người Việt đọc không đến 1 cuốn sách trong 1 năm.

Ba, văn hóa cộng tác, liên kết của người Việt quá tệ. Trong kinh doanh tư duy ngắn hạn, hay lừa gạt, không giữ chữ tín lâu dài. Các hiệp hội, tổ chức ngành nghề không phát huy nhiệm vụ là đầu tàu để định hướng sự phát triển của cộng đồng. Hô hào khẩu hiệu nhiều nhưng thực tế hiệu quả chẳng bao nhiêu.

Bốn, người Việt ngại trong việc tranh đấu vì chân lý, hay cả nể , bằng mặt mà ít bằng lòng. Khi họp bàn thì qua loa, biểu quyết thì theo đám đông, a dua mà không dựa trên lý luận, tranh luận rõ ràng. Sau khi đã thông qua quyết định thì xì xào bàn tới bàn lui, đến khi hành động thì không đồng lòng, kể cả cản phá nhau. Luật lệ đưa ra rồi lại phá luật, làm liều, làm theo cảm tính cá nhân.

Năm, người Việt nhút nhát với quyền lực, không dám phản biện, kiến nghị vì sợ “trả thù”. Người Việt cố giữ khư khư cái lợi ích cho cá nhân nên dễ dàng thỏa hiệp với những cái xấu, làm sai luật pháp để đạt lợi ích. Nước Việt hiện nay chỉ có người Việt mà chưa có quốc dân Việt. Việc luận bàn về chí tiến thủ của quốc gia, về độc lập dân tộc được xem là trách nhiệm của nhà nước (chính phủ) chứ không phải là nhiệm vụ của mỗi công dân Việt. Mất đất, bị uy hiếp, bị sỉ nhục … từ ngoại bang nhưng người dân không cảm thấy xót xa, nhục nhã.

Tóm lại, để đất nước hùng cường thì việc đầu tiên cần nâng cao dân trí cho người dân, mở mang kiến thức, cung cấp thông tin đầy đủ, để mỗi công dân Việt Nam nhận thức sâu sắc về trách nhiệm với tổ quốc. Dân trí được nâng cao sẽ góp phần tăng năng suất lao động, góp phần cải thiện đời sống cho toàn xã hội. Dân trí nâng cao góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày một hùng cường.

Cao Trung Hiếu
HCM ngày 05/02/2015
1 Nhận xét
  1. Một dân tộc có dân trí cao là một dân tộc hùng mạnh. Một dân tộc còn ngu muội thì là dân tộc hèn nhát, yếu đuối.

    Trả lờiXóa